menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng cường hỗ trợ DN nông sản, thực phẩm vượt rào cản phi thuế quan

14:00 16/11/2019

Vinanet - Rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang gặp khó khăn bởi các rào cản phi thuế quan trong quá trình tiếp cận thị trường. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều chương trình tư vấn, đào tạo… nhằm giúp doanh nghiệp Việt đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu.
40% doanh nghiệp Việt gặp rào cản phi thuế quan
Tại Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2019 (Vietnam Food Forum) diễn ra ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - cho biết: Ngày nay, trong điều kiện ngày càng nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương giữa Việt Nam và các quốc gia được ký kết và đi vào thực thi thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, môi trường hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, chủ động ứng phó, vượt qua các rào cản thương mại, đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ của thị trường quốc tế.
Liên quan đến xu hướng gia tăng các rào cản phi thuế quan trên thị trường quốc tế, ông Vianney Lesaffre, Đại diện dự án NTM của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) - cho biết: Các biện pháp phi thuế quan liên quan đến tiêu chuẩn hay tài chính, thủ tục hải quan ngày càng được đưa ra nhiều trên thị trường thế giới. Trong đó, SPS (Sanitary and Phytosanitary Measure - Các biện pháp kiểm dịch động thực vật), TBT (Technical Barriers to Trade Agreement - Hàng rào kỹ thuật trong thương mại) là những rào cản phi thuế quan đang áp dụng trên thế giới.
Trước những rào cản ngày càng gia tăng, ông Vianney Lesaffre cho biết, ITC đang làm việc với Bộ Công Thương để giảm thiểu chi phí thuế quan, mở rộng thị trường. Theo đó, bước 1 là nhận các phản hồi của doanh nghiệp, từ đó tham vấn và đưa ra các cảnh báo mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt. Hiện dự án đã thu thập 1.638 ý kiến doanh nghiệp Việt Nam và đang phân tích, trong đó có tới 40% doanh nghiệp nông sản gặp vấn đề về các rào cản nhập khẩu, xuất khẩu. Các ghi nhận cũng cho thấy có tới 63% doanh nghiệp phản hồi là rào cản thủ tục ngăn cản dòng chảy xuất nhập khẩu...
“Đầu năm tới chúng tôi sẽ kết thúc bước 1 và chuyển sang bước 2 là đưa ra các tham vấn cũng như hệ thống cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để được hỗ trợ, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia các khóa huấn luyện về nâng cao đối phó với các rào cản phi thuế quan”, ông Vianney Lesaffre chia sẻ thêm.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vượt rào cản
Bên cạnh hỗ trợ trên, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Quyền giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin Xúc tiến thương mại (INTEC) thuộc Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, Cục Xúc tiến thương mại và ITC đã xây dựng dự án thương mại vì sự phát triển bền vững - T4SD. Theo đó dự án sẽ hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp tiếp cận tiêu chuẩn bền vững tự nguyện, hỗ trợ tiếp cận tài chính xanh. Hiện mô hình thí điểm của dự án đã được triển khai từ tháng 9/2019 với việc huấn luyện cho 4 chuyên gia và có 20 doanh nghiệp hồ tiêu, trái cây, chè xanh… đang được hỗ trợ tư vấn. Dự kiến đến năm 2020 dự án sẽ tổng kết đánh giá hiệu quả và tiến tới nhân rộng thêm để nhiều doanh nghiệp được tiếp cận.
Ngoài ra, ông Lê Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) - cho biết: Cục Xúc tiến thương mại đang tiếp tục hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào kênh phân phối toàn cầu. Chương trình này tập trung vào đào tạo kỹ năng bán hàng toàn cầu trên Amazon cho các doanh nghiệp để xúc tiến đưa hàng hóa xuất khẩu. Tới nay đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng tốt nền tảng này và đưa hàng hóa sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU… qua Amazon.
Cùng với các hỗ trợ từ Bộ Công Thương, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp vẫn phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, đầu tư vùng nguyên liệu cũng như kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi chỉ khi làm tốt các vấn đề này, hàng hóa của doanh nghiệp Việt mới tạo được niềm tin với người tiêu dùng và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Nguồn: Congthuong.vn