Kế hoạch ngừng chính sách lãi suất gần 0% chắc chắn sẽ khiến Fed đối diện với hàng loạt thách thức. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để đảm bảo lãi suất ngắn hạn biến động theo đúng kỳ vọng của Fed.
Để đạt được mục tiêu này là cả một kỳ công đối với một ngân hàng trung ương đang đối mặt với lĩnh vực tài chính biến đổi đáng kể kể từ sau khủng hoảng.
Các chiến lược gia thị trường tại chi nhánh của Fed ở bang New York đã dành 2 năm để thử nghiệm một công cụ mới nhằm áp dụng lãi suất ngắn hạn trong môi trường mới. Tuy nhiên, hiệu quả của công cụ mới này chỉ có thể đánh giá được sau khi Fed thực sự tăng lãi suất. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, cơ chế mới có thể kép theo những biến động không lường trước được của thị trường tài chính.
Zoltan Pozsar, cựu cố vấn Bộ tài chính Mỹ và hiện là giám đốc Credit Suisse nhận định: “Đây có thể sẽ là một quá trình nhiều biến động”.
Sở dĩ Fed cần thêm các đòn bẩy mới bởi chương trình nới lỏng định lượng những năm qua đã tạo thêm hàng nghìn tỷ USD dự trữ của các ngân hàng. Fed không thể dùng công cụ truyền thống để thay đổi cung dự trữ cho các ngân hàng để điều hành lãi suất, đơn giản bởi hệ thống đang quá dư thừa dự trữ.
Giải pháp của Fed sẽ bao gồm điều chỉnh lãi suất đánh vào các khoản dự trữ dư thừa trong hệ thống hiện lên đến 2,5 nghìn tỷ USD, cùng với đó là tận dụng hợp đồng mua lại qua đêm hay repo (RRP) để điều hành lãi suất chủ chốt.
Theo đó, Fed sẽ bán trái phiếu Bộ tài chính cho các nhà đầu tư khác nhau trong đó có cả các quỹ tiền tệ, và mua lại vào hôm sau.
Chênh lệch giá mua vào bán ra sẽ cho thấy lãi suất đầu tư, do đó sẽ mở rộng diện điều chỉnh lãi suất của Fed thay vì chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại.
Một câu hỏi đặt ra là hiệu quả của công cụ mới này trong việc tác động lên lãi suất thị trường.
Brian Jacobsen, chuyên gia tại quỹ đầu tư của Wells Fargo, nói:”Tôi tin rằng Fed có thể đạt được mục tiêu mà họ muốn. RRP là một công cụ thực sự có sức thuyết phục. Họ có thể dùng nó để thu hút sự tham gia của các quỹ tiền tệ”.
RRP được cho là có hiệu quả tuy nhiên vẫn còn khá nhiều tranh cãi về công cụ này. Giới chức Fed hiện vẫn bất đồng về quy mô cũng như thời gian áp dụng. Một phần là bởi họ lo ngại công cụ này sẽ làm méo mó hệ thống tài chính, ví dụ nó có thể trở thành hầm trú ẩn an toàn cho các định chế tài chính trong khủng hoảng, ảnh hưởng đến hoạt động cấp vốn cho ngân hàng.
Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết, quy mô chương trình RRP sẽ được mở rộng khi lãi suất chủ chốt tăng, nhưng sẽ nhanh chóng giảm quy mô sau đó. Trong khi đó, cựu chủ tịch Fed cho rằng, RRP nên được sử dụng làm công cụ cố định trong bảng cân đối kế toán của một ngân hàng trung ương lớn.
Joseph Gagnon, cựu quan chức Fed và hiện làm việc tại Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson lại đặt ra câu hỏi Fed sẽ thu hẹp quy mô khi cần bằng cách nào?
Ông Pozsar nhận định: “Nếu người gửi tiền tìm đến các quỹ tiền tệ thay vì các ngân hàng, lượng tiền gửi này sẽ trụ lại trong các quỹ đó và rõ ràng ngân hàng trung ương buộc phải duy trì RRP (để tránh bốc hơi nguồn vốn)”. Hơn thế nữa, khi chi phí dự trữ tại ngân hàng trung ương cao do lãi suất tăng, chính các ngân hàng cũng có thể sẽ tìm đến các quỹ tiền tệ. “Sự chuyển hướng của dòng vốn lớn đó có thể gây bất ổn cho thị trường tài chính”, chuyên gia này cảnh báo.
Như vậy, hiện câu hỏi đặt ra là Fed có nâng lãi suất không và sẽ ứng phó với hệ quả về sau ra sao. Thị trường đang đồn đoán quá nhiều về động thái tiếp theo của Fed vào cuộc họp diễn ra ngày 16-17/9 này. Fed được cho là có thể tăng lãi suất thêm 0,25% và sẽ nâng từ từ.
Minh Phương
Theo FT