Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, DN tại TPHCM sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như: Nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết như vậy tại buổi làm việc giữa UBND Thành phố với Bộ Công Thương ngày 29/11 về tình hình chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Đinh Dậu 2017.
Hàng hóa tăng 15-20% so kế hoạch
Về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng Thành phố chủ yếu từ 3 nguồn chính là các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm khoảng 30% thị phần), các chợ đầu mối (60% thị phần) và các đơn vị khác.
Nguồn vốn dự kiến mà các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho dịp Tết 2017 là khoảng 17.068 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (tăng 5,3%) so với Tết 2016, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là gần 6.852 tỷ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng 15-20% so kế hoạch Thành phố giao và tăng 25-45% so kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Nhiều nhóm hàng chi phối từ 35-52% nhu cầu thị trường đều tăng về lượng chuẩn bị, như thịt gia cầm, đường, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo…
Trong tháng cao điểm phục vụ Tết (từ 29/12/2016-27/1/2017), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 9.704 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 3.764 tỷ đồng. Riêng, Saigon Co.op chuẩn bị 105.000 tấn hàng hóa, trị giá trên 3.084 tỷ đồng (hàng bình ổn trị giá trên 938 tỷ đồng). Satra chuẩn bị khoảng 21.300 tấn hàng hóa trong 3 tháng trước, trong và sau Tết cho chương trình bình ổn thị trường, tương đương 1.600 tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với kế hoạch đăng ký với Thành phố.
Để nâng cao chất lượng hàng hóa và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm dịp Tết, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định chương trình, điểm bán, quản lý hàng hóa, giá cả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, trước Tết, Sở Công Thương sẽ triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là công tác thiết thực, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo VietGAP, thịt heo an toàn.
Chú trọng bình ổn thị trường
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của TPHCM là rất tốt. Các DN bình ổn, hệ thống phân phối lớn đã chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 15-20% so với đăng ký. Đặc biệt, các DN bình ổn cam kết không tăng giá trong 2 tháng Tết, cũng như giảm sâu một số mặt hàng thiết yếu ngày cận Tết phục vụ nhu cầu mua sắm muộn của người dân.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý, TPHCM không được chủ quan, cần liên tục cập nhật, nắm chắc diễn biến thị trường, bảo đảm cung ứng cân đối cung-cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Đồng thời, tiếp tục tập trung, tuyên truyền an toàn thực phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng tốt vào dịp Tết này. Các DN tiếp tục tăng cường các chuyến hàng lưu động, đưa hàng hóa Tết vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng xa, nơi tập trung đông công nhân, người lao động.
Đặc biệt, đối với các hệ thống như Co.op Mart, Satra hiện có mạng lưới phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố, Bộ Công Thương mong muốn các DN này hỗ trợ các địa phương thực hiện bình ổn thị trường.
Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, hiện nay, cả nước có hơn 50 địa phương tham gia chương trình bình ổn thị trường. Trong đó, TPHCM và Hà Nội là 2 thành phố lớn, tham gia rất tích cực chương trình, ngoài địa bàn của mình còn lưu thông tới các tỉnh, điều phối hàng hóa, tạo nên bình ổn thị trường chung của cả nước.
Nguồn: chinhphu.vn