menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế, tài chính trong nước ngày 15/9/2009

08:48 16/09/2009

*Hà Nội sẽ cấp mã số thuế trong 5 ngày

Theo Cục Thuế Hà Nội, từ tháng 10 đơn vị này sẽ thí điểm cấp đăng ký kinh doanh, mã số thuế trong 5 ngày.

Đến nay, ngành thuế đã công khai danh mục 11 loại thủ tục hành chính với 112 trường hợp thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan thuế (98 mẫu đơn).

Cùng với ban hành hệ thống hồ sơ thủ tục hành chính, Cục Thuế Hà Nội cũng ban hành quy trình giải quyết trong nội bộ.

*Người nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo được giảm thuế thu nhập cá nhân

Theo quy định tại Điều 21 của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được giảm trừ gia cảnh (cho bản thân là 4 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng), giảm trừ các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc (kể cả bảo hiểm y tế) vào thu nhập chịu thuế TNCN trước khi xác định thu nhập tính thuế TNCN.

Đối với cá nhân nộp thuế mắc phải bệnh hiểm nghèo, các khoản chi phí khám chữa bệnh tuy không được trừ vào thu nhập chịu thuế TNCN trước khi xác định thu nhập tính thuế TNCN nhưng để tạo điều kiện hỗ trợ cá nhân nộp thuế có thêm thu nhập để phục vụ việc khám chữa bệnh, Điều 5 của Luật Thuế TNCN có quy định cá nhân nộp thuế mắc phải bệnh hiểm nghèo được giảm thuế TNCN; mức thuế được giảm tương ứng với chi phí khám chữa bệnh nhưng tối đa không vượt quá số thuế TNCN phải nộp trong kỳ.

*Từ năm 2010: Ngành thép Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi cao về chính sách thuế

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, từ năm 2010, ngành thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ngay chính trên sân nhà, sẽ không còn được hưởng các ưu đãi cao về chính sách thuế do thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập WTO kể từ năm 2010 trở đi.

Bên cạnh đó, nhiều dự án thép mới đi vào sản xuất trong năm 2010 sẽ tăng thêm sự mất cân đối giữa nguồn cung và mức tiêu thụ của thị trường, dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường tiêu thụ các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại… Đặc biệt, sản phẩm thép Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán do chi phí sản xuất phôi thép ở Việt Nam cao gần gấp 2 lần so với thế giới, trong khi năm 2010 được dự báo là năm mà giá cả các nguyên nhiên liệu đầu vào như quặng, than, dầu, điện sẽ tiếp tục tăng.

Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2010, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng và các sản phẩm thép khác sẽ tăng 10-12% so với năm nay. Tuy nhiên, cung ứng phôi thép cho sản xuất thép xây dựng trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60%.

*Chủ động 50% nguyên phụ liệu cho ngành da giày

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), hiện ngành công nghiệp phụ trợ trong nước đã cung ứng 65% nguyên phụ liệu cho sản xuất giày thể thao xuất khẩu và 50% nguyên liệu cho giày thời trang, giày vải.

Về cơ bản nguồn nguyên phụ liệu đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước còn với những mặt hàng cao cấp, đế giày, khuôn mẫu đều phải nhập từ nước ngoài. Tám tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 327 triệu USD so cùng kỳ năm 2008. Dự kiến năm 2009 ngành da giày đạt kim ngạch xuất khẩu 4,6 tỷ USD.

*Đầu tư 2 triệu USD sản xuất dệt vải len

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VN) (Vitas) cho biết liên doanh giữa ba công ty là Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định (VN), Dệt vải len Wuxi Đông Á (liên doanh giữa Nhật và Trung Quốc) cùng Changshu Hoabo Woolen Textile (Trung Quốc) vừa được lập thành Công ty TNHH  dệt vải len Đông Nam tại khu công nghiệp Hòa Xá (Nam Định).

Với tổng vốn đầu tư 2 triệu USD, nhà máy mới của liên doanh sẽ cho ra sản phẩm dệt vải len công suất 360.000 - 600.000m/năm với doanh thu dự kiến 3 - 5 triệu USD/năm.

Được biết, Công ty dệt lụa Nam Định là một trong số ít doanh nghiệp trong nước sản xuất được vải pha len hiện nay.

*Mở thêm cửa khẩu với Cămpuchia

Theo thoả thuận được ký ngày 14/9, 2 cặp cửa khẩu phụ với Cămpuchia tại Tây Ninh đã được mở. Theo đó, hai bên thống nhất trong thời gian tới sẽ cùng nghiên cứu hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu, đường tại 2 khu vực này để tạo điều kiện cho người dân 2 nước qua lại biên giới làm ăn buôn bán thuận lợi. Từ nay đến cuối năm 2009, tỉnh Tây Ninh dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán mở thêm 4 cặp cửa khẩu phụ nữa.

*Hàng Container thông qua cảng tăng 16%

Ngoài 49 cảng biển thuộc Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung tại khu vực TPHCM, Cái Mép, Thị Vải đã có 8 cảng container lớn do các tập đoàn khai thác cảng và vận tải biển nước ngoài đầu tư xây dựng đã bắt đầu hoạt động và chuẩn bị khai thác vào năm 2010. Từ đầu năm 2009 đến nay, tuy tốc độ phát triển kinh tế có chậm lại nhưng hoàng hoá  container thông qua cảng đã tăng 16% so cùng thời gian năm qua và lần đầu tiên tại Việt Nam nhiều tàu container lớn của Hãng APL vàMOL đã vào được cảng SP-PSA và cảng Tân cảng – Cái Mép (Thị Vải) để vận chuyển hàng hoá trực tiếp đi Mỹ.

Nguồn:Vinanet