menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 15/11/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:13 15/11/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 15/11/2021.
 
Xu hướng tăng của lúa mì vẫn được duy trì nhưng giá có khả năng sẽ trải qua điều chỉnh trong phiên hôm nay
Lúa mì mở cửa phiên giao dịch đầu tuần đang là mặt hàng mạnh nhất nhóm nông sản khi mang lại sắc xanh duy nhất cho thị trường. Trong khi 2 mặt hàng ngũ cốc khác đang chịu áp lực trái chiều thì nguồn cung lúa mì thắt chặt rõ ràng đang là yếu tố hỗ trợ cho giá và đẩy giá lúa mì lên mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Theo chúng tôi, lúa mì vẫn chưa thể đảo chiều trong đầu tuần này nhưng có thể sẽ có các nhịp điều chỉnh kĩ thuật. Nhà đầu tư có thể cân nhắc đặt vị thế mua mới ở những vùng giá điều chỉnh này.
Cụ thể về nguồn cung, Bộ nông nghiệp Mỹ đã cắt giảm tồn kho lúa mì thế giới cuối niên vụ 2021/22 xuống mức 275.8 triệu tấn từ mức 277.2 triệu tấn vào cuối tháng 10. Số liệu quan trọng hơn là mặc dù sản lượng đã tăng lên mức 775 triệu tấn nhưng tồn kho đầu vụ vẫn giảm 7 triệu tấn. Điều này có nghĩa là tỉ số tồn kho trên sử dụng sẽ chỉ đạt 36%, mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Chỉ số này cho thấy mức độ thắt chặt của nguồn cung hiện tại.
Trong bối cảnh đó, Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới cũng đang áp dụng các chính sách tăng thuế để hạn chế xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung trong nước.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
 
Giá đồng đang quay đầu giảm nhẹ trước áp lực từ số liệu cho thấy thị trường bất động sản Trung Quốc suy yếu
Giá đồng kết thúc tuần trước với mức tăng khá mạnh khi lo ngại về nguồn cung tiếp tục tăng lên. Số liệu được công bố cuối tuần trước cho thấy dự trữ đồng ở các sở giảm mạnh. Tuy nhiên, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá đồng đã quay đầu và giảm khá mạnh.
Đồng USD mạnh hơn cùng với các số liệu cho thấy thị trường bất động sản Trung Quốc đang tiếp tục suy yếu là yếu tố đè nặng lên tâm lí của giới đầu tư. Tỉ lệ tăng trưởng giá nhà hàng năm tính đến tháng 10 đang ở mức 3.4%, và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Ngành công nghiệp bất động sản của Trung Quốc, vốn tiêu thụ khối lượng lớn kim loại cơ bản đang chậm lại rõ ràng kể từ khi chính phủ áp đặt chính sách 3 lằn ranh đỏ với sự châm ngòi từ cuộc khủng hoảng Evergrande. Ngoài ra, giá than Trung Quốc lao dốc cũng là yếu tố tác động “bearish” đối với giá đồng khi chi phí trong nghành luyện kim sẽ giảm xuống.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Giá các mặt hàng cà phê có thể đi theo các chỉ báo kỹ thuật trong đầu tuần này
Đóng cừa tuần trước, giá cà phê Arabica trên Sở ICE US tăng rất mạnh 7.53% lên 221.95 cent/pound trong khi giá cà phê Robusta trên Sở ICE EU cũng tăng đến 4.4% lên mức 2277 USD/tấn.
Đối với Arabica, giá bật tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước và vượt khỏi vùng đi ngang trước đó. Thời tiết khá thuận lợi trong vài ngày tới ở khu vực Sao Paulo và Minas Gerais sẽ là yếu tố cản trở, có thể khiến giá chưa tăng quá mạnh trong đầu tuần này.
Đối với Robusta, dù giá điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần trước, nhưng đà tăng vẫn còn mạnh và có thể đẩy giá test lại kháng cự 2300 trong đầu tuần này. Mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và dịch bệnh chưa thuyên giảm ở Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ giá.
Chỉ số giá cước vận tải biển hàng thô BDI đã quay đầu, giảm hơn một nửa so với đầu tháng 10, kéo theo kỳ vọng giá cước thực sẽ giảm. Qua đó, có thể khiến giá Robusta khó vượt xa khỏi vùng giá 2300.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
 
Kỳ vọng nhu cầu đi lại gia tăng là yếu tố duy nhất hỗ trợ cho giá dầu duy trì trên vùng 80 USD/thùng
Kết thúc tuần, giá WTI giảm 0.59% xuống 80.79 USD/thùng, giá Brent giảm 0.69% xuống 82.17 USD/thùng. Giá liên tục điều chỉnh giảm từ đầu tháng 11 và có khả năng sẽ đánh mất mốc 80 USD/thùng trong thời gian tới.
Nhìn lại vào số liệu trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của EIA trong tháng 6, khi giá dầu tiến vào vùng 70 USD/thùng và báo cáo tháng 11 trong tuần trước, khi giá Brent test lại vùng 85 USD/thùng, có thể thấy không có nhiều thay đổi trong các dự báo hàng tháng của EIA, ngoại trừ trong số liệu quý III, khi một loạt các sự cố bất ngờ như cơn bão Ida hoặc các vụ hoả hoạn tại Mexico và Gazprom khiến cho nguồn cung suy giảm đột ngột và khiến thâm hụt cán cân cung-cầu đạt mức 1.78 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên về cơ bản, trong quý IV nguồn cung sẽ bắt kịp trở lại với nhu cầu khi các vấn đề được khắc phục, tạo tiền đề cho thặng dư dầu trở lại trong đầu năm 2022. Trong trường hợp Mỹ tung ra 30 triệu thùng dầu trong tháng 12, phần thâm hụt sẽ bị xoá sạch.
Ngoài ra cũng phải nhắc đến giá khí tự nhiên đã giảm tương đối mạnh khi nước Nga hiện đã tăng sản lượng sang các nước châu Âu, sau khi Đức đề nghị Ủy ban châu Âu xem xét cấp phép đường ống Nord Stream 2. Như vậy, nhu cầu chuyển đổi từ khí sang dầu có thể sẽ không lớn như các dự báo trước đó.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc