menu search
Đóng menu
Đóng

Giá cà phê tuần đến 27/5/2018 giảm nhẹ

16:37 27/05/2018

Vinanet - Tuần qua, thị trường cà phê trong nước giữ xu hướng giảm và biến động với biên độ khá lớn. 

Sau một phiên tăng khá mạnh 600 đồng/kg vào ngày thứ Ba (22/5), giá cà phê bắt đầu lao dốc trong hai tiếp theo với mức giảm gần 1.000 đồng/kg về thấp nhất một tuần. Ngay sau đó, giá cà phê phục hồi nhẹ và có xu hướng giảm trở lại trong ngày cuối tuần.

Chốt tuần, giá cà phê dao động trong khoảng 35.300 – 36.100 đồng/kg, giảm 300 – 500 đồng so với giá đầu tuần. Như vậy, thị trường cà phê đã mất toàn bộ những gì đã đạt được trong tuần trước.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ ngày 26/5 đứng ở mức 1.598 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 135 – 140 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London.

Tham khảo giá cà phê tại một số tỉnh ngày 26/5/2018

Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát)

Giá thu mua (đ/kg)

LÂM ĐỒNG

 

— Bảo Lộc(Robusta)

35,300

— Di Linh(Robusta)

35,400

— Lâm Hà(Robusta)

35,300

ĐẮK LẮK

 

— Cư M'gar(Robusta)

36,000

— Ea H'leo(Robusta)

36,000

— Buôn Hồ(Robusta)

35,900

GIA LAI

 

— Ia Grai(Robusta)

36,100

ĐẮK NÔNG

 

— Gia Nghĩa(Robusta)

35,900

KON TUM

 

— Đắk Hà(Robusta)

35,900

HỒ CHÍ MINH

 

— R1

37,600

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/5, trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 3 USD, xuống 1.725 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 6 USD, còn 1.738 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.

Trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng giảm theo cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 0,15 cent, xuống 120,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng 0,15 cent còn 122,65 cent/lb. Khối lượng giao dịch giảm xuống khá thấp dưới mức trung bình.

Trong tuần qua, đáng chú ý nhất là thông tin về đợt sương giá đến sớm và bất ngờ tại Brazil và đây cũng là hỗ trợ giá mặt hàng này tăng khá trong phiên đầu tuần này. Một số khu vực thấp tại Sao Paulo và Minas Gerais bắt đầu có hiện tượng sương giá nhẹ, dấy lên lo ngại rằng vụ cà phê hiện tại của Brazil sẽ có thiệt hại.

Giới đầu cơ trên thị trường kỳ hạn theo đó tăng cường mua vào với kỳ vọng giá sẽ tăng, đồng thời chốt một số vị thế bán. Giá tăng một phần khác nhờ đồng real của Brazil phục hồi so với USD.

Hơn nữa, giá cũng được hỗ trợ một phần nhỏ sau khi doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Brazil, Cooxupe, đưa ra cảnh báo với khách hàng rằng các đơn hàng có thể bị trì hoãn vì công nhân lái xe tải đang đình công trên toàn quốc.

Tuy nhiên, đến giữa tuần, giá bất ngờ lao dốc khi thời tiết tại Brazil bắt đầu ấm dần. Dù vậy, thị trường vẫn đang lo ngại về tình trạng thời tiết khô hạn tại nhiều khu vực khác, giới giao dịch cho biết.

Trong khi đó, tại Việt Nam, điều kiện thời tiết ở khu vực Tây Nguyên đang rất thuận lợi cho vụ cà phê tới đây, với lượng mưa đạt mức trung bình, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, Nguyễn Viết Vinh, cho hay, vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo về cụ cà phê 2018 – 2019, nhưng thời tiết đang rất ủng hộ cho quá trình ra quả hiện nay của cây cà phê.

Hoạt động mua bán vẫn diễn ra chậm chạp vì người nông dân không muốn bán ra ở mức giá dưới 37.000 đồng. Nguồn cung cũng đang ở mức thấp, chỉ còn lại khoảng 30% sản lượng của niên vụ 2017 – 2018.

Tại Indonesia, nguồn cung liên tục tăng. Giá cà phê tại tỉnh Lampung, khu vực trồng robusta chính của Indonesia, tiếp tục giảm vì nguồn cung đang rất dồi dào, một số khu vực tại tỉnh Sumatra đang bước vào vụ thu hoạch.

Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UDCA) đã thông báo xuất khẩu cà phê trong tháng Tư chỉ đạt 295.194 bao, giảm 9,33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu của niên vụ 2017/2018 vẫn tăng 1,99% so với cùng kỳ, với tổng cộng 2.630.067 bao. Điều đáng chú ý là giá giảm nên kim ngạch xuất khẩu cà phê của Uganda thấp hơn, xuất khẩu 7 tháng đầu niên vụ 2017/2018 giảm 7,56% so với cùng kỳ niên vụ trước, với tổng kim ngạch 289.409.881 USD. Uganda hiện là nhà sản xuất cà phê lớn thứ tám của thế giới và là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ tư toàn cầu, xếp sau Việt Nam, Brasil và Indonesia. Phần lớn cà phê Robusta của Uganda được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Nguồn: VITIC/Vietnambiz

 

Nguồn:Vinanet