menu search
Đóng menu
Đóng

Đồng đôla có sụp đổ?

14:03 14/05/2008
Đồng đôla đang sụt giá. Không ít người đã hưởng lợi từ thực tế này. Khả năng một đồng tiền khác thay thế đôla trong tương lai gần là khó xảy ra.
 
 
Nếu là một nước nào đó chứ không phải Mỹ thì những ngày này, Washington có thể bị bao trùm bởi không khí hoảng hốt và lo sợ. Với tình trạng nợ nước ngoài gia tăng, thâm hụt cán cân thương mại khoảng 700 tỷ USD/năm và liên tục đội lên trong mấy năm gần đây, chính phủ có thể chịu sức ép cắt giảm chi tiêu và tăng tỷ lệ lãi suất nhằm thu hút đầu tư.
Nhưng Mỹ là Mỹ. Trong hơn nửa thế kỷ qua, người Mỹ đã hấp thụ được khá nhiều ưu thế từ quá trình toàn cầu hóa cho nền kinh tế vốn rất cường tráng của mình: đồng USD trở thành một ngoại tệ mạnh, là phương tiện thanh toán chủ đạo của thương mại quốc tế, là đồng tiền trong dự trữ ngoại tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Arập Xêút.
Ai được lợi từ đồng đôla yếu?
Dù các quan chức Mỹ nói rằng họ muốn có một đồng đôla mạnh, song điều mà ai cũng có thể biết là họ không cần vội vàng thực hiện mong muốn đó. Dù người Mỹ không thích giá trị đồng đôla thấp khi đi du lịch nước ngoài và các công ty bán hàng vào Mỹ cũng vậy, nhưng USD yếu có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Mỹ. USD yếu sẽ khiến hàng hoá Mỹ cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới.
Thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ giảm khi xuất khẩu tăng, hạn chế ảnh hưởng của thâm hụt đối với tăng trưởng. Đồng đôla yếu cũng giúp cải thiện tình hình việc làm vì các công ty đa quốc gia sẽ chọn thuê người Mỹ với chi phí thấp hơn. Đây cũng có thể là tin tốt lành đối với người tiêu dùng, nhân viên và các công ty Mỹ, là nhân tố quan trọng đối với ngành sản xuất và xuất khẩu đang rất cần được phục hồi. Công ty General Motors cho biết: “Đồng đôla mất giá chắc chắn đã giúp ích cho chúng tôi”. Còn với IBM, doanh thu từ các thị trường Trung Đông, châu Âu và châu Phi tăng khoảng 13% trong khi tại thị trường Mỹ, con số này chỉ là 1%.
Các công ty đa quốc gia khác của Mỹ cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi doanh thu ở nước ngoài sang đồng đôla đang mất giá.
Một phần thành công của nhiều tập đoàn toàn cầu có được là nhờ một yếu tố mà không công ty nào có thể kiếm soát nổi: giá trị của USD. Nhưng nếu Mỹ vẫn tiếp tục duy trì một chính sách đồng đôla yếu, vị trí của đồng tiền xanh này có thể sẽ bị xói mòn, uy tín siêu cường của Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Sẽ có đồng tiền khác thay thế USD?
Vài năm trước, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần lựa chọn một đồng tiền khác thay thế USD, trở thành ngoại tệ dự trữ, đồng tiền định giá và thanh toán trong thương mại quốc tế.
Ngày nay, khi đồng tiền xanh liên tục giảm giá, các nhà kinh tế càng nghĩ nhiều đến khả năng đồng euro sẽ thay thế USD trong 1, 2 thập kỷ tới. Thậm chí trong thời gian dài, ngoại tệ này có thể bị lu mờ bởi cả đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Với người Mỹ, việc USD mất vị trí độc tôn sẽ là sự tổn thương lớn, khiến lãi suất tăng lên và đội những chi phí mua nhà và xe hơi tăng cao hơn nữa. Mỹ có thể sẽ phải học cách sống trong phạm vi ngân sách hạn hẹp.
Nói như thế không có nghĩa là việc “chuyển giao quyền lực” từ USD sang một đồng tiền nào đó diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Có nhiều lý do để tin rằng “cái ngày đó” sẽ chỉ xảy ra trong một tương lai rất xa. Nước Mỹ, mặc dù với những khúc mắc nội tại của nó như khủng hoảng thị trường cho vay thứ cấp, chi tiêu nhiều hơn tiết kiệm, nợ nước ngoài lớn… nhưng bản thân nó, với những ưu thế về quân sự và chính trị, vẫn có cách khiến cho tờ bạc xanh có giá hơn.
Việc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn Ấn Độ và Trung Quốc cũng là một nhân tố khiến USD mạnh hơn.
Để lý giải điều này hãy nhìn thẳng vào chính sách kinh tế của Trung Quốc. Với nền kinh tế bùng nổ, các nhà máy xí nghiệp mọc lên như nấm, Trung Quốc thực thi chính sách cho vay với lãi suất thấp và kìm chế giá nhà đất. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ mua ồ ạt USD để giữ đồng nhân dân tệ có giá trị thấp, giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường thế giới. Điều này sẽ giữ tỷ lệ lãi suất của Mỹ ở mức thấp và thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ mua hàng hóa Trung Quốc.
Michael P. Dooley, chuyên gia kinh tế quỹ đầu tư Cabezon Capital (Mỹ) nhận định: "Trung Quốc phải thừa nhận rằng họ phải cho chúng ta vay tiền nếu họ muốn tiếp tục giữ được thị trường tiêu thụ Mỹ”.
Chính phủ Trung Quốc lo ngại đồng đôla yếu làm giảm xuất khẩu của họ. Bởi điều này sẽ dẫn đến giảm việc làm và khiến nông dân tức giận. Vì thế, với hơn 1 tỷ đôla đầu tư vào Mỹ, Trung Quốc sẽ làm mọi cách để làm USD không quá yếu. Nếu họ bán tháo USD, sẽ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng với đồng đôla sụt giá và họ cũng sẽ tự “ném tiền của mình qua cửa sổ”.
Nhưng một số nhà kinh tế tự hỏi, Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách này được bao lâu? Tiếp tục đầu tư vào Mỹ sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền vào việc giải quyết các vấn đề trong nước như ô nhiễm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nước Mỹ đang đứng trước thách thức ngày càng lớn. Hiện tại, USD đang được định giá cao hơn so với yên Nhật và nhân dân tệ Trung Quốc tới 40%. Về lâu dài, vị trí siêu cường của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng trước mắt, thế giới vẫn cần đến thị trường tiêu thụ khổng lồ của Mỹ, như vậy, họ sẽ làm mọi cách để đồng đôla không quá yếu./.
(Tổ quốc, New York Times)

Nguồn:Internet