Giá ngô có thể sẽ hướng lên vùng kháng cự 681 – 687 do triển vọng nguồn cung Nam Mỹ thắt chặt
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô chỉ giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu. Đà tăng liên tiếp và mạnh mẽ trong 3 tháng qua đã giúp giá mặt hàng này quay trở lại vùng cao hơn 1 chút với cùng kì năm ngoái. Bối cảnh cơ bản tương tự khi hạn hán ở Nam Mỹ đang là vấn đề được quan tâm nhất trong giai đoạn này và là yếu tố thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của giá. Cho tới khi có thêm yếu tố mới về mùa vụ của Mỹ, các số liệu dự báo về diện tích gieo trồng năm nay của quốc gia này được công bố thì chúng tôi vẫn cho rằng xu hướng giá ngô vẫn sẽ tiếp tục. Không những thế, trong tuần này, do tác động từ báo cáo Cung – cầu sẽ được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào tối thứ 4, tác động “bullish” từ triển vọng nguồn cung sẽ càng lớn hơn.
Trước khi các số liệu chính thức được công bố, biến động của giá sẽ thể hiện những dự đoán của thị trường. Do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài và chỉ một lượng mưa ngắn xuất hiện gần đây, thiệt hại về sản lượng đậu tương của Argentina niên vụ 22/23 được cho là vẫn sẽ tiếp tục được ghi nhận. Cụ thể, con số này hiện đang được dự đoán ở mức 48.5 triệu tấn và nếu xác nhận thì đồng nghĩa với việc mức sản lượng đã sụt giảm tới 12% so với kỳ vọng ban đầu. Trong 2 báo cáo Cung – cầu đầu tiên của năm 2021, mặc dù mùa vụ ở Argentina không bị đánh giá quá tệ nhưng ước tính sản lượng ngô ở Brazil niên vụ 21/22 cũng bị cắt giảm mạnh tay từ mức 118 xuống còn 114 triệu tấn. Tình hình triển vọng nguồn cung cũng trở nên thắt chặt tương tự trong năm nay sẽ là động lực thúc đẩy đà tăng của giá ngô trong vài phiên tới.
Mặc dù chưa phải là yếu tố đáng lo ngại nhưng vụ ngô thứ 2 của Brazil cũng đang bị ảnh hưởng bởi tiến độ thu hoạch đậu tương chậm trễ và mới chỉ bằng 1 nửa so với cùng kì năm ngoái. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động gieo trồng ngô ngay sau đó và cây trồng sẽ phải đứng trước nguy cơ phát triển trong thời gian kém lí tưởng vào mùa khô ở Brazil.
Sự phục hồi chậm trong nhu cầu tiêu thụ đồng tại Trung Quốc có thể tiếp tục gây áp lực tới giá đồng
Phiên sáng đầu tuần ngày 06/02, nhờ lực mua kĩ thuật giá đồng tăng nhẹ sau khi suy yếu vào cuối tuần trước do triển vọng tiêu thụ chưa có sự khởi sắc từ phía Trung Quốc và chịu áp lực trước sức ép mạnh lên của đồng USD. Đồng USD tiếp tục tăng vào thứ Hai sau khi các số liệu của Mỹ cho thấy sự gia tăng trong bảng lương và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 53 năm.
Hoạt động kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ dần bình thường trở lại hoàn toàn sau ngày 05/02 và mức tiêu thụ đồng dự kiến sẽ tăng dần. Giá đồng dự báo sẽ dao động trong biên độ hẹp trong thời gian phục hồi chậm của thị trường, lĩnh vực bất động sản vẫn cho thấy dấu hiệu phục hồi chậm trong tháng 1. Hơn 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc báo cáo doanh số bán hàng trong tháng 1 giảm 32.5% so với năm 2022, ghi nhận mức giảm mạnh hơn so với mức giảm của tháng 12.
Tuy vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước đã kêu gọi thúc đẩy nhu cầu người tiêu dùng nhằm hỗ trợ sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hiện các ngân hàng Trung Quốc đang tích cực cung cấp các khoản vay tiêu dùng nhằm kích thích nền kinh tế, Bank of China và China Construction Bank Corp đang đưa ra những mức lãi suất vô cùng ưu đãi dành cho người dân. Theo Bloomberg, các khoản cho vay ngân hàng Trung Quốc trong tháng 1 dự kiến sẽ vượt quá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 593 tỷ USD), đạt mức kỷ lục hàng tháng. Hơn nữa, biên giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc đã mở cửa trở lại hoàn toàn vào hôm nay. Do dó, dự báo nhu cầu tiêu thụ đồng sẽ dần phục hồi.
Về phía nguồn cung đồng, sự gián đoạn sản xuất tại các khu vực sản xuất đồng lớn ở châu Mỹ Latinh và châu Phi đã làm gia tăng rủi ro nguồn cung đồng thắt chặt, tuy nhiên, các nhà phân tích của Reuters cho rằng còn quá sớm để hạ dự báo về nguồn cung toàn cầu. Nguồn cung đồng khai thác dự kiến sẽ tăng hơn 5% lên từ 23 đến 26 triệu tấn trong năm nay do các dự án mới như Quellaveco của Anglo American ở Peru, khiến thị trường có một lượng thặng dư nhỏ. Nhà phân tích Alice Fox của Macquarie cũng cho biết: “Peru rõ ràng là một mối lo ngại nhưng cho đến nay sự gián đoạn sản xuất vẫn chưa đáng kể”. Áp lực nguồn cung giảm bớt cũng hạn chế đà tăng mạnh của giá đồng trong phiên hôm nay.
Giá dầu có thể phục hồi một cách thận trọng trước khi đón nhận các thông tin từ báo cáo tháng EIA
Dầu thô mở cửa phiên giao dịch đầu tuần này với lực mua chiếm ưu thế, sau khi ghi nhận một tuần lao dốc trước đó. Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol cho biết vào cuối tuần rằng nhu cầu dầu thô trên thị trường Trung Quốc có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn dự đoán và là yếu tố thúc đẩy giá. Ông cũng dự đoán rằng khoảng một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu trên thế giới trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc. Nhận định tương tự, người đứng đầu Kuwait Petroleum cho rằng tiêu thụ tại Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của đất nước này sẽ gia tăng bền vững với việc mở cửa trở lại.
Trong khi đó, việc nhóm nước G7 và EU chính thức áp mức giá trần 100 USD/thùng cho dầu diesel từ Nga và 45 USD/thùng có các sản phẩm tinh chế được chiết khấu khác, sẽ làm phức tạp hơn dòng chảy dầu trên thế giới. Rủi ro này cũng sẽ là yếu tố kéo giá dầu phục hồi.
Châu Âu là thị trường tiêu thụ dầu diesel lớn nhất của Nga, với khoảng hơn 600,000 thùng/ngày, và Nga sẽ phải tìm cách định tuyến lại dòng chảy năng lượng. Dầu thô Nga có thể được chuyển sang Ấn Độ, và được quốc gia này sản xuất thành dầu diesel bán cho các nước EU dưới dạng sản phẩm không phải từ Nga. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra các tác động chi phí tăng cao, cũng như chưa có sự chắc chắn về các phản ứng của Nga trong tương lai. Goldman Sachs Group mới đây cũng đã tái khẳng định giá dầu có thể tăng trở lại trên 100 USD/thùng trong năm nay và có thể đối diện với vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung vào 2024 do hết năng lực công suất dự phòng. Chuyên gia phân tích tại cơ quan này cho biết đến tháng 5, thị trường dầu mỏ sẽ chuyển sang thâm hụt.
Nhìn chung, thị trường dầu sẽ phản ứng tương đối thận trọng chờ đợi thông tin cung cầu trong báo cáo tháng 2 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào đêm thứ Tư tuần này. Nhưng những kỳ vọng về nhu cầu và sự không chắc chắn về nguồn cung có thể kéo giá phục hồi nhẹ trong phiên hôm nay.
Đà giảm từ cuối tuần trước của Arabica khả năng cao sẽ tiếp diễn trong tuần này do áp lực từ thông tin vĩ mô
Sau một tuần đầy biến động cả về thông tin vĩ mô và cung – cầu, giá 2 mặt hàng cà phê đều có sự điều chỉnh nhất định.
Arabica nối dài đà tăng sang tuần thứ 3 liên tiếp nhưng nhịp tăng khá yếu, chỉ với 1.71% khi nguồn cung tại Brazil được dự đoán tăng hơn 15% bởi Comexim. Cùng với đó, Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn gửi đi những tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục mạnh tay trong việc tăng lãi suất khiến tỷ giá USD/Brazil Real tăng hơn 2% vào phiên cuối tuần, thúc đẩy lực bán từ phía nông dân và gây sức ép lên giá. Về phía Robusta, mặt hàng này đảo chiều giảm hơn 1% sau chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp trong bối cảnh lực bán trở lại khi nông dân Việt Nam kết thúc kỳ nghỉ tết nguyên đán và Dollar Index hồi phục đã kéo theo tỷ giá USD/VND, từ đó thúc đẩy lực bán và gây áp lực khiến giá quay đầu giảm.
Dưới áp lực từ những thông tin tài chính, đặc biệt là việc dữ liệu việc trong tháng 01 tại Mỹ với 517,000 việc làm mới được tạo ra, tăng gấp 3 lần so với kỳ vọng, càng khiến thị trường có niềm tin Fed sẽ tiếp tục mạnh tay trong việc tăng lãi suất để sớm đưa lạm phát về mức mục tiêu. Lãi suất sẽ khiến Dollar Index tiếp tục hồi phục và đẩy tỷ giá USD/Brazil Real tăng, từ đó thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil do thu về nhiều nội tệ hơn. Cùng với đó, lãi suất tăng cũng khiến người dân hạn chế chi tiêu, đặc biệt khi giá cà phê tại Mỹ đang ở mức cao sau báo cáo tăng 50% trong quý 4/2022, càng khiến nhu cầu đối với cà phê trở nên suy yếu, từ đó gây áp lực khiến giá giảm.
Những diễn biến tích cực về mặt thời tiết tại Brazil đang thúc đẩy nguồn cung nới lỏng và gây sức ép lên giá. Theo đó, khu vực Đông Nam, vùng trồng cà phê chính của Brazil được dự đoán sẽ đón nhận lượng mưa ổn định trong tuần tới, giúp thúc đẩy quá trình phát triển của cây cà phê đang trong giai đoạn tăng trưởng kích thước quả, từ đó đưa đến triển vọng tích cực hơn về sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 tại quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Giá Arabica còn đang chịu sức ép từ việc tồn kho đạt chuẩn tăng liên tục và ở mức cao. Theo đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE NewYork đã tăng liên tục trong 5 phiên gần đây lên mức 872,853 bao loại 60kg, mức cao nhất kể từ 07/2022. Hơn nữa, mức tồn kho này còn có thể tăng ít nhất là trong phiên hôm nay khi còn 36,192 bao đang chờ để phân loại và chuyển vào các kho lưu trữ.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)