Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng ca cao tại Tây Phi sụt giảm. Tây Phi chiếm 2/3 sản lượng ca cao của thế giới.
Mưa lớn và dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản lượng, gây lo ngại về nguồn cung. Lượng hạt đã chế biến dùng trong sản xuất sô-cô-la cũng giảm trên khắp thế giới, cho thấy các nhà máy sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ nguyên liệu.
Điều đó đã khiến các giám đốc điều hành của các nhà sản xuất hàng đầu như Lindt & Spruengli AG và Hershey Co. cảnh báo khả năng giá sẽ tiếp tục tăng, ngay cả khi các khách hàng đã phải tiết chế việc tăng giá bán sản phẩm.
Nhà phân tích tại Rabobank (London), Paul Joules, nhận định các công ty có thể sản xuất những thanh sô-cô-la nhỏ hơn và tăng giá bán lên.
Sản lượng của nước sản xuất ca cao nhiều nhất thế giới là Ivory Coast trong vụ tới được cho là sẽ giảm 20% so với năm ngoái. Tại Ghana, nước sản xuất lớn thứ hai, sản lượng có thể sẽ giảm xuống dưới mức trung bình.
Sản lượng của các nước giảm có thể khiến thế giới thiếu nguồn cung năm thứ ba liên tiếp và thậm chí là năm sau nữa.
Trong khi đó, hiện tượng thời tiết El Niño có nguy cơ gây thêm tác động bất lợi đến sản lượng, đúng vào lúc người trồng phải đương đầu với virus sưng chồi trên cây ca cao, một loại bệnh khiến cây chết trong vài năm và bệnh thối đen quả.
Đại dịch COVID-19 đã làm chậm nhu cầu sô-cô-la toàn cầu và khiến dự trữ ca cao tăng mạnh, nhưng mức tiêu thụ phục hồi và hai năm thiếu nguồn cung đã làm giảm đáng kể lượng dự trữ này.
Lindt đang tăng tích trữ hạt ca cao phòng khả năng giá tăng và thiếu nguồn cung./.
Nguồn:Lê Minh (Theo Bloomberg)/Bnews