menu search
Đóng menu
Đóng

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 5 đợt liên tiếp kể từ đầu năm

09:55 24/05/2022

Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng 5 đợt liên tiếp từ đầu năm, giá heo lại tiếp tục đi ngang khiến giá thành sản xuất cao hơn giá bán, nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề.
 
Cuối tháng 5, nhiều doanh nghiệp sản xuất thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi. Đây là đợt tăng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm 2022, theo báo Thanh Niên.
Theo đó, công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam - khu vực miền Nam thông báo sẽ tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm 300 đồng/kg từ ngày 25/5.
Tương tự, từ ngày 26/5, CTCP MNS Feed cũng điều chỉnh tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn cho lợn con Non – BZ (A21U21 và H21); tăng 320 đồng/kg đối với thức ăn dành cho heo thịt. Công ty TNHH De Heus cũng tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm từ 300 - 400 đồng/kg.
Công ty TNHH Sunjin Vina – chi nhánh Tiền Giang cũng thông báo tăng giá thức ăn gia súc, gia cầm từ ngày 27/5 với mức tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn hỗn hợp lợn con và đậm đặc; tăng 300 đồng/kg với tất cả các sản phẩm còn lại.
Lý giải việc giá tăng, các doanh nghiệp cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên phải điều chỉnh cho phù hợp.
Trong khi giá thức ăn phi mã, giá heo ba miền lại tiếp tục đi ngang, dao động 55.000 - 58.000 đồng/kg. Điều này khiến giá thành sản xuất cao hơn giá bán, nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV), giá cả đầu vào của ngành chăn nuôi tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất chăn nuôi.
Hiện, chăn nuôi Việt Nam đang phụ thuộc khoảng 70% lượng thức ăn nhập khẩu, tính riêng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp khoảng 90% và chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia như Mỹ, Argentina, Brazil, Ukraine, Ấn Độ…
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch AHAV cho biết: “Hiện nay, người chăn nuôi nông hộ đang sử dụng gần như 100% thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Bởi vậy, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã trực tiếp ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của những hộ chăn nuôi này. Theo nghiên cứu sơ bộ, chi phí sản xuất của chăn nuôi nông hộ luôn cao hơn so với chăn nuôi công nghiệp từ 10 – 15%”.
Trước thực trạng trên, đại diện AHAV cũng đưa ra một số giải pháp cho ngành chăn nuôi Việt Nam, bao gồm giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, giảm tỷ lệ chăn nuôi lợn, gia cầm, tăng cơ cấu chăn nuôi gia súc.

Nguồn:doanhnghiep.vn

Link gốc