menu search
Đóng menu
Đóng

Tận hưởng ưu đãi thuế từ EVFTA, tôm Việt cần nâng tầm chất lượng

08:29 11/09/2020

 
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 mang đến hy vọng cho xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để hưởng ưu đãi thuế doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đà tăng nhờ EVFTA
EU là thị trường NK tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,3% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. XK tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, XK sang thị trường này tháng 7 và 8 có dấu hiệu tăng nhẹ so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 7/2020 đạt 54,2 triệu USD, tăng 2% so với tháng 7/2019. Nửa đầu tháng 8 năm nay, XK mặt hàng này sang EU đạt 29,4 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. XK tôm sang EU tháng 8 năm nay có thể tăng khoảng 20% so với tháng 8/2019.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU về 0%, như: Tôm mã HS 03061100 (hiện 12,5%); tôm mã HS 03061710 (hiện 20%) và tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 (hiện 12%).
Sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tôm mã HS 03061794 sẽ giảm về 0% từ 18%. Sau 7 năm: tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) và tôm mã HS 16052190 (tôm khác) sẽ được điều chỉnh từ mức 20% về 0%.
Theo nhận định của chuyên gia, XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng.
Nhận định về xu hướng thị trường tôm châu Âu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động tuy nhiên các nhà NK tôm tại phân khúc này và các nhà cung cấp của họ vẫn phải chịu áp lực lâu dài do dịch bệnh chưa chắc chắn khi nào sẽ kết thúc. Trong khi doanh số bán lẻ hoặc trực tuyến tiếp tục tăng. Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Đảm bảo chất lượng uy tín
Những năm gần đây người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Khi dịch Covid xảy ra, xu hướng này lại càng rõ nét. Người châu Âu ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.
Hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu ASC nhưng hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam mới đạt khoảng 6%/tổng diện tích nuôi. Nguyên nhân là do tôm nuôi của Việt Nam đa phần nhỏ lẻ, các hộ nuôi không kham nổi chi phí chứng nhận, chỉ có trang trại nuôi lớn mới đáp ứng được. Do đó, để đón đầu được cái ưu đãi mà EVFTA mang lại, Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên nhằm đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn này.
Theo ông Trần Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thuỷ sản sao Ta, hiện nay có khoảng 50 doanh nghiệp tôm hoạt động. Mỗi doanh nghiệp có thể có nhiều cơ sở chế biến. Quy trình chế biến cơ sở nào cũng có, cái còn lại là kỹ thuật riêng của từng doanh nghiệp, cơ sở. Trước tiên phải quan tâm chọn lọc nguyên liệu đạt chuẩn, đừng vì ham rẻ sẽ ảnh hưởng lâu dài. Nếu tất cả cơ sở chế biến đều ý thức, tôm nguyên liệu xấu sẽ không tồn tại.
Cùng với đó, người nuôi tôm nỗ lực nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nuôi. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh trên tôm nuôi đang khá căng thẳng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trang trại với mô hình nuôi sạch, thâm canh đã có kết quả rất tốt. Nhưng mô hình này khó nhân rộng do đòi hỏi cao về vốn, kiến thức...
Tôm Việt Nam bán vào Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm thị phần cao nhất, dù điều kiện thông quan ở Nhật khó khăn so với tôm từ Thái Lan, Indonesia. Đó là nhờ mẫu mã đẹp, tươi ngon, là thế mạnh chung các doanh nghiệp xuất tôm. Sắp xếp chế biến hoàn tất từng đơn hàng, xuất khẩu nhanh nhất, vòng quay ngắn ngày nhất cũng phải là chuyện khó. Nhưng thực tế không ít khách hàng phàn nàn chuyện giao hàng hay chậm trễ từ các doanh nghiệp tôm.
Hiện nay có khoảng 500 đầu mối tham gia xuất khẩu tôm, chứng tỏ đội ngũ tiếp thị và bán hàng rất lớn. Ở mắt xích hết sức quan trọng này, may mắn có sự hỗ trợ từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam là cầu nối các DN với thị trường, khách hàng thông qua rất nhiều lượt tổ chức dự các hội chợ thuỷ sản lớn nhất thế giới hàng năm.
Song song đó, để khâu tiếp thị và bán hàng thuận lợi, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho mình. Qua đó nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh; tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng sâu rộng hơn. Việc nỗ lực này của từng doanh nghiệp sẽ góp gió thành bão, đưa ngành tôm trở thành ngành kinh tế mạnh.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc