menu search
Đóng menu
Đóng

Giá lợn hơi ngày 13/3/2019 ổn định ở mức thấp

15:19 13/03/2019

Vinanet - Giá lợn hơi hôm nay bình ổn trở lại sau hai ngày giảm giá mặc dù diễn biến dịch tả lợn châu Phi vẫn hết sức phức tạp tại các địa phương công bố nhiễm dịch.
Tại miền Bắc giá vẫn thấp nhất cả nước
Sau khi giảm giá trong hai ngày đầu tuần, giá lợn hơi tại khu vực ổn định trong khoảng 39.000 - 43.000 đ/kg. Trong đó, tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên giá dao động ở mức 39.000 - 40.000 đ/kg. Các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nam Định, Lào Cai, Yên Bái lợn hơi được thu mua trong khoảng 41.000 - 42.000 đ/kg. Tại Hải Dương, Ninh Bình giá lợn hơi đạt 42.000 - 43.000 đ/kg.
Nhìn chung, giá lợn hơi bình quân toàn khu vực đang ở mức thấp nhất cả nước, đạt 41.000 đ/kg.
Về tình hình dịch tả lợn châu Phi, mặc dù không phát hiện thêm các tỉnh mới nhiễm bệnh, song những nơi báo cáo bùng phát dịch bệnh như Quảng Ninh, Thái Bình đang lây lan trên diện rộng.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá ổn định
Tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, lợn hơi đang được giao dịch trong khoảng 39.000 - 43.000 đ/kg.
Tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận dao động ở mức 46.000 - 49.000 đ/kg. Các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk 42.000 - 46.000 đ/kg.
Tại miền Nam giá giảm
Giá lợn hơi hôm nay tại các tỉnh ở Nam đa phần đều giảm. Giá thu mua lợn xuất chuồng tại Hậu Giang giảm 3.000 đ/kg xuống còn 47.000 đ/kg, Kiên Giang giảm 2.000 đ/kg về mức 46.000 đ/kg, Bến Tre cũng giảm 2.000 đ/kg xuống mức 44.000 đ/kg.
Các tỉnh khác như Tiền Giang, Long An, An giang đều giảm 2.000 đ/kg lần lượt có giá là 49.000 đ/kg, 48.000 đ/kg và 47.000 đ/kg. Đồng Nai giảm 2.000 đ/kg, còn 47.000 - 48.000 đ/kg
Một số khu vực có mức giảm giá 1.000 đ/kg như TPHCM, Bạc Liêu, Trà Vinh giá lợn hơi hôm nay là 49.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 12/3/2019 đạt 4.000 con và tình hình buôn bán của thương lái đã tốt trở lại.
Mặc dù giá lợn hơi đang có xu hướng giảm, nhưng tại một số siêu thị và chợ truyền thống ở TPHCM giá bán lẻ vẫn cao, nguyên nhân do lấy tại các lò mổ vẫn cao. Tuy vậy, gần đây tiểu thương giảm lượng hàng để chỉ bán đủ nhu cầu.
Tại một số siêu thị, thịt lợn cốt-lết giá 90.900 đ/kg, thịt mông 89.900 đ/kg, thịt lợn xay: 79.900 đ/kg, thịt ba rọi 109.900 đ/kg.
Kiểm soát thị trường lợn hơi, khó nhất là các chợ nhỏ lẻ
TPHCM hiện có gần 4.400 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 300.000 con. Trong đó, 278 hộ nuôi lợn bằng thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, quán ăn với tổng đàn 22.740 con, tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12. Mỗi ngày, thành phố tiêu thụ từ 10.000 - 11.000 con lợn, tương đương 800 tấn thịt và một lượng lớn trong số đó nhập từ các tỉnh thành khác. Đây là những nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào thành phố.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, từ ngày 25/2 đến nay, các cơ sở giết mổ trên địa bàn đã tăng cường thực hiện theo vận động của chính quyền thành phố không tiếp nhận nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc đưa vào. Quy trình kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng được tăng cường và thắt chặt.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát không để dịch tả lợn bùng phát. Cụ thể, khi xe vào cơ sở giết mổ, cán bộ thú y kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch cùng với thông tin thực tế. Lúc xuống lợn, cán bộ thú y quan sát triệu chứng lâm sàng. Những trường hợp số lượng lợn không đúng với chứng nhận kiểm dịch sẽ bị xử phạt hành chính. Trong quá trình giết mổ, cán bộ thú y kiểm tra toàn bộ thân thịt, đầu lòng, các hạch bạch huyết để phát hiện những dấu hiệu bệnh truyền nhiễm hoặc những vết bầm, bệnh tích trong quá trình nuôi.
Hiện nay, thịt lợn ở Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, sức mua sỉ có giảm xuống. Trước đây, bình quân tại chợ mỗi đêm nhập về 5.200 con/đêm thì hiện nay số lượng giảm xuống chỉ còn 4.800 - 5.000 con. Lực lượng chức năng kiểm tra vòng truy xuất nguồn gốc của thịt lợn trước khi cho nhập vào sạp. Các sạp kinh doanh tại chợ đầu mối cũng phải đảm bảo các quy định, yêu cầu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mối lo ngại lớn nhất là từ các chợ đầu mối và các chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ. Các loại lợn bệnh, không đủ tiêu chuẩn sẽ "né" TPHCM để tìm các tỉnh thành khác kiểm soát lỏng lẻo hơn, sau đó lại quay trở về thành phố. Tình trạng giết mổ lậu hoặc thịt lợn tuồn về thành phố không theo đường chính thống qua các chợ đầu mối mà bày bán bên lề đường, bên ngoài chợ rất khó kiểm soát.
Nguồn: VITIC/Vietnambiz

Nguồn:Vinanet