menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường tiền tệ thế giới ngày 03/09/2009: Yên cao nhất 7 tuần qua

14:26 03/09/2009
Sáng nay, 03/09,tại châu Á, đồng Yên giao dịch quanh mức cao nhất 7 tuần qua so với Euro trước khi có báo cáo của châu Âu cho thấy hoạt động bán lẻ giảm trong tháng 7/2009 so với cùng kỳ năm ngoái và khả năng ngân hàng trung ương châu Âu sẽ giữ tỷ lệ lãi suất ở mức thấp.
 Đồng yên cũng đạt gần mức cao nhất 7 tuần qua so với đồng đô la Mỹ do dự kiến bản báo cáo của chính phủ Nhật sẽ cho thấy chi tiêu cơ bản giảm sang quý thứ 9 liên tiếp, thúc đẩy nhu cầu mua đồng Yên như một tài sản tương đối an toàn.
 
Đồng Euro giao dịch quanh mức thấp nhất 2 tuần qua so với USD trước khi diễn ra cuộc họp ngày hôm nay của Ngân hàng trung ương châu Âu.
 
9 giờ sáng nay tại Tokyo, đồng Yên giao dịch ở mức 131,64/ Euro so với mức 131,54 tại Niu Oóc chiều qua, khi mà đồng tiền này đã tăng lên mức cao nhất kể từ 15/07 là 131,04. Yên giao dịch quanh mức 92,23/ USD sau khi tăng lên tới 92,09/ USD vào ban sáng, mức cao nhất kể từ 13/07. Đồng Euro giao dịch ở mức 1,4273 USD so với 1,4264 USD.
 
Doanh số bán lẻ của khu vực 16 nước sử dụng đồng Euro đã giảm 2,2% trong tháng 7/2009 so với tháng 7 năm ngoái sau khi giảm 2% trong tháng 6.
Theo các nhà phân tích, Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ giữ tỉ lệ tái cấp vốn ở mức thấp kỷ lục là 1% trong cuộc họp của họ diễn ra trong ngày hôm nay.
 
Trong 3 tuần cuối tháng 8, các đồng tiền châu Á đã mất giá liên tục  trong bối cảnh lo ngại  về khả năng Trung Quốc hạn chế tăng trưởng tín dụng cũng như sản xuất một số ngành sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế khu vực.
 
Đồng peso Philippin và đồng rupiah của Indonexia hạ giá nhiều nhất trước lo ngại việc chính phủ Trung Quốc hạn chế sản xuất công nghiệp sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế khu vực.
 
Đồng rupiah của Indonexia hạ giá đến tuần thứ 2 liên tiếp trong chỉ hơn 2 tháng, các công ty nước này cần nhiều USD để trả tiền hàng nhập khẩu và nợ.
 
Theo Ông Gundy Cahyadi, chuyên gia kinh tế IDEAglobal tại Singapore thì thị trường lo ngại Trung Quốc sẽ hạn chế tín dụng, vì thế tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này sẽ đi xuống, điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tăng trưởng kinh tế trong vùng. Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo kéo kinh tế khu vực ra khỏi suy thoái.
 

Nguồn:Vinanet