Để thực hiện hiệu quả trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá, thì vai trò của cộng đồng cùng chung tay nâng cao nhận thức đó là giải pháp thiết thực nhất.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa được triển khai thường xuyên. Mặc dù vậy, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã được nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hưởng ứng tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Ý thức của người dân về tác hại của thuốc lá có chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều người xem nhẹ, chưa có ý thức thực hiện dẫn đến tình trạng hút thuốc trong nhà, nơi công cộng, bệnh viện, trường học và nhất là tại các nhà hàng, khách sạn... vẫn còn nhiều.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Sau hơn 8 năm đi vào cuộc sống, việc triển khai luật phải đối mặt với nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá và chưa biết nhiều thông tin về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các hãng sản xuất và phân phối thuốc lá tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm tới người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành y tế chưa có đơn vị thanh tra chuyên trách đảm bảo việc xử phạt diễn ra triệt để, kịp thời. Vì vậy, việc hút thuốc tại những nơi công cộng vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả khuôn viên, nhưng thực tế, tại các trung tâm y tế, bệnh viện vẫn có rất nhiều người “tự nhiên” hút thuốc… Còn đối với các điểm công cộng như bến xe, nhà ga thì tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra. Tuy nhiên, việc xử phạt người vi phạm vẫn chưa thực hiện được. Trong trường hợp có người hút thuốc, nhân viên tại bến xe, nhà ga chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền chứ không có quyền xử phạt.
Mặc dù đã được hiện thực hóa thành luật nhưng để triển khai được luật trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập vì việc vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn rất phổ biến, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt. Người có thẩm quyền xử phạt ít trong khi người vi phạm đông, diễn ra trên địa bàn rộng. Lực lượng xử lý theo luật chỉ có một số chức danh như Thanh tra Sở Y tế, công an, quản lý thị trường. Về phía địa phương, chỉ có chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý.
Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các cấp, các ngành, các đoàn thể và địa phương tiếp tục phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá. Tại các khu dân cư lồng ghép phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa gắn với việc không có người hút thuốc; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá. Tạo dựng môi trường sống trong sạch, không khói thuốc vì sức khỏe của cộng đồng.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác giáo dục gia đình, nâng cao ý thức của chính các thành viên gia đình đối với việc phòng, chống tác của thuốc lá. Các trẻ em vị thành niên cần phải được định hướng, cần phải có các tấm gương từ chính các thành viên khác trong gia đình về ý thức phòng tránh tác hại của thuốc lá cho chính bản thân mình, cho người thân và cho cả cộng đồng xã hội. Vì sức khỏe của bản thân và của cộng đồng, hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ.
Nguồn:VITIC tổng hợp