menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường thép nhiều khó khăn

16:05 22/10/2012
Do lượng thép tồn kho trong nước còn cao và phải cạnh tranh khốc liệt với thép giá rẻ nhập khẩu (NK) về nhiều khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước buộc phải giảm giá bán để giảm hàng tồn kho, quay vòng vốn, tuy nhiên vẫn không giảm bớt khó khăn.

Do lượng thép tồn kho trong nước còn cao và phải cạnh tranh khốc liệt với thép giá rẻ nhập khẩu (NK) về nhiều khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước buộc phải giảm giá bán để giảm hàng tồn kho, quay vòng vốn, tuy nhiên vẫn không giảm bớt khó khăn.

Cụ thể, giá thép niêm yết tại các nhà máy ở thời điểm đầu tháng 9 đã giảm từ 300.000 đồng  đến 900.000đồng/tấn. Giá bán thực tế của các công ty chưa tính thuế GTGT phổ biến ở mức từ 15,1 đến 15,5 triệu đồng/tấn đối với thép tròn cuộn và từ 15,1 đến 15,5 triệu đồng/tấn đối với thép cây thông dụng. Giá bán lẻ thép tại các địa phương ổn định và phổ biến ở mức từ 17,4 đến 18,1 triệu đồng/tấn.

Đến giữa tháng 9, các đại lý thép bán lẻ xây dựng khu vực TP.HCM vừa giảm thêm khoảng 200 nghìn đồng/tấn nhằm giảm áp lực tồn kho và vốn hết sức căng thẳng từ nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, mặc dù giá thép bán lẻ đã giảm chỉ còn dao động ở mức từ 17,3 đến 17,9 triệu đồng/tấn nhưng sức mua vẫn không được cải thiện nhiều.

Đại diện một DN cho biết, lượng hàng tồn kho của DN này đến giữa tháng 9 đã xấp xỉ 50 nghìn tấn. Đây là mức khá cao trong bối cảnh các DN chỉ chạy 70% công suất thiết kế. Riêng các DN có thị phần lớn thuộc khối DN nhà nước, lượng thép tồn kho phổ biến khoảng từ 25 đến 30 nghìn tấn.

Ngoài ra, tình trạng nhập lậu và gian lận trong NK thép để trốn thuế ngày càng phổ biến cũng đang trở thành một áp lực lớn cho việc giảm hàng tồn kho và ổn định giá bán của thị trường thép trong nước.Theo ông Đỗ Duy Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 9 tháng đầu năm, lượng thép nhập lậu và gian lận thương mại từ Trung Quốc vào Việt Nam đã lên tới 5.000 tấn, cao gấp 5 lần so với cùng kì năm 2011. 

Trước tình hình khó khăn của các DN, VSA và Tổng công ty Thép Việt Nam đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát hàng sau thông quan, nhất là việc đưa vào sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm thép NK bắt buộc phải có nhãn mác tiếng Việt, thậm chí bắt buộc ghi thông tin kỹ thuật có liên quan.

Ngoài ra, đại diện tập đoàn Thép POSCO tại Việt Nam cũng đã gửi văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo xây dựng hàng rào phi thuế quan đối với việc NK thép vào Việt Nam vì hiện tại XK thép từ Việt Nam gặp trở ngại lớn do các nước đều đã và đang áp dụng hàng rào phi thuế quan, nhất là các nước ASEAN, nhiều nước áp dụng mức thuế NK cao như Malaysia: từ 25 đến 50%; Indonesia 10%... nhưng Việt Nam chỉ áp dụng mức thuế 7%.

Đối với thép NK có nguyên tố Bo, Tổng công ty Thép Việt Nam đề nghị cần có sự tham gia kiểm tra, kiểm định của các Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với các trang thiết bị hiện đại, đầy đủ để xác định chính xác hàm lượng chất này trong thép NK.

(HQ)

Nguồn:Hải quan Việt Nam