Không phải ô tô xa xỉ, đâu là mặt hàng chiếm 93,8% kim ngạch nhập khẩu hàng hoá sau 7 tháng?Kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện đạt 8,4 tỷ USDNhiều mặt hàng nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng 2 con số
Kim ngạch nhập khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong tháng 7 đạt mức cao nhất từ trước đến nay với trị giá đạt 33,88 tỷ USD.
Như vậy, kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong tháng 7 tăng 11,2%, tương ứng tăng 3,42 tỷ USD so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu tháng 7/2024 tăng 25,3%, tương ứng tăng 6,85 tỷ USD.
Trong đó, nhập khẩu tháng 7 tăng cao so với tháng 6 ghi nhận rõ nét ở một số nhóm hàng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,19 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 598 triệu USD; dầu thô tăng 173 triệu USD.
Lũy kế, 7 tháng năm 2024, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 212,96 tỷ USD, tăng 18.5%, tương ứng tăng 33,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ghi nhận tăng mạnh nhất là các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,52 tỷ USD (tăng 29,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 3,81 tỷ USD (tăng 16,5%); sắt thép các loại tăng 1,28 tỷ USD (tăng 22,9%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,12 tỷ USD (tăng 26,3%).
Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để cải thiện cán cân thương mại
Tổng cục Hải quan cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, có 5 thị trường/khu vực thị trường nhập khẩu tăng trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường có mức trị giá tăng mạnh nhất với 20,96 tỷ USD; tiếp theo là Hàn Quốc tăng 3,36 tỷ USD; ASEAN tăng 3,08 tỷ USD; Đài Loan tăng 1,98 tỷ USD và Cô Oét tăng 1,06 tỷ USD.
Như vậy, bên cạnh các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, các doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hoá nhập khẩu hàng hoá bằng việc mở rộng ra các thị trường khác như: Đài Loan, Cô Oét. Bên cạnh đó, nhiều thị trường khác cũng có tăng trưởng nhập khẩu lên đến 2 con số như: Nam Phi, Nigieria, Na Uy…
Kết quả này cho thấy thời gian qua, doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hoá các thị trường cho hàng hoá nhập khẩu. Việc đa dạng thị trường nhập khẩu là thành quả của việc Việt Nam đã nỗ lực ký kết các FTA thế hệ mới, giúp hàng Việt Nam gia tăng kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường mới có FTA. Tiêu biểu như nhờ CPTPP, kim ngạch nhập khẩu từ Canada đã tăng 14,1%; từ Mexico đã tăng 18,5%... Hàng hoá nhập khẩu (vốn dĩ phần lớn là nguyên phụ liệu sản xuất) từ nội khối CPTPP cũng góp phần giúp xuất khẩu hàng hoá vào khối thị trường này được hưởng lợi ưu đãi thuế quan, giá trị xuất khẩu tăng cao hơn.
Đáng chú ý, 7 tháng năm 2024, chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 189,3 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chia sẻ, việc đa dạng hóa thị trường ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu thể hiện qua việc chúng ta đã đàm phán và ký kết các FTA. Hiện nay chúng ta đang có 15 FTA đã ký và đang được thực hiện. Bên cạnh đó, FTA với Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Bộ Công Thương cũng đang xem xét triển khai các FTA mới như FTA với UAE. Đây là quốc gia có hoạt động thương mại rất sôi động ở khu vực Trung Đông và hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ để ta đưa hàng hóa vào Trung Đông và châu Phi. Hay ở châu Mỹ, Việt Nam có một tổ chức gọi là Cộng đồng thị trường châu Mỹ (Mercosur) bao gồm 6 quốc gia tại Nam Mỹ. Đây là thị trường tiềm năng và ta đã có FTA với một số quốc gia trong khu vực này như CPTPP với sự tham gia của Chi Lê và Peru. Nhờ đó, cơ hội cho doanh nghiệp sẽ tăng lên cả đầu nhập khẩu và xuất khẩu.
Việc đa dạng hoá thị trường nhập khẩu đã giúp cán cân thương mại dần được cải thiện. Nếu như cách đây khoảng 10 năm, Việt Nam liên tục là quốc gia có thặng dư thương mại. Trong đó, mức thặng dư trong 7 tháng năm 2024 đã lên đến 14,52 tỷ USD (giảm 1,98 tỷ USD so với mức thặng của cùng kỳ năm trước).
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện khu vực doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thể hiện mức độ hấp thụ nguyên, nhiên, vật liệu trong nước cao đáng kể. Các doanh nghiệp trong nước tìm được đơn hàng mới và đang đầu tư mạnh cho sản xuất. Đây là dấu hiệu của việc mở rộng năng lực sản xuất nội địa, cải thiện sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, nhập khẩu tăng cao, sản xuất được đẩy mạnh là cơ sở để thu hút lao động, tạo việc làm, huy động các nguồn lực khác phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế.
Tiếp tục đa dạng hoá thị trường nhập khẩu
Với mục tiêu đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xác định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán và đưa các FTA đã ký kết vào thực thi. Hiện nay, chúng ta chưa có FTA với cả khu vực, đặc biệt là FTA song phương với các thị trường lớn như: Brazil hay Mexico. Do đó chúng ta đang đẩy mạnh đàm phán để ký kết các FTA với khu vực này. Đây là các hướng ưu tiên để mở rộng và đa dạng hóa thị trường cho doanh nghiệp.
Một điều nữa, vẫn còn nhiều khu vực có diện tích và dung lượng thị trường lớn như châu Phi, Nam Á với các quốc gia như: Iran, Irắc, Afganistan, Pakistan… Đây là các khu vực thị trường mà chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu và đàm phán ký kết FTA.
Ngoài ra, với các FTA mà Việt Nam đang có thì việc khai thác các FTA vẫn sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Bởi số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt cho cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.
Tiếp đến là vấn đề xúc tiến thương mại. Ông Trần Thanh Hải cho rằng, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan là giải pháp quan trọng, song nó chỉ là một trong những trở ngại mà ta gặp phải khi đi ra thị trường. Nếu hàng rào đó được xóa bỏ nhưng doanh nghiệp không nắm rõ được thị hiếu và các quy định tiêu chuẩn khác để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu thì khó khăn vẫn còn đó.
Do đó, vai trò của xúc tiến thương mại là bên cạnh việc giúp chúng ta tìm kiếm được các bạn hàng mới, cơ hội kinh doanh mới thì còn phải thúc đẩy được doanh nghiệp đi ra ngoài và nắm bắt được các yêu cầu của thị trường bên ngoài tốt hơn, giúp doanh nghiệp có tự tin. Từ đó gia tăng kim ngạch ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.
Nguồn:congthuong.vn