menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan thị trường giá cả và tiêu dùng tỉnh Hải Dương tháng 8/2009

08:54 07/09/2009
Trong tháng 8, sau khi liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương quyết định cho phép các đơn vị đầu mối điều chỉnh tăng giá bản lẻ xăng vào ngày 9/8, giá cước dịch vụ vận tải bằng Taxi của nhiều hãng đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trên trên thị trường tỉnh Hải Dương vẫn giữ được ổn định và có xu hướng giảm nhẹ; các mặt hàng gia dụng, nội thất, hàng điện máy và vật liệu xây dựng không có nhiều biến động...

1/ Giá vàng:

Trong tháng, giá vàng trên địa bàn tỉnh tăng 20-25.000đ/chỉ so với cuối tháng 7 và đang ở mức 2.140.000đ/chỉ nhưng kém ổn định do ảnh hưởng từ thị trường vàng thế giới. Chính vì lý do đó, thị trường tiêu thụ vàng tại tỉnh Hải Dương trở nên ít sôi động và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Một lý do khác bởi Hải Dương là thị trường nhỏ so với các tỉnh thành khác trong toàn quốc, thu nhập của người dân trong tỉnh không cao và xu hướng đầu tư vàng chưa trở thành phong trào được nhiều người quan tâm. Vả lại, sự chênh lệch giữa giá mua vào và bán tại các cửa hàng là quá cao so với Hà Nội và Hải Phòng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà đầu tư.

2/ Giá đô la Mỹ và Euro:

Trong tháng 8, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng của đồng đô la Mỹ so với đồng Việt Nam (VNĐ) tiếp tục tăng nhẹ. Hiện ngày 31/8 giá USD được mua vào và bán ra tại Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Hải Dương là 17.823đ/USD, tăng 5đ/USD so với cuối tháng trước. Tuy nhiên giá mua bán trao đổi USD trên thị trường tự do vẫn ở mức cao vượt mức 18.300đ/USD. Ngoài ra, tỷ giá đồng Euro trong tháng liên tục tăng mạnh gần 400đ/Euro so với cuối tháng 7 và hiện có giá mua vào bằng tiền mặt là 25.891đ/Euro, chuyển khoản 25.969đ/Euro và bán ra là 26.412đ/Euro.

3/ Giá lương thực thực phẩm:

Giá thóc gạo trên địa bàn tỉnh tháng qua tiếp tục giảm so với tháng trước từ 1-2.000đ/kg tuỳ loại do trữ lượng thóc gạo trên toàn quốc tăng. Mặc dù Chính phủ đã triển khai công tác mua dự trữ thêm 400 nghìn tấn gạo tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để hỗ trợ nông dân, đồng thời giữ ổn định giá gạo trên toàn quốc nhưng giá gạo trong nước vẫn giảm. Hiện giá gạo trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang được bán ra như sau; gạo hương thơm 7.000 đ/kg, gạo bắc thơm 9.000/kg. Theo nhận định giá thóc gạo sẽ không có nhiều biến động trong tháng tới nếu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không ký thêm các hợp đồng xuất khẩu lớn.

Trong tháng, giá thịt gia súc gia cầm liên tục giảm mạnh do lượng cung tăng. Một phần là do giá thóc gạo giảm nên nhiều hộ gia đình tại các huyện đã tăng gia thêm bằng việc chăn nuôi gia cầm để cung cấp cho thị trường, phần khác là do gà Trung Quốc nhập vào nước ta tăng mạnh. Vì lẽ đó, nhiều người dân e ngại khi sử dụng thịt gia cầm vì sợ các chất kích thích tăng trưởng của gà Trung Quốc. Trên thực tế, người tiêu dùng cũng khó có thể phân biệt đâu là gà ta, đâu là gà Trung Quốc. Hiện nay tại các chợ trên địa bàn tỉnh, giá gà ta phổ biến từ 40-50.000đ/kg, ngan ta có giá 35.000đ/kg và có sức tiêu thụ trung bình.

Giá các mặt hàng thủy hải sản vẫn giữ được sự ổn định như tháng trước. Tại các chợ trung tâm thành phố, lượng hải sản được bày bán khá nhiều nhưng chưa thu hút được đông đảo người dân sử dụng do giá bán cao. Ngoài cá nục, cá măng và ngao là có mức giá phổ thông, còn lại như mực ống, mực nang đều từ 70-90.000đ/kg, các loại tôm sú, cua bể có giá trung bình từ 130-180.000đ/kg. Ngược lại, các loại tôm cá nước ngọt bán tốt hơn do giá vừa phải và phù hợp với mức thu nhập của người dân trong tỉnh. Hiện giá cá chép ao (loại 1kg) từ 33-35.000đ/kg, cá trôi 28.000đ/kg, ếch đồng 65-70.000đ/kg.

Giá các loại đường, sữa biến động nhẹ so với tháng trước, đường kính trắng xuất khẩu tăng lên 13.500đ/kg. Giá sữa loại phổ thông khá ổn định, như sữa bột Dutch Lady nguyên kem hộp giấy 400g có giá 47.000đ/hộp; sữa đặc ông Thọ hộp đỏ 380g giá 10.500đ/hộp, sữa bột Milo 285g giá 24.000đ/hộp. Tuy nhiên, giá các loại sữa dinh dưỡng nhập khẩu vẫn khá đắt mặc dù đã có nhiều ý kiến phản ánh về giá sữa bất hợp lý của nước ta. Hiện nay Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích người Việt dùng hàng Việt và sản phẩm sữa không nằm ngoài tiêu chí trên. Theo phân tích của Viện dinh dưỡng, nhiều loại sữa được sản xuất và chế biến trong nước có chất lượng an toàn và hàm lượng dinh dưỡng không thua kém gì sữa ngoại nhưng dường như người tiêu dùng vẫn tin tưởng vào sữa ngoại hơn là sữa nội mặc dù phải bỏ ra một khoản tiền chênh lệch khá lớn.

Giá các mặt hàng khô như măng, miến, đỗ, lạc, vừng khá ổn định do nguồn cung phong phú trên toàn tỉnh và đủ sức đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hiện giá đỗ xanh vẫn được duy trì từ 16-17.000đ/kg, lạc nhân 18.000đ/kg, đỗ đen 20.000đ/kg, nấm hương 150.000đ/kg, mộc nhĩ 45.000đ/kg, măng khô 80-90.000đ/kg, vải thiều Thanh Hà (sấy khô) 20.000đ/kg, bột sắn dây 50.000đ/kg.

Trong tháng, giá hầu hết các loại rau xanh ổn định do thời tiết thuận lợi tạo ra nguồn cung phong phú từ các khu vực trồng rau trong tỉnh. Đồng thời tháng 8 cũng là thời điểm mà người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn với các loại như rau cải, rau bí, rau muống, rau ngót…chỉ khoảng 2.000đ/mớ. Ngoài các loại rau xanh thông thường, giá các loại củ quả như bí xanh, bí ngô, dưa chuột, khoai tây cũng được nhiều bà nội trợ quan tâm vì có giá thành vừa phải từ 5-7.000đ/kg và chính những loại củ quả này sẽ khiến cho bữa cơm gia đình trở nên hấp dẫn hơn.

4/ Giá hàng điện dân dụng, điện tử, điện lạnh:

Trong tháng, giá các mặt hàng đồ điện dân dụng phổ thông như quạt gió, bình đun nước, nồi cơm điện, quạt tích điện… không có nhiều biến động do lượng cung hàng hoá trên thị trường ổn định và nhu cầu của nhân dân không tăng, lượng hàng hoá bán ra tại các cửa hàng vẫn được duy trì. Tuy nhiên với những mặt hàng điện tử, điện lạnh lại có những diễn biến trái chiều, trong khi rất nhiều loại Tivi LCD, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động giảm khá mạnh thì mặt hàng tủ lạnh lại tăng giá nhẹ. Lý giải cho điều này, một số chủ cửa hàng trên địa bàn tỉnh giải thích vì nguyên liệu sản xuất tăng nên giá bán cũng tăng, và lý do chính là giá nhập vào tăng nên giá bán ra sẽ cao hơn. Theo nhận định giá các mặt hàng điện máy sẽ tiếp tục giữ được sự ổn định trong thời gian tới và không xảy ra hiện tượng tăng đột biến về giá và lượng cung tại các cửa hàng, đại lý đủ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Cũng vào thời gian này, tại các thành phố lớn, người dân có cơ hội được mua hàng điện máy giá rẻ do các Trung tâm điện máy xả hàng tồn kho. Đây là yếu tố kích thích người dân mua sắm khiến thị trường trở nên sôi động hơn và các Trung tâm thương mại cũng tấp nập hơn vào những ngày cuối tuần. Với Hải Dương lại khác, thị trường nhỏ, nhu cầu thấp do thu nhập có hạn.

5/ Giá khí đốt:

Trong tháng 8, giá xăng dầu bán lẻ tăng hai lần đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của người dân, nhiều gia đình đã hạn chế sử dụng ô tô, xe máy hơn. Sau khi giá xăng tăng nhẹ 500đ/lít vào ngày 9/8, một số hãng Taxi trên địa bàn tỉnh cũng tăng giá dịch vụ lên thêm 5%. Mặc dù nhiều chuyên gia dự báo kinh tế và người dân lo ngại giá cả hàng hoá sẽ theo đó mà tăng, nhưng thực tế rất nhiều mặt hàng vẫn giữ được sự ổn định cho tới cuối tháng 8, đặc biệt là giá lương thực thực phẩm và nguyên vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ngày 30/8 Liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương tiếp tục cho phép các đơn vị đầu mối tăng giá bán lẻ xăng dầu thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng và dầu diezel, 850 đồng/lít dầu hỏa, và 350 đồng/kg dầu mazút đã gây ra bất ngờ lớn với nhiều người dân vì mức tăng lần này khá cao. Như vậy, giá xăng A92 là 15.700 đồng/lít, dầu hỏa có giá 14.000 đồng/lít, dầu diezel giá 13.100 đồng và dầu mazut có giá 11.830 đồng. Ngoài ra, giá gas trong suốt tháng 8 vẫn giữ được sự ổn định, gas Petrovietnam là 215.000đ/bình 12kg, Petrolimex  230.000đ/bình cùng loại. Theo nhận định, giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe khách, Taxi, xe ôm sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới. Chính việc tăng giá xăng dầu, khí đốt hoá lỏng sẽ ảnh hưởng trược tiếp đến việc tăng giá nhiều mặt hàng khác, kể cả công lao động và nhóm hàng dịch vụ.

6/ Giá vật liệu xây dựng:

Trong tháng 8, giá sắt thép xây dựng trên địa bàn tỉnh biến động không nhiều so với tháng trước. Lượng tiêu thụ sắt thép, cát đá và xi măng vẫn duy trì mức trung bình do nhu cầu xây dựng của nhân dân không tăng. Hiện cuối tháng 8 giá sắt cây liên doanh và Thái Nguyên Φ 16 là 208.000đ/cây, Φ 14 là 157.000đ/cây, thép cuộn liên doanh Φ 6, Φ 8 là 11.700đ/kg. Giá gạch xây dựng đa dạng; gạch không nung DmC 100A (kích thước 21 x 10 x 6cm) có giá 780đ/viên, gạch chỉ và gạch Tuynen thông thường cũng giữ được sự ổn định từ 850-900đ/viên.

Giá một số loại xi măng trong tháng không có nhiều biến động, lượng xi măng bán ra tại các đại lý trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá; hiện giá xi măng Trung Hải loại bao giấy giảm nhẹ còn 720.000đ/tấn, xi măng Hải Dương là 740.000đ/tấn. Ngoài ra giá cát, đá xây dựng trong tuần ổn định; cát vàng từ 75-80.000đ/khối, đá 2x3 là 170.000đ/khối. Theo nhận định, giá nguyên vật liệu xây dựng sẽ không có nhiều biến động trong một vài tuần tới do nguồn cung trong nước và trên địa bàn tỉnh phong phú đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình công cộng và dân sinh.

 (Sở CT Hải Dương)

Nguồn:Vinanet