Đà hồi phục của ngô có khả năng sẽ bị hạn chế ở mức chặn trên của khoảng đi ngang trong phiên cuối tuần
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/03, giá ngô vẫn chỉ đang giằng co quanh mức tham chiếu. Hai phiên tăng, giảm rất mạnh vừa qua đã phản ánh rằng các yếu tố cơ bản đối với ngô hiện tại vẫn đang trung lập. Giá vẫn duy trì xu hướng đi ngang và phản ứng nhạy với các mức chặn của khoảng đi ngang 730 -760.
Hiện tại, giá ngô đang ở gần vùng chặn trên và nếu thị trường vẫn không xuất hiện thêm thông tin bất ngờ vào phiên cuối tuần thì giá sẽ khó có thể vượt lên vùng giá này. Đà tăng từ phiên hôm qua có khả năng sẽ bị chặn lại ở kháng cự 760 như diễn biến trong giai đoạn vừa qua.
Giá ngô tăng trở lại do cuộc chiến tranh ở Biển Đen vẫn chưa kết thúc khi Nga thông báo rằng 2 nước vẫn chưa đạt được thoả thuận nào sau 4 ngày đàm phán. Tuy nhiên, hiện tại nỗi lo về nguồn cung bị gián đoạn đã không còn là yếu tố được đặt lên cao nhất do yếu tố này phần nào đã phản ánh vào giai đoạn tăng mạnh của giá.
Triển vọng mùa vụ sắp tới liệu có cải thiện để bù đắp vào sự thiếu hụt hiện tại hay không là câu hỏi sẽ quyết định tới xu hướng giá trong thời gian tới. Gián đoạn nguồn cung do không xuất khẩu được mới chỉ là những ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Thị trường cà phê có khả năng đi ngang trong phiên hôm nay trước kỳ vọng trái chiều về xung đột giữa Nga – Ukraine
Thị trường cà phê ngày 17/03 đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó giá Arabica giảm 0.6% xuống còn 216.1 cents/pound, giá cà phê Robusta giảm nhẹ 0.4% xuống còn 2139 USD/tấn.
Ngay sau khi Nga bác bỏ tin tức về tiến triển trong cuộc đàm phán hoà bình giữa nước này và Ukraine, thị trường một lần nữa phản ứng với rủi ro lạm phát trong bối cảnh giá năng lượng leo thang trở lại. Trong đó, giới đầu tư tiếp tục xu hướng phân bổ dòng tiền vào nhóm năng lượng và nông sản, cùng những tài sản có tính trú ẩn an toàn cao như vàng, bạc, bạch kim và ưu tiên dự trữ tiền mặt.
Điều này một lần nữa tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ cà phê và từ đó khiến cho giá không thể duy trì được đà hồi phục trong phiên hôm trước.
Ngoài ra, đồng Reals của Brazil hồi phục và hỗ trợ giảm bớt áp lực bán hàng đối với người nông dân Brazil. Tuy nhiên thông tin này sẽ không tác động đến giá do nguồn cung đang là yếu tố chính được thị trường quan tâm, ngoài ra tồn kho Arabica trên Sở ICE đang duy trì tốt đà hồi phục và đạt hơn 1.07 triệu bao, do đó lực bán có thể tiếp tục chiếm ưu thế trong phiên hôm nay.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Những áp lực nguồn cung có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường đồng nối dài chuỗi tăng giá
Giá đồng tăng phiên thứ hai liên tiếp với mức đóng cửa cao hơn 2.2% lên 4.7 USD/pound. Thị trường đang đón nhận khá nhiều tin tức cơ bản có khả năng cải thiện triển vọng tiêu thụ đối với kim loại đồng. Trung Quốc hiện là nhà tiêu thụ số một thế giới, và cũng là nhà sản xuất đồng tinh luyện lớn nhất thế giới hiện đang bước vào giai đoạn khó khăn do phải đối mặt với dịch bệnh, vì thế giá đồng cũng chịu một số sức ép nhất định.
Tuy nhiên mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết giảm tác động của chính sách “Không Covid” lên nền kinh tế, báo hiệu sự thay đổi trong một chiến lược lâu dài nhằm giảm thiểu tử vong nhưng lại đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Việc các tỉnh thành lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải hay Bắc Kinh bị bùng phát dịch đang có thể làm sụt giảm nghiêm trọng tốc độ tăng trưởng của nước này, vì thế các nhà chức trách cũng cần linh hoạt hơn trong các biện pháp chống dịch.
Theo Bloomberg, tỉnh Thâm Quyến sẽ nối lại hoạt động của nhà máy, xe buýt và tàu điện ngầm tại năm quận bắt đầu từ hôm nay. Ngoài ra, các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đang dần tìm cách nối lại các hoạt động kinh tế.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Giá dầu thô bật tăng trở lại sau ba ngày vì những lo ngại về nguồn cung trên toàn cầu
Giá dầu thô bật tăng hơn 8% trong phiên giao dịch ngày hôm qua với giá dầu WTI đóng cửa ở mức 103 USD/thùng, còn giá dầu Brent cũng tăng lên 106.6 USD/thùng.
Những lo ngại về nguồn cung trên toàn cầu một lần nữa lại thúc đẩy sức mua trên thị trường dầu thô. Đàm phán giữa Nga và Ukraine lại rơi vào bế tắc khi Điện Kremlin lên tiếng bác bỏ thông tin về dự thảo kế hoạch hòa bình 15 điểm với Ukraine. Hiện tại, căng thẳng giữa hai nước có thể tiếp tục leo thang trong bối cảnh Nga cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu tình hình chiến sự kéo dài lâu mà không đạt được bất kỳ sự tiến triển nào. Một loạt các lệnh cấm vận được đưa ra đối với Nga, và sự trả đũa ngược của nước này lên Mỹ cùng các nước đồng minh châu Âu và châu Á khiến cho nguồn cung dầu thô của thế giới ở trong tình trạng bị bất ổn.
Việc thiếu hụt nguồn cung 3 triệu thùng/ngày từ Nga trong thế giới có thể khó bù đắp được trong ngắn hạn dù OPEC có cân nhắc đến chuyện gia tăng sản lượng, bởi nếu tăng, tổ chức này có thể sẽ không phê duyệt mức tăng quá đáng kể.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa
Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV