menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 24/11/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:07 24/11/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 24/11/2021.
Nhịp tăng mạnh của lúa mì có khả năng vẫn sẽ kéo dài trong phiên hôm nay
Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/11, giá lúa mì tiếp tục tăng mạnh và vượt lên trên mốc 870. Nhịp tăng hiện tại của lúa mì kéo dài từ cuối tuần trước với cây nến Doji, động lực tăng được nén lại thể hiện qua biên độ biến động ngày càng hẹp. Các đợt tăng mạnh và điều chỉnh nhẹ về vùng đỉnh trước đó của lúa mì cho thấy cấu trúc giá chặt chẽ và đà tăng hiện tại vẫn đang rất vững.
Các thông tin về nguồn cung dù không còn mới nhưng vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy giá không chỉ trong một vài phiên mà sẽ là cả giai đoạn. Chính vì thế những phiên tăng vọt thời gian gần đây của lúa mì không phải là điều vô lý khi thị trường không xuất hiện thêm các tin “bullish” mới.
Nếu đứng dưới góc nhìn kĩ thuật, giá lúa mì đang tạo xu hướng tăng khá rõ ràng với đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và giá vẫn chưa phá vỡ mô hình này nên trong ngắn hạn, việc mở vị thế bán mới ở một đỉnh tạm thời là cực kì rủi ro. Thay vào đó, nhà đầu tư có nếu đang nắm giữ vị thế bán hoặc muốn mở vị thế mua mới thì nên tìm điểm vào ở những nhịp điều chỉnh ngắn về lại vùng đỉnh của đợt tăng ngay trước đó.
Khánh Linh
 
Giá cà phê có thể giảm điều chỉnh trong tuần này do áp lực thanh khoản lớn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/11, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng mạnh. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 năm 2022 tăng gần 5% lên 242 cents/pound. Giá Robusta cũng được hưởng lợi và tăng 2% lên 2297 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được nới rộng lên mức 57% chiết khấu cho giá Robusta.
Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda UCDA đã báo cáo rằng xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 10 đạt 58,541 bao, cao hơn 13.68% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số 486,534 bao. Xuất khẩu Robusta của Uganda tăng 14.81% so với cùng tháng năm ngoái, lên 426,128 bao và xuất khẩu Arabica cũng tăng 6.44% lên tổng số 60,386 bao được xuất khẩu trong tháng 10 năm nay.
Các kho dự trữ cà phê Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US đã giảm 22.264 bao vào ngày hôm qua, còn 1,752,968 bao, với 1,681,373 bao tương đương 95.92% lượng tồn kho được giữ ở châu Âu và 4.08% còn lại được giữ ở Mỹ tương đương với 71,595 bao.
Hôm qua là ngày mà các quỹ tiến hành đăng ký số lượng vị thế với các Sở, và có thể là đã tất toán bớt số lượng hợp đồng tháng 12 để dịch chuyển sang hợp đồng tháng 3/2022.
Tiên Phạm
 
Giá đồng sẽ tiếp tục giằng co trong biên độ rộng khi thị trường chờ đợi một chất xúc tác mới
Giá đồng kết thúc phiên 23/11 với mức tăng nhẹ 0.6% lên 4.42 USD/pound. Giá đồng phục hồi trong bối cảnh mức tồn kho trên Sở LME giảm mạnh gần 5,000 tấn.
Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho thấy các tín hiệu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế cũng góp phần hỗ trợ cho triển vọng của thị trường đồng. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc giữ cho nền kinh tế sẽ ổn định khi mà các tổ chức lớn như Ngân hàng Thế giới – World Bank, hay ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng đã đều hạ dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc.
Đồng thời, PBOC cũng nhấn mạnh rằng thị trường bất động sản sẽ không phải động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc nữa, và Chính phủ sẽ thúc đẩy các hoạt động phát triển xanh và bền vững nhiều hơn. Đồng vốn là nguyên liệu chính cho các hoạt động xây dựng cũng như các hoạt động chuyển đổi xanh nên nhu cầu trong thời gian tới được dự báo vẫn sẽ ổn định và tăng.
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ nối dài đà tăng trước khi OPEC+ họp chính thức
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI tăng rất mạnh 2.28% lên 78.5 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 3.27% lên 82.31 USD/thùng. Giá bật tăng ngay khi có thông tin chính thức Mỹ sẽ mở bán dầu từ kho dự trữ.
Theo tính toán từ các thông tin hiện tại, nếu không tính đến 18 triệu thùng dầu mà Mỹ đã có kế hoạch bán ra từ trước đó, tổng lượng dầu tung ra thị trường sẽ rơi vào khoảng 60 triệu thùng và giải phóng trong vòng 4 – 5 tháng. Tính trung bình, con số này tương đương gần 500,000 thùng/ngày cho đến tháng 4/2022, gần với với mức tăng sản lượng mà OPEC+ dự kiến sẽ gia tăng trong năm 2022, theo thoả thuận từ cuộc họp tháng 7. Tính đến tháng 10, sản lượng của 20 thành viên tham gia thoả thuận thấp hơn khoảng 600,000 so với mức đề ra.
Trong tình hình mà OPEC+ hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng hàng tháng, nhóm hoàn toàn có thể “lấy cớ” từ việc các nước mở kho dầu dự trữ để ngừng mức tăng hàng tháng. Nếu kịch bản này diễn ra, sẽ không có quá nhiều thay đổi xảy ra với cân bằng cung – cầu trên thị trường năng lượng. Thậm chí, OPEC+ có thể đi đến lựa chọn cực đoan hơn là cắt giảm sâu sản lượng để trả đũa.
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc