menu search
Đóng menu
Đóng

Gạo châu Á tuần 24-31/1: Thái Lan chịu áp lực giải phóng kho chứa

16:32 01/02/2013

Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết đã đến lúc chính phủ buộc phải bán gạo dự trữ ra bởi các kho chứa đã đầy ắp, và điều này có thể tác động giảm giá, mặc dù tuần này xu hướng giá gạo vẫn tăng do đồng baht mạnh lên.
  
  
  • Đồng baht vững giá đẩy tăng giá gạo xuất khẩu của Thái Lan
  • Việt Nam bắt đầu thu mua gạo tích trữ để hỗ trợ giá.

(VINANET) – Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết đã đến lúc chính phủ buộc phải bán gạo dự trữ ra bởi các kho chứa đã đầy ắp, và điều này có thể tác động giảm giá, mặc dù tuần này xu hướng giá gạo vẫn tăng do đồng baht mạnh lên.

Chính phủ Thái Lan đã mua gạo từ cuối năm 2011 với giá cao hơn giá thị trường để hỗ trợ nông dân. Họ từ chối tiết lộ lượng gạo họ đang nắm giữ trong kho, nhưng các thương gia và cán bộ trong ngành ước tính khoảng 17 triệu tấn, mức cao kỷ lục.

Khối lượng đó gần gấp đôi mức xuất khẩu hàng năm của Thái trước khi nước này bắt đầu chương trình thu mua lúa gạo, và các nhà lãnh đạo nước này đang phải thuê thêm kho chứa.

“Sớm hay muộn chính phủ cũng sẽ phải xuất kho dự trữ ra. Họ phải giải phóng bớt hàng đi để có tiền mặt và thực hiện chương trình thu mua tiếp theo”, ông Vichai Sriprasert, chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết.

Quyết định xuất kho dự trữ ra có thể khiến xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng lên cao hơn mức dự kiến của Hiệp hội là 6,5 triệu tấn.

Korbsook Iamsuri, chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Rất có khả năng xuất khẩu có thể đạt 8 triệu tấn nếu chính phủ xuất khẩu vài triệu tấn gạo dự trữ ra qua các hợp đồng liên chính phủ”.

Năm 2012, Thái Lan đã xuất khẩu 6,9 triệu tấn gạo, giảm hơn một phần ba so với mức 10,6 triệu tấn năm trước đó, bởi chương trình can thiệp khiến gạo Thái trở nên quá đắt đối với nhiều khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung từ các nước sản xuất khác như Ấn Độ và Việt Nam cũng đầy ắp hàng.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2013 sẽ đạt 8 triệu tấn.

Khối lượng đó đủ để Thái Lan giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay, sau khi để mất vị trí này về tay Ấn Độ năm 2012.

USDA dự báo Ấn Độ sẽ xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo năm 2013, giảm so với 10,25 triệu tấn năm 2012, trong khi Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4 triệu tấn năm 2013, giảm nhẹ so với 7,7 triệu tấn năm ngoái.

Tuy nhiên, sự cạnh tranh vẫn khắc nghiệt bởi cả hai nước đều đang giảm giá để hấp dẫn khách hàng, càng gây lo ngại cho các nhà xuất khẩu Thái, nơi mà đồng baht mạnh lên khiến giá xuất khẩu trở nên đắt hơn.

Đồng baht hiện ở mức 29,76 baht/USD, quanh mức cao nhất 17 tháng. Đồng tiền này đã tăng giá 2,8% từ đầu năm tới nay, trở thành đồng tiền tăng mạnh nhất châu Á, do lượng tiền rót vào các thị trường chứng khoán và trái phiếu mạnh.

Gạo 5% tấm của Thái Lan hiện giá 570 USD/tấn, tăng so với mức 565 USD/tấn cách đây một tuần.

Mức giá này cao hơn so với gạo cùng loại của Việt Nam (405 USD/tấn) và Ấn Độ (420 USD/tấn).

Tại Việt Nam, giá gạo hồi phuc từ mức khoảng 390-400 USD/tấn tuần trước, sau khi chính phủ thong qua chương trình thu mua tạm trữ để đẩy giá tăng lên.

Giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm 2012 nhưng vẫn cao hơn mức bình quân cả năm 2012. Giá xuất khẩu gạo bình quân năm 2012 đạt 458 USD/tấn giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2011. Năm 2012, xuất khẩu gạo cả nước đạt trên 8 triệu tấn, giá trị đạt 3,67 tỷ USD, tăng 12,7% về lượng và 0,4% về giá trị so với năm 2012.
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2013 của Việt Nam ước đạt 534.000 tấn, trị giá 259 triệu USD, tăng 108,5% và 76,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá gạo bình quân ước đạt 485 USD/tấn.

Reuters dẫn tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết Việt Nam sẽ giảm giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm xuống 410 USD/tấn từ tuần tới, từ mức 460 USD/tấn trước đây, và cũng giảm giá sàn gạo 35% tấm xuống 365 USD/tấn, có hiệu lực từ 6-2.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (quy lúa) vụ đông xuân 2012 - 2013, dự kiến thời điểm mua tạm trữ sẽ bắt đầu vào ngày 20-2, sau kỳ nghỉ tết.

Trong đợt này, số lượng gạo tạm trữ sẽ được phân bổ đến các doanh nghiệp hội viên mua vào như những đợt mua tạm trữ trước nhưng có thể các doanh nghiệp sẽ không nhận hỗ trợ lãi suất. Trước đó, ngày 28-1, để chuẩn bị triển khai mua tạm trữ, Bộ Tài chính đã công bố giá thành sản xuất lúa và giá mua lúa định hướng vùng ĐBSCL vụ đông xuân 2012 - 2013, trong đó giá thành bình quân của vùng này được xác định khoảng 3.616 đồng/kg. Về giá mua, trong cuộc họp đầu tháng 1-2013 VFA đã chỉ đạo các doanh nghiệp mua theo giá thị trường, nhưng không dưới 5.000 đồng/kg lúa. Đến nay, tổng lượng gạo xuất khẩu đã ký hợp đồng đạt 1,8 triệu tấn.

(T.H – Reuters, Oryza)