menu search
Đóng menu
Đóng

Xây dựng cơ chế thu mua càphê: Đảm bảo người trồng có lãi ít nhất 30%

09:48 20/05/2010
Trước những khó khăn, thách thức trong xuất khẩu càphê hiện nay, Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách thu mua hợp lý. Với cơ chế này, đảm bảo ít nhất người sản xuất có lãi 30%.
Trước những khó khăn, thách thức trong xuất khẩu càphê hiện nay, Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách thu mua hợp lý. Với cơ chế này, đảm bảo ít nhất người sản xuất có lãi 30%.
1001... lý do khó khăn
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), càphê là một trong những mặt hàng nông sản mới so với lúa gạo, cao su, chè... nhưng có tốc độ phát triển khá nhanh. Từ chỗ sản lượng và giá trị xuất khẩu không đáng kể, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu càphê lớn thứ 2 thế giới và đứng thứ nhất về xuất khẩu càphê vối (robusta). Đồng thời, đây cũng là 1 trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực với sản lượng lên tới 1 triệu tấn/năm, kim ngạch 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, ngành càphê nước ta hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trước hết, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là càphê vối, mặc dù chất lượng không thua kém các nước khác, song do hạn chế trong khâu sản xuất, thu hoạch và chế biến đã ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của càphê nước ta. Việc phân loại càphê theo phương pháp cũ dựa trên kích thước hạt và tỷ lệ hạt đen vỡ, trong khi thế giới đã sử dụng phương pháp tính số lượng lỗi hoặc tỷ trọng lỗi trên tổng khối lượng và phân loại chất lượng theo các tiêu chí Cup Test (tỷ lệ lỗi về độ sạch theo tiêu chuẩn thử nấm) cũng làm giảm giá trị của càphê Việt. Đây là lý do vì sao nửa đầu niên vụ 2009 - 2010, khối lượng càphê xuất khẩu mới đạt 545.000 tấn, kim ngạch 769 triệu USD, giảm 18,28% về khối lượng và 27,43% về giá trị.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối khẳng định, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ là do ngành càphê chưa thiết lập được hệ thống mang tính chuyên nghiệp, do đó dù là nước có sản lượng càphê lớn nhưng chúng ta luôn bị động trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp và nông dân hết sức lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ thông tin nên không thống nhất được phương thức tiêu thụ, giá cả xuất khẩu... Do đó, xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán ngay trên sân nhà và bị khách hàng chèn ép. Đó là chưa kể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu càphê còn thấp mà điển hình là nguồn vốn lưu động của các doanh nghiệp thấp, không đủ nguồn lực để thu mua dự trữ. Thời gian qua, các hợp đồng mua bán càphê thường theo nguyên tắc trừ lùi và chưa chốt giá, khi gặp phải tình trạng giá giảm liên tục, lên xuống thất thường tại các thị trường kỳ hạn, nhiều doanh nghiệp đã thua lỗ, không được ngân hàng cho vay vốn. Đáng trách hơn là, các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến chất lượng; các hoạt động xúc tiến thương mại, chỉ dẫn địa lý đối với càphê còn hạn chế...
Tháng 6 sẽ có cơ chế thu mua
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp mua tạm trữ 200.000 tấn càphê niên vụ 2009 - 2010, đồng thời giao Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ cơ chế, chính sách thu mua trong tháng 6/2010. Mục đích của cơ chế là tăng khả năng dự trữ càphê khi giá thế giới xuống thấp; kiểm soát giá xuất khẩu, nhất là đối với giá các hợp đồng giao hàng tương lai và kỳ hạn; kiểm soát, ngăn ngừa hiện tượng ép giá thu mua, hạ giá gây thiệt hại cho người trồng; hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất khi có rủi ro về thị trường, giá cả...
Ông Hòa khẳng định, nguyên tắc chung của cơ chế, chính sách thu mua càphê là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân, trong đó người trồng phải có lợi nhuận tối thiểu 30%.
Để làm được điều này, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền thiết bị chế biến tiên tiến, hiện đại, có hệ thống kho dự trữ đảm bảo công suất, chất lượng. Hiện, công nghệ, thiết bị của nhiều cơ sở còn lạc hậu, do đó nhất thiết phải quy hoạch lại hệ thống chế biến trên cơ sở tuân thủ các điều kiện của các quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Nhà nước cần thể hiện vai trò cầm trịch thông qua việc có chính sách hỗ trợ để xây dựng hệ thống cung cấp, phân tích thông tin, dự báo thị trường. Hình thành câu lạc bộ doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực, chủ động điều tiết lượng hàng xuất khẩu và thực hiện thanh toán theo hình thức trả ngay, khắc phục hình thức hợp đồng trừ lùi hoặc giao dịch ảo. Đặc biệt, việc tạm trữ càphê được thực hiện trong các tình huống như tạm trữ chủ động để phân kỳ tiêu thụ; hoặc khi giá thế giới xuống quá thấp. Thực hiện việc tạm trữ trên cơ sở nắm chắc diễn biến thị trường, các thời điểm giao hàng và giá cả một cách có lợi.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam cho rằng, để giải quyết những khó khăn của ngành càphê, vấn đề lớn được đặt ra là phải có chiến lược cho sự phát triển của ngành hàng. Theo đó, chiến lược này phải bao gồm tất cả các chủ trương lớn như sản xuất loại càphê nào, diện tích, sản lượng bao nhiêu cho phù hợp với yêu cầu của thị trường... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu áp dụng cấu trúc cơ quan quản lý ngành càphê theo kiểu nửa nhà nước, kết hợp giữa tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Tổ chức này sẽ là cơ quan hoạch định chính sách chiến lược và điều khiển hoạt động của ngành. Đồng thời với đó là xây dựng quỹ bảo hiểm ngành hàng càphê với sự đóng góp và hỗ trợ đầu tư ban đầu của Nhà nước.
Theo kinh tế nông thôn