Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng (ảnh) cho rằng, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, việc chống gian lận xuất xứ hàng hoá, chống lẩn tránh thuế đang là yếu tố sống còn của hoạt động kinh tế.
Muốn "cuộc chiến" này đạt hiệu quả tốt nhất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn của các bộ, ngành, DN từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt cần xử lý "mạnh tay" với các đối tượng vi phạm.
Ông đánh giá như thế nào về mức độ gian lận xuất xứ hàng hoá hiện nay, đặc biệt là hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ hàng Việt để XK đi các thị trường?
Trước hết phải nói rằng, hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại ngày nay, quy tắc xuất xứ, chứng nhận xuất xứ, việc xác định xuất xứ hàng hoá trở nên đặc biệt quan trọng với sản phẩm XK của Việt Nam.
Khi có được xuất xứ Việt Nam theo các tiêu chuẩn của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác nhau ở thị trường khác nhau, hàng Việt mới được miễn, giảm thuế, hưởng lợi ích các bên dành cho nhau trong các FTA.
Tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá đã được cảnh báo từ lâu. Việc Trung Quốc tìm mọi cách để hàng Trung Quốc "núp bóng" hàng Việt trốn đánh thuế của Mỹ cũng đã xảy ra.
Thậm chí có những trường hợp phát hiện ra hàng hóa Trung Quốc về đến cửa khẩu đã ghi sẵn trên bao bì là "Made in Vietnam". Điều này chúng ta đã lường trước. Cơ quan quản lý nhà nước đã "ra tay" nhưng dường như một vài DN vẫn cố tình vì lợi ích trước mắt, tiếp tay cho Trung Quốc.
Để xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ, dẫn tới nguy cơ hàng Việt XK bị điều tra lẩn tránh thuế sẽ gây thiệt hại to lớn cho Việt Nam. Với riêng trường hợp thị trường Mỹ, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng diễn ra trên quy mô lớn, hàng hóa Trung Quốc ứ lại, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để tiêu thụ, nguy cơ ngày càng lớn.
Tiêu thụ có nhiều cách như XK sang Việt Nam, tiêu thụ tại Việt Nam. Nếu Việt Nam có nhu cầu và hàng Trung Quốc đủ sức cạnh tranh với hàng nội địa thì có thể NK. Tuy nhiên, nếu hàng Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt để XK, nhất là xuất Mỹ thì là hành động gian dối không chấp nhận được, cần hết sức cảnh giác.
Theo ông, đâu là nguyên nhân mấu chốt khiến cho nguy cơ, mức độ gian lận xuất xứ hàng hoá, đặc biệt là hàng Trung Quốc “núp bóng” hàng Việt XK ngày càng gia tăng?
Thủ đoạn trong thương mại của các nhà buôn Trung Quốc rất nhiều. Hiện nay với sức ép hàng hóa ứ lại khi bị Mỹ đánh thuế, phía Trung Quốc tìm mọi cách, mọi phương thức, thủ đoạn để thực hiện tuồn hàng sang thị trường khác tiêu thụ.
Bên cạnh đó, phải nói thêm rằng, việc cảnh giác, dựng lên các hàng rào ngăn chặn từ phía Việt Nam vẫn chưa kịp thời, chưa đủ mạnh. Cần rút kinh nghiệm ngay vì nếu hàng Việt XK bị đánh thuế chống lẩn tránh, tiến tới hàng XK có thể bị đưa vào danh sách áp dụng các biện pháp PVTM tương tự như áp với Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Điều này cần sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Chính phủ để có sự đồng lòng của cơ quan quản lý cũng như các địa phương, đặc biệt là đối với cơ quan Hải quan.
Bên cạnh câu chuyện hàng hoá Trung Quốc tuồn vào Việt Nam, gian lận xuất xứ rồi XK sang thị trường khác, hiện nay còn nổi lên tình trạng “núp bóng” đầu tư để lấy C/O từ Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, hình thức “núp bóng” đầu tư này còn gây ra lo ngại và nguy hiểm dài lâu hơn. Quan điểm của ông ra sao?
Với hình thức “núp bóng” đầu tư, Luật Đầu tư đã có những quy định để ngăn chặn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách “núp bóng” đầu tư nhằm tận dụng xuất xứ hàng hoá Việt Nam để hưởng lợi khi XK sang các thị trường mà Việt Nam có FTA.
Tôi cho rằng, hình thức này khá đáng lo bởi nó mang tính ổn định, dài lâu hơn. Thực tế này đòi hỏi sự tỉnh táo, cẩn trọng trong chiến lược thu hút FDI, phân biệt được các loại đầu tư để không bị ăn "quả đắng".
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, câu chuyện về đầu tư rất quan trọng. Mới đây, Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA).
Bên cạnh đó, Việt Nam và EU còn ký kết riêng một hiệp định liên quan đến đầu tư. Có nhiều lý do để làm điều đó, trong đó có yếu tố nhằm ngăn chặn “núp bóng” đầu tư để hưởng lợi ích do những FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Để giải quyết “bài toán” về chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, mới đây Thủ tướng đã ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”. Theo ông, trong khâu triển khai Đề án cần phải nhấn vào những yếu tố như thế nào để đem lại hiệu quả cao?
Chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế là yếu tố sống còn của hoạt động kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Liên quan đến đề án của Thủ tướng, tôi cho rằng việc triển khai chưa đủ mạnh, chưa đủ quyết tâm, cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động XNK, đặc biệt là liên quan đến vấn đề xuất xứ.
Do đó, cần có thái độ kiên quyết, chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, trừng trị nghiêm khắc với cả cơ quan quan lý nhà nước, DN, cá nhân có hành động tiếp tay cho hàng Trung Quốc hoặc hàng hoá của bất cứ quốc gia nào gian lận xuất xứ, “núp bóng” hàng Việt.
Xin cảm ơn ông!
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã làm việc, trao đổi và đề nghị các hiệp hội ngành hàng, DN tăng cường phối hợp, triển khai một số công tác nhằm thực hiện các biện pháp chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế. Cụ thể, các đơn vị cần theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời, chủ động có phương án phối hợp ứng phó, giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với ngành hàng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để các DN tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn, đón nhận những dòng đầu tư từ nước ngoài; hướng tới làm ăn bài bản, chân chính, tránh cách làm ăn chụp giật, chạy theo những lợi ích trước mắt, tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, núp bóng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước.
Nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các quy định về xuất xứ hàng hóa; chú trọng đào tạo cán bộ nghiệp vụ chuyên phụ trách hoạt động về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để các cán bộ trong DN biết cách kê khai và biết được thủ tục xin cấp C/O.
Đầu tư kinh phí thích đáng cho việc nghiên cứu cơ cấu mặt hàng XK, nghiên cứu các yêu cầu và tiêu chuẩn xuất xứ của từng khu vực thị trường cụ thể, nắm bắt rõ các thông tin về các mặt hàng và các thị trường được hưởng thuế ưu đãi.
Thúc đẩy mở rộng mối quan hệ kinh doanh, thương mại với các đối tác thuộc các nước cho hưởng ưu đãi cho phép sử dụng tiêu chuẩn xuất xứ nước bảo trợ hoặc với các nước được hưởng ưu đãi khác trong cùng khối kinh tế ASEAN để tăng hàm lượng nội địa khu vực được các nước cho hưởng ưu đãi áp dụng theo tiêu chuẩn xuất xứ cộng gộp.
Cục Xuất nhập khẩu nêu rõ: Trong quá trình triển khai thực hiện, khi phát hiện ra các vấn đề đáng lưu ý, đề nghị các Sở Công Thương địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN khẩn trương, chủ động trao đổi với Cục để cùng thống nhất phương án xử lý, tránh gây tác động bất lợi đến ngành hàng.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương): Gian lận xuất xứ để lẩn tránh thuế ngày càng diễn biến phức tạp
Tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước ngoài hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh thuế cao ngày càng diễn biến phức tạp. Khi có thông tin dấu hiệu về gian lận xuất xứ hàng hóa, chúng tôi đã yêu cầu các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) siết chặt việc quản lý với các mặt hàng như: Lốp ô tô, pin mặt trời, thép cán nguội…
Sau khi kiểm tra đã có biện pháp xử lý, kiến nghị các đơn vị liên quan như Quản lý thị trường, Công an…; đồng thời, tích cực phối hợp cơ quan điều tra có thông tin về hiện tượng gian lận như Hoa Kỳ, EU; chủ động tiếp xúc với phía EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc đề nghị hợp tác chống gian lận xuất xứ…
Trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nguy cơ gian lận gia tăng. Nguồn gốc của việc lẩn tránh thuế là có sự chênh lệch giữa thuế suất ưu đãi và thuế suất thông thường. Do nhiều nước áp dụng cơ chế cho DN tự chứng nhận xuất xứ nên việc tuân thủ phải dựa trên ý thức của doanh nghiệp.
Về mặt chủ quan, nhiều DN thực hiện hành vi bất hợp pháp rất tinh vi. Đó có thể là cung cấp hồ sơ giả mạo để xin C/O hay làm C/O giả hoặc hoặc thành lập DN để XK trong thời gian ngắn rồi giải thể. Việc xác minh tương đối phức tạp. Nếu kiểm tra C/O nhưng không đi kiểm tra chi tiết thì khó phát hiện vi phạm.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường theo dõi XNK với đối tác lớn
Để chống gian lận xuất xứ hàng hóa, tôi cho rằng cần thực hiện triệt để Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây.
Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường theo dõi tình hình XNK với đối tác thương mại lớn, nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM, giúp DN.
Đặc biệt DN nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với vụ kiện PVTM; thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động XNK (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) những mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp PVTM để đưa ra khuyến nghị kịp thời.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng DN phải phối hợp chặt chẽ trong việc cập nhật thông tin; theo dõi, ngăn chặn và xử lý hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ DN sản xuất, kinh doanh chân chính…
Uyển Như (ghi)
Nguồn: Thanh Nguyễn/Hải quan