Tuy nhiên để đưa đối tượng nuôi này thành một ngành hàng XK lớn, cần phải giải nhiều bài toán. TS Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cho rằng, tiềm năng, lợi thế để đưa rô phi thành ngành hàng lớn của thủy sản là không phải bàn cãi. Dẫu vậy, ông Lựu khẳng định cá rô phi hiện nay mới chỉ quẩn quanh ở thị trường nội địa.
Giá thành quá cao
Thị trường XK cá rô phi của thế giới hiện rất mênh mông, nhất là Mỹ. Thời gian qua, một số DN cũng đã XK rô phi, nhưng thực tế sản lượng XK không đáng kể, bởi với giá thành SX tới trên 30 nghìn đồng/kg như hiện tại, rô phi của Việt Nam không thể nào cạnh tranh được với các nước, nhất là Trung Quốc. Hệ số thức ăn nuôi rô phi rất lớn, từ 1,5 – 1,7kg thức ăn/kg cá thành phẩm. Giá thức ăn từ 16-17 nghìn đồng/kg, thậm chí có lúc lên tới 20-22 nghìn đồng/kg.
Như vậy, để có 1kg cá nguyên liệu, riêng chi phí thức ăn đã lên tới trên 30 nghìn đồng. Nếu cộng với tiền giống, tỉ lệ hao hụt, vật tư, phòng trừ bệnh, xử lí môi trường… thì giá thành đội lên tới 35 nghìn đồng/kg (tương đương 1,5-1,7 USD). Trong khi đó, để có 1kg cá rô phi phi lê cần 3kg cá nguyên liệu.Tức là phải tốn từ 4,5-4,7 USD chi phí thức ăn. Nếu cộng cả chi phí chế biến, cấp đông, vận chuyển…, chúng ta chỉ có thể có lãi nếu đạt được giá XK trên 6 USD/kg phi lê. Trong khi thị trường cá rô phi phi lê thế giới hiện chỉ xoay quanh 4-5 USD/kg.
Tại Trung Quốc, giá rô phi nguyên con hiện nay họ XK chỉ trên dưới 1 USD/con (cỡ 1kg/con), rẻ bằng nửa chúng ta. Điều này cho thấy về sự cạnh tranh, nếu chúng ta vẫn SX như hiện tại, sẽ không thể nào XK được. Việc giá thành SX rô phi của chúng ta còn quá cao chủ yếu do giá thức ăn quá đắt, và không chủ động được nguồn giống.
Hiện nay, giá thức ăn cho rô phi tới tận ao của Trung Quốc quy ra bằng 2/3 Việt Nam. Thức ăn chăn nuôi nói chung, trong đó có thức ăn cho cá của Việt Nam hiện nay thuộc vào loại đắt nhất thế giới. Thức ăn cho cá rô phi chẳng có gì đặc biệt, chủ yếu chỉ có đậu tương, ngô, một ít bột xương bột cá…, các NM thức ăn chăn nuôi trong nước đều có thể SX tốt, nhưng họ ăn lãi quá khủng khiếp. Một phần nữa do nguyên liệu chúng ta phải NK tới 60-70%.
Tại Trung Quốc, các NM thức ăn cho thủy sản là của người Trung Quốc, chính phủ của họ có thể can thiệp để hạ giá thức ăn xuống, trong khi đó, đa số các NM lớn của Việt Nam lại là của các Cty nước ngoài, chúng ta không thể nào có cơ chế để kiểm soát giá. Đối với vấn đề con giống, ở phía Bắc gần như 100% con giống phải NK từ Trung Quốc. Các nhà SX giống của Trung Quốc họ chủ động nắm đằng cán, thích bán hay không, bán lúc nào, giá bao nhiêu là việc của họ. Xét về dài hạn, một ngành hàng thủy sản có giá trị XK từ 200-300 triệu USD đã phải chủ động con giống, vì thế không thể nào xây dựng được ngành hàng cá rô phi XK nếu không làm được giống.
Muốn XK, phải tổ chức lại SX
Vậy chúng ta có thể XK được rô phi hay không? Hoàn toàn có thể, nhưng chỉ khi thay đổi được ba nhóm giải pháp lớn, bao gồm giống, thức ăn và tổ chức SX. Về giống, trước đây chúng ta cũng đã bắt đầu manh nha SX được giống rô phi, nhưng sau đó thì bỏ bê do không có chính sách cụ thể. Miền Bắc chúng ta có bất lợi giống Trung Quốc là có mùa đông, Trung Quốc cũng chỉ nuôi rô phi được tầm 7-8 tháng/năm, nhưng để duy trì và có giống tốt cho vụ mới, họ đầu tư các lò sưởi để giữ và duy trì qua đông. Nếu chúng ta làm được như vậy, có cá giống lớn cỡ 100g/con qua đông thì hoàn toàn có thể nuôi 2 vụ/năm, thả 4 tháng đạt 7 lạng/con là bình thường.
"Nghiên cứu giống rô phi không phải quá khó và không phải chúng ta không làm được. Tôi khẳng định nếu chú trọng làm giống ngay từ bây giờ, thì 5-7 năm nữa thôi, chúng ta sẽ chủ động được 100% về giống" - TS Lê Thanh Lựu.
Đối với vấn đề thức ăn, rõ ràng muốn XK được rô phi thì phải hạ giá xuống. Dĩ nhiên, chúng ta không thể bằng mệnh lệnh hành chính bắt các Cty thức ăn nước ngoài hạ giá được, mà phải đưa được Cty sản xuất thức ăn của Việt Nam vào trong một chuỗi tổ chức SX khép kín. Có 3 thành phần sẽ phải ràng buộc lẫn nhau trong chuỗi, bao gồm các HTX nuôi, Cty SX thức ăn và NM chế biến. Ba thành phần này sẽ phải liên kết có tính ràng buộc pháp lý với nhau về tài chính, bằng cách có cổ phần lẫn nhau. Lúc ấy, các “ông lớn” về SX thức ăn của nước ngoài cũng không thể nào dùng chiêu bài chuyển giá, phá giá để tiêu diệt Cty thức ăn được nữa, bởi HTX nuôi cá đã buộc phải mua cám của họ. Trong chuỗi ấy, nhà nước, mà đại diện là ngân hàng chính là tổ chức phải “bơm vốn” cho chuỗi đó hoạt động trong giai đoạn ban đầu.
Hiện nay, chỉ cần có khoảng 10 nghìn tấn cá rô phi/năm là đã có thể làm được một NM chế biến phi lê. Nếu nuôi thâm canh, năng suất 30 tấn/ha thì chỉ cần khoảng 300-400ha là đủ duy trì một NM rồi. Ở ĐBSH, như Hải Dương thôi đã có trên 3.000 ha cá rô phi, các HTX thủy sản cũng đã có, hoàn toàn đủ quy mô để làm được các nhà máy chế biến. Các diện tích lúa kém hiệu quả cứ chuyển sang nuôi cá cũng được, nhưng điều kiện là phải xây dựng được tổ chức SX như đã nói, để hạ giá thành xuống mới nuôi được. Ở Na Uy trước đây cũng vậy, ban đầu họ cũng chỉ có những DN nhỏ, mỗi NM công suất chỉ 5-10 tấn cá hồi. Nhưng bây giờ sau 40 năm, họ chỉ còn lại khoảng 20 NM, nhưng SX tới 1 triệu tấn cá hồi. Chúng ta muốn làm được cá rô phi cũng thế thôi, phải xây dựng các chuỗi SX nhỏ ban đầu. Sau này khi DN nào đó làm ăn khấm khá hơn, họ sẽ mua lại các DN yếu, rồi hình thành các tập đoàn, ngành hàng lớn....
Nguồn: nongnghiep.vn