menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế thủ đô Hà Nội 9 tháng năm 2009

09:02 02/10/2009
Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu trên địa bàn Hà nội giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó, xuất khẩu địa phương giảm 10,5%. Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng giảm 30,8%, trong đó kim ngạch nhập khẩu địa phương giảm 25,4% so với cùng kỳ.

Năm 2009 là năm đặc biệt của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Thủ đô 9 tháng đầu năm 2009 đã có những khởi sắc, bước đầu có dấu hiệu phục hồi và triển vọng.

Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu trên địa bàn giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó, xuất khẩu địa phương giảm 10,5%. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội 9 tháng giảm 30,8%, trong đó kim ngạch nhập khẩu địa phương giảm 25,4% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu rất đáng phấn khởi vì điều này chứng tỏ thị trường trong nước đã có vai trò to lớn trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; kinh tế trên địa bàn Hà Nội tăng trưởng không phụ thuộc vào xuất nhập khẩu như các năm trước đây (trong các năm trước, mức tăng trưởng xuất khẩu thường gấp 1,5 lần đến 2 lần mức tăng trưởng GDP và là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm GDP tăng trưởng cao).

Dù kinh tế đã khởi sắc, nhưng kinh tế trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn một số thách thức truyền thống và xuất hiện thách thức mới cần được nhận diện, chủ động xử lí.

+Mất cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội. Theo số liệu thống kê, xuất khẩu trên địa bàn 9 tháng ước đạt 4,7 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 12,9 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu trên địa bàn 9 tháng ước tính khoảng gần 8,2 tỷ USD trong khi 8 tháng, cả nước nhập siêu chỉ 5,1 tỷ USD. Mức nhập siêu như vậy là rất nghiêm trọng và Hà Nội là địa bàn nhập siêu chủ yếu trong cả nước. Việc nhập siêu như vậy không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thanh toán tức thời mà tất yếu ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và tác động đến tỷ giá ngoại tệ.

+Chỉ số CPI trên địa bàn thành phố đang ở mức khá cao và nằm trong nhóm những địa phương có mức tăng CPI hàng đầu của cả nước. So cùng kỳ, chỉ số giá 2 tháng tăng 16,6%, 3 tháng tăng 15,2%, 4 tháng tăng 14,06%, 5 tháng tăng 12,9%, 6 tháng tăng 11,9%, 7 tháng tăng 10,9% và 8 tháng tăng 10,07%, 9 tháng tăng 24%.Trong tháng 8 giá vàng vượt ngưỡng  2 triệu đồng/chỉ, giá  USD lên tới trên 18.450 đồng/USD. Trên phạm vi cả nước, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2009 tăng 8,315 so với 8 tháng năm 2008.  Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, giá một số mặt hàng chủ yếu như: xăng dầu, thép, khí hoá lỏng, đường, đất, nhà… có xu hướng tăng cao,có những mặt hàng tăng theo đà hồi phục kinh tế, nhưng có những mặt hàng tăng theo thời vụ và có cả yếu tố đầu cơ, lũng đoạn trên thị trường bất động sản như giá nhà, đất. Diễn biến trên thị trường cho thấy, áp lực tái lạm phát trong năm nay không quá nặng nề, song một quá trình tăng giá mới có thể đang bắt đầu. Theo ý kiến một số chuyên gia, lạm phát sẽ trễ hơn các gói kích cầu với khoảng thời gian từ 6 đến 8 tháng.

+Chi đầu tư phát triển từ ngân sách chỉ đạt 48,8% dự toán năm.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và vượt qua những khó khăn đang đặt ra, trong những tháng tiếp theo của năm 2009 cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm và những giải pháp mới như: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp cơ cấu lại chiến lược công nghệ, sản phẩm, thị trường và đầu tư. Triển khai các giải pháp mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đặc biệt là các thị trường mà sản phẩm Hà nội có khả năng cạnh tranh.

Với số lượng làng nghề chiếm khoảng 50% số làng nghề trong cả nước, Thành phố cần có chính sách đặc biệt để phát triển bền vững các làng nghề. Làng nghề không chỉ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế ở Thủ đô mà còn tác động lớn tới an sinh xã hội và phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố.

 

Nguồn:Vinanet