Báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết giá hồ tiêu trong nước vào đầu năm 2023 đạt 57.000 đồng/kg và đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Giá mặt hàng này dần tăng từ cuối quý I/2023 và không có nhiều thay đổi cho đến tháng 11/2023.
Bước vào tháng 12/2023, giá tiêu liên tục tăng, có thời điểm lên đến 86.000 đồng/kg, kéo theo giá trung bình cả tháng đạt 81.000 đồng/kg, tăng 42% so với với thời điểm đầu năm.
Giá tiêu cuối năm tăng mạnh do lượng hàng tồn kho không còn nhiều, thị trường Mỹ bất ngờ tiêu thụ mạnh vào 3 tháng cuối năm 2023, đặc biệt là tháng 12. VPSA cho rằng đây có thể là các đơn hàng được các doanh nghiệp giao trước khi kết thúc năm nên bắt buộc phải mua hàng, kết hợp vụ mùa thu hoạch chậm ở Đắk Nông khiến lượng hàng bị thiếu hụt dẫn tới giá nội địa tăng.
Việc giá nội địa tăng cũng kéo theo giá xuất khẩu tiêu đen và tiêu trắng tăng theo, tính bình quân giá xuất khẩu tiêu đen cuối năm tăng 5% và giá tiêu trắng tăng 2%.
Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2024 cũng đã bắt đầu tại một số huyện của tỉnh Đắk Nông, tuy nhiên lượng thu hoạch chủ yếu rải rác tại một số huyện và chưa nhiều. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên vụ thu hoạch năm nay trễ hơn năm ngoái, dự kiến sản lượng Hồ tiêu Việt Nam năm 2024 ước đạt 170.000 tấn, giảm 10,5% so với năm 2023.
Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 giảm khoảng 1,1% tương đương 6.000 tấn. Brazil và Ấn Độ được dự báo tăng sản lượng trong năm 2024, tuy nhiên còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết trong khi giảm tại Việt Nam. Các quốc gia sản xuất khác có thể duy trì sản lượng tiêu với mức thay đổi không đáng kể.
Thương mại hồ tiêu năm 2024 có thể tiếp tục chậm lại do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, lạm phát …
Giá tiêu được kỳ vọng sẽ khả quan hơn sau Tết Nguyên Đán khi các thương lái Trung Quốc gia tăng sức mua trên thị trường, nhất là thời điểm đầu quý II hàng năm. Thêm vào đó các thị trường khác cũng sẽ phải bắt đầu mua trở lại mặc dù kinh tế vẫn đang bị khủng hoảng, điều này có thể làm cho lượng hàng tồn cuối năm tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, cước tàu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong ngắn hạn khi căng thẳng tại biển Đỏ tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo cũng cho thấy diện tích hồ tiêu Việt Nam năm 2023 đạt 115.000 ha, giảm 5.000 ha so với năm 2022. Sản lượng hồ tiêu có thể đạt 190.000 tấn, tăng 4% so với năm 2022.
Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 264.094 tấn hồ tiêu các loại, tương ứng kim ngạch 906,5 triệu USD, tăng 14% về lượng nhưng giảm 8% về giá trị so với năm 2022.
Châu Á là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, tăng 30% so với năm 2022, chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Đứng đầu là Trung Quốc với lượng 60.135 tấn, tăng 174% và chiếm 23% thị phần xuất khẩu của Việt Nam.
Tiếp theo là khu vực châu Mỹ, thị phần xuất khẩu chiếm 23%. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam đạt 54.271 tấn, giảm nhẹ so với năm 2022, chiếm 20,5% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Nguồn:Hoàng Anh/Doanh nghiệp & Kinh doanh/TTXVN