menu search
Đóng menu
Đóng

Giải pháp bình ổn nguồn phân bón

11:10 02/05/2008
Việc giá dầu thế giới leo thang, Trung Quốc sẽ nâng thuế xuất khẩu phân bón dẫn đến giá cả phân bón trong nước đang tăng từng ngày. Làm thế nào để đảm bảo bình ổn giá và đủ phân bón cho nông dân là vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ Công Thương với Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ NN&PTNT, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm 2008, giá nhập khẩu phân đạm urê là 370 USD/tấn (tương đương 5.920.000đ/tấn), giá bán trong nước là 6.750đ/kg. Trong đó, thời điểm thấp nhất là nhập khẩu 360 USD/tấn (tương đương 5.760.000đ/tấn), bán ra 6.000đ/kg. Giá cao nhất lên đến 395 USD/tấn, bán ra 6.900đ/kg. Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho biết, giá các loại phân bón hiện đã tăng từ 59 - 340%. Giá phân bón trên thế giới đã lên tới mức cao nhất trong vòng 35 năm qua. Vì thế, việc duy trì ổn định giá phân bón trong nước rất khó khăn, do chúng ta vẫn phải nhập khẩu khoảng 47% phân urê, 100% SA, 100% sulphur, 100% kali... Cũng trong 3 tháng đầu năm 2008, lượng nhập khẩu phân DAP đã trên 200 nghìn tấn và giá loại phân này đang ở mức cao chót vót (từ 23.000đ đến 25.000đ/kg).

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu phân bón phục vụ nông nghiệp năm 2008 là 8.300.000 tấn, trong đó sản xuất trong nước là 5.395.000 tấn, nhập khẩu 2.905.000 tấn. Tuy giá phân bón và nguyên liệu sản xuất phân bón thế giới vẫn đang ở mức cao, nhưng nếu đảm bảo được việc vận chuyển quặng apatit từ Lào Cai thì vẫn sẽ đảm bảo phân bón phục vụ nông nghiệp năm 2008, nhất là đối với 3 loại phân bón mà Tổng công ty Hóa chất Việt Nam đang sản xuất với số lượng lớn, đó là supe lân, phân lân nung chảy và phân NPK. Hiện, việc sản xuất phân bón của nhà máy DAP Đình Vũ - Hải Phòng còn khó khăn do việc vận chuyển apatit từ Lào Cai về chưa được cải thiện.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hóa chất, cho biết từ đầu năm 2008, Tổng công ty đã có thỏa thuận với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc vận chuyển quặng. Năm 2008, cả tổng công ty cần 1,4 triệu tấn quặng mới đủ năng lực cho sản xuất phân bón, nhưng Tổng công ty Đường sắt mới ký được 1,2 triệu tấn quặng/năm. Tuy nhiên, hiện tại từ đầu năm tới nay, việc vận chuyển chưa đủ đáp ứng nhu cầu như trong cam kết, gây rất nhiều khó khăn cho các công ty sản xuất phân bón của Tổng công ty Hóa chất. Một trong những giải pháp được đưa ra trong thời điểm hiện tại là ưu tiên đầu tư tăng năng lực vận tải của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội. Đầu tư mới tuyến đường sắt Hải Phòng - Đình Vũ phục vụ vận tải quặng apatit cho nhà máy phân bón DAP sắp đi vào sản xuất, dự kiến tháng 6/2008.

Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất phân bón đảm bảo tốt việc sản xuất, tăng sản lượng, giảm giá thành sản phẩm. Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam đã đề nghị một số giải pháp khả thi như: ưu tiên vốn vay cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón; mở rộng phát triển sản xuất phân lân nung chảy và một phần super lân trong giai đoạn 2008 - 2010 đưa công suất phân lân nung chảy lên 1.200.000 tấn và super lân lên 1.000.000 tấn; tăng cường đổi mới phương thức sản xuất phân NPK chất lượng cao để dần dần thay thế được một phần DAP…

(Bộ Công Thương)

 

Nguồn:Vinanet