menu search
Đóng menu
Đóng

Tương lai nào cho USD?

14:55 08/05/2008
 
Trở lại thời hoàng kim của USD vẫn là chuyện của tương lai, bởi còn không ít những điều phải bàn về nền kinh tế Mỹ.
USD rẻ, các “ông lớn” có lợi
Trong thời gian qua, giá trị của USD luôn gắn liền với chính sách cắt giảm tỷ lệ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái của kinh tế. Ngày 30.4, Fed đã chính thức công bố cắt giảm thêm 0,25 điểm phần trăm tỷ lệ lãi suất xuống còn 2% và đây có thể là lần cắt giảm cuối cùng để cứu vãn những khó khăn hiện nay của nền kinh tế Mỹ. Giới phân tích từ đó cho rằng USD có thể sẽ không thể rớt giá thêm nữa. "Chúng tôi cho rằng USD đã thoát khỏi đáy giá trị của nó", chuyên gia tiền tệ chiến lược Meg Browne của Ngân hàng Brown Brother Harriman đã phát biểu như vậy.
Điều này đã được xác nhận trên thực tế khi đồng euro đã được giao dịch với USD theo tỷ lệ 1 ăn 1,54 vào ngày 2.5, so với mức 1 euro ăn 1,60 USD vào ngày 22.4. Theo tờ Business Week, sự hồi phục đáng kể của đồng USD mới đây còn xuất phát từ những hy vọng về sự hồi phục lần 2 của nền kinh tế Mỹ. Với một số chính trị gia hàng đầu của Mỹ, sự suy giảm của đồng USD là một vấn đề nghiêm trọng bởi nó đã kết hợp với sự suy yếu của nền kinh tế, tình trạng "thắt lưng buộc bụng" trong tiêu dùng của người dân Mỹ, việc giá dầu lửa tăng, thị trường bất động sản khốn đốn... khiến cho bóng hình của nước Mỹ đã "tụt dốc" trong thời gian qua. Còn với người dân Mỹ, ngoài chuyện phải đối mặt với tình trạng khó khăn của nền kinh tế, mức sống của họ cũng giảm sút đáng kể khi tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới con số 5%.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế Mỹ lại không cho là như vậy: Đồng USD rẻ có thể phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế nhưng nó lại có khả năng đem đến những lợi thế không nhỏ cho nền kinh tế. Các nhà sản xuất Mỹ dường như có vẻ ưa chuộng một đồng USD yếu hơn bởi nó khiến cho hàng hóa xuất khẩu của họ được bán với giá rất cạnh tranh bên ngoài nước Mỹ. Điều này đã được chứng minh qua các kết quả tài chính của Tập đoàn sản xuất máy công cụ hạng nặng Caterpillar và Boeing với mức doanh số trong quý I/2008 lần lượt là 11,8 tỉ USD (tăng 18%) và 1,21 tỉ USD (tăng 38%) so với cùng kỳ năm 2007. Chuyên gia kinh tế Mỹ Brian Gendreau của Tập đoàn Investment Management còn chỉ ra rằng kể từ năm 2006, các nhà xuất khẩu Mỹ đã đem về nhiều tỉ USD và đã bù đắp một cách xứng đáng vào khoản thiệt hại khoảng 170 tỉ USD do tình trạng khủng hoảng của thị trường tín dụng địa ốc mang lại. Nhà kinh tế Keith Hembre, người đứng đầu Quỹ First American, còn khẳng định rằng: "Sắp tới, sự hồi phục mạnh mẽ của USD (nếu có) sẽ đồng nghĩa với việc nó sẽ chống đối lại lợi nhuận của các công ty lớn của Mỹ".
Tương lai USD phụ thuộc vào đâu ?
Chính sách duy trì một đồng nội tệ yếu có vẻ chỉ có lợi cho một số ít các nhà sản xuất lớn của Mỹ. Theo chuyên gia kinh tế Michele Gambera, những công ty vừa và nhỏ của Mỹ không được hưởng những ưu thế từ một đồng USD yếu. "Chúng tôi không những chẳng được hưởng lợi lộc gì mà còn phải mua hàng hóa với giá cao hơn so với châu Âu". Vì lý do này, một số tập đoàn cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng khổng lồ như Kraft, Procter & Gamble đã tuyên bố rằng họ sẽ phải tăng giá sản phẩm bởi giá nguyên liệu thô mua vào đã cao hơn nhiều so với trước đây. Với các nhà đầu tư bên ngoài muốn vào làm ăn tại Mỹ, sự suy yếu như hiện nay của đồng USD lại mang đến cho họ không ít thuận lợi bởi mức lương nhân công và bất động sản ở Mỹ hiện ở mức thấp nhiều hơn so với trước kia. Tuy nhiên, những thuận lợi này sẽ mất dần đi khi kinh tế Mỹ được hồi phục, thị trường bất động sản, giá dầu mỏ và lương thực được ổn định. Còn tại thời điểm hiện nay, theo nhiều chuyên gia tiền tệ thế giới đánh giá, tương lai của đồng USD còn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố chính như sự ổn định của thị trường tài chính Mỹ, việc FED có cắt giảm thêm tỷ lệ lãi suất nữa hay không và những số liệu minh chứng về tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Các chuyên gia chiến lược của RBC Capital Market còn tỏ ra không mấy lạc quan khi cho rằng: "Tình trạng thu nhập tiếp tục giảm, sự lay lắt của thị trường bất động sản và chính sách thắt chặt thị trường tín dụng đang là những yếu tố chủ yếu chi phối đến người tiêu dùng và tương lai của nền kinh tế Mỹ". Có ý kiến nói rằng cho dù đồng USD có ngưng xuống dốc như hiện nay thì nó vẫn còn mất giá nhiều hơn so với trước đây 5 năm, khi mà đồng euro đã giao dịch với USD theo tỷ lệ 1 ăn 1,12.

Nguồn:Internet