menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành lúa gạo cần bỏ tư duy trọng lượng sang trọng chất

13:54 22/03/2017

Vinanet -Các chuyên gia khuyến nghị ngành lúa gạo cần chuyển đổi tư duy trọng lượng sang tư duy trọng chất, đặc biệt coi trọng năng suất lao động và thu nhập của người dân.

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo".

Trình bày kết quả nghiên cứu rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo, TS. Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên tại CIEM cho biết, diện tích canh tác lúa tăng nhanh từ 2007, chỉ giảm chút ít từ 2014. Sản lượng tăng gần 10 triệu tấn từ 2005 đến 2015. Xuất khẩu gạo đạt tốc tốc độ cao, trung bình 14%/năm về lượng và 10%/năm về giá trị trong giai đoạn 1989 - 2012, nhưng từ 2014 giảm cả về lượng và giá trị.

Nghiên cứu của CIEM cũng cho biết những thách thức ngành lúa gạo sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Cụ thể, đất đã hết lại phân mảnh, khó áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất. Biến đối khí hậu, ngập mặn, hạn hán.... Đồng thời thói quen canh tác dùng nhiều hoá chất, dẫn đến ô nhiễm, không bền vững cũng là thách thức lớn gây khó khăn cho ngành sản xuất lúa gạo.

Qua rà soát thể chế đất trồng lúa của CIEM cho thấy như dồn điền đổi thửa được thực hiện từ 1998 có giảm được 1 phần mức độ phân mảnh ở một số địa phương, góp phần tăng năng suất nhưng chưa triệt để, phạm vi còn hạn chế. Chính sách hạn điền không cho phép sở hữu quyền sử dụng đất quá 33ha, dẫn đến rủi ro kinh doanh khi phải nhờ người khác đứng tên. Trong khi đó nhà nước chỉ cho thuê tối đa 5 năm nên không đầu tư lớn được.

Đặc biệt, việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nắm vị thế độc quyền, tạo rào cản cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này dễ dẫn đến xin - cho, tiêu cực.

Theo nhóm nghiên cứu, vô số những điều kiện bất hợp lý trong xuất khẩu gạo đã làm thui chột cạnh tranh và sáng tạo, giảm đầu tư, tạo ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, trái ngược với tinh thần của Hiến pháp.

Đại diện CIEM cũng nhấn mạnh, tương lai ngành lúa gạo sẽ tiếp tục ảm đạm nếu còn duy trì diện tích và sản lượng cao trong khi bỏ qua vấn đề chất lượng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay cung tăng, cầu giảm, nhiều nước đang phấn đấu tự túc lúa gạo, tiêu thụ trong nước cũng giảm.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị cần chuyển đổi tư duy trọng lượng sang tư duy trọng chất, đặc biệt là coi trọng năng suất lao động và thu nhập của người dân.

An ninh lương thực cũng nên được nhìn nhận là dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng quan trọng hơn lượng gạo, thu nhập là quan trọng nhất vì sản lượng gạo trong nước dư thừa.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cần bỏ hạn chế về quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất một cách thị trường. Đồng thời cần có lộ trình bỏ quy hoạch đất trồng lúa, bắt đầu từ các tỉnh không nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Khuyến nghị tiếp theo là bỏ mục tiêu duy trì sản lượng 39- 40 triệu tấn thóc, xuất khẩu 6 tấn gạo. Khuyến khích liên kết doanh nghiệp và nông dân hình thành cánh đồng lớn và sản xuất theo hợp đồng.

Trong xuất khẩu, CIEM khuyến nghị bỏ các điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay quy định trong nghị định 109/2010/NĐ- CP, tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá trị gia tăng cao với khối lượng nhỏ. Cùng với đó, cần bỏ các đặc quyền có tính quản lý nhà nước của VFA, tổ chức lại VFA như một hiệp hội ngành hàng bình thường, có sự tham gia của các thành phần trong chuỗi lúa gạo, nhất là người sản xuất trực tiếp, các thành viên có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.

Cần một tư duy hệ thống, toàn diện, nhất quán từ sản xuất đến thương mại cho ngành lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Nguồn: dangcongsan.vn