Trong khuôn khổ chuyến công tác tại châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam từ ngày 5-11/9 vừa qua, ba tư lệnh ngành, gồm: Nông nghiệp, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia Đoàn.
Cùng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Bộ trưởng của ba cơ quan này đã có nhiều hoạt động tiếp xúc với người đồng cấp cũng như gặp các đối tác để xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác nông nghiệp, đề nghị ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong triển khai chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và có tiếng nói ủng hộ để Ủy ban châu Âu nhanh chóng xem xét việc gỡ “thẻ vàng” đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam…
Thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA)
Tại ba diễn đàn, tọa đàm lớn và nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc tại Áo, Bỉ và Phần Lan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định cam kết mạnh mẽ từ Bộ Công Thương trong việc phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành của Việt Nam và các cơ quan liên quan của phía EU xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Tính đến hết năm 2020, kim ngạch thương mại song phương đạt 55,39 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 40,05 tỷ USD (giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019) và nhập khẩu từ thị trường EU đạt 15,34 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019).
Trong 7 tháng đầu năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều với EU đạt 32,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu từ EU đạt 9,7 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cũng như cộng đồng doanh nghiệp của châu Âu nói chung và của 3 nước nói riêng, đoàn đều nhấn mạnh kết quả 1 năm qua Việt Nam thực hiện EVFTA; làm rõ nhiều vấn đề mà các đối tác, doanh nghiệp quan tâm liên quan đến cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ hiệp định này.
Hàng chục doanh nghiệp bày tỏ mong sớm đầu tư tại Việt Nam. Khi bạn bày tỏ băn khoăn về việc EU còn nhập siêu từ Việt Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, “Chúng ta đã giải thích rằng, hiện mới đang thực hiện được một nửa cam kết của hai bên, tức là mới có EVFTA. Khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) khi được phê chuẩn, thực thi, kim ngạch thương mại hai chiều sẽ cân đối trở lại. Tới thời điểm đó, tôi nghĩ xuất khẩu hàng hóa của chúng ta cũng sẽ tốt hơn."
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu được thực hiện trong hơn 1 năm qua đã góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam rất mạnh, kim ngạch thương mại hai chiều tăng bình quân khoảng 20%.
Dự báo, xu thế sẽ có nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có thể sẽ vào được thị trường EU trong tương lai gần, ngoài các sản phẩm công nghiệp có lợi thế như dệt may, da giày, hàng điện tử đã được thị trường các nước châu Âu ưa chuộng.
Đối với EVIPA, hiện mới có 8/27 Nghị viện thành viên Liên minh châu Âu phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội và thành viên Đoàn đã vận động các cơ quan chức năng của Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, các đối tác thúc đẩy Quốc hội các nước, Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn EVIPA.
Mục tiêu của chuyến thăm là vận động nghị viện các nước sớm phê chuẩn với thông điệp: “Đầu tư ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay không phải tìm đến thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, mà là hướng tới hơn 600 triệu dân của khu vực ASEAN và rộng ra nữa là 5 tỷ dân khu vực châu Á, bởi lẽ Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của 17 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA)."
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cung cấp thông tin đến doanh nghiệp các nước về chính sách phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là những cam kết và nỗ lực trong việc phát triển năng lượng tái tạo, cung cấp thông tin về Quy hoạch Điện VIII được xem là một trong những quy hoạch rất quan trọng, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước...
Doanh nghiệp châu Âu thay đổi quan điểm đầu tư
Tính đến ngày 20/7/2021, có 25 nước thành viên EU đầu tư vào Việt Nam với 2.229 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 22,2 tỷ USD, chiếm 5,6% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư châu Âu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa, bất động sản. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự ấn tượng về kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới châu Âu lần này khi thấy quan điểm của các nhà đầu tư châu Âu đã khác so với truyền thống.
“Đặc biệt ấn tượng với tôi lần này là sự quan tâm của doanh nghiệp châu Âu khác hẳn so với tất cả các lần trước. Bạn coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam như là người bạn lớn, đối tác tin cậy”; “xuất phát từ những tình cảm, thiện chí, bạn đang cơ cấu lại đầu tư. Đây là dịp rất tốt để chúng ta có thể đón nhận đầu tư từ các doanh nghiệp lớn của châu Âu, những doanh nghiệp có khả năng tài chính, công nghệ cao, có kinh nghiệm quản lý tốt, có thương hiệu và thị trường sẵn có để đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng ta mong muốn," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Đoàn đại biểu Việt Nam dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Phần Lan. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một nội dung hết sức mới đó là vấn đề chuyển giao công nghệ: “Trước đây điều này là rất hiếm có khi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Lần này, họ quan tâm đầu tư nhiều hơn trong cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao dựa trên nền tảng số nhưng có liên quan đến chuyển giao công nghệ, đưa máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án của nhà đầu tư, đáp ứng dự án trong nước cũng như thị trường Việt Nam, thị trường xung quanh, thị trường mà Việt Nam đã cam kết với các nước mà chúng ta là thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do."
Qua các cuộc tiếp xúc, tọa đàm, diễn đàn doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như các Bộ trưởng đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn, hàng đầu của châu Âu trong tất cả các lĩnh vực. Bạn rất quan tâm đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… Đây là những lĩnh vực hết sức cần thiết mà Việt Nam đang chủ trương khuyến khích đầu tư. Cũng tại đây, nhiều hợp đồng, nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết trị giá nhiều tỷ USD.
Đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp và quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU
Về hợp tác nông nghiệp với các nước châu Âu, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, qua các cuộc làm việc với các lãnh đạo ngành Nông nghiệp nước bạn cho thấy, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU còn rất nhiều tiềm năng. Việt Nam cần khai thác tối đa lợi thế do EVFTA mang lại trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Tôi cảm nhận họ rất cần những nông sản nhiệt đới của Việt Nam mà khí hậu châu Âu không có được (đã nhập từ Nam Mỹ, châu Phi); mong muốn có những xúc tiến, trao đổi nông sản từ Việt Nam qua châu Âu và ngược lại. Vấn đề là chúng ta cần tổ chức lại sản xuất cho thật chặt chẽ, có trách nhiệm… Thị trường EU rất khó tính nhưng càng khó tính chúng ta sẽ càng thành công nếu chúng ta vượt qua được," Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có cuộc gặp với ông David Clarinval, Bộ trưởng liên bang Bỉ về các tầng lớp trung lưu, Người làm nghề tự do, Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Nông nghiệp. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)
Trong chuyến công tác tại các nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã dự tọa đàm/diễn đàn doanh nghiệp hai bên, đến thăm làm việc tại các cơ sở nghiên cứu nông nghiệp; đề xuất các chương trình trao đổi, hỗ trợ trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu với Việt Nam; thống nhất tăng cường hợp tác nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới; hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển hợp tác xã, thương mại, hợp tác phát triển ngành kinh tế tuần hoàn và kinh tế sinh học; thống nhất sẽ ban hành khung hợp tác cụ thể trong thời gian tới…
Dịp này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã kêu gọi các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào hạ tầng logistics trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, không bị đứt gãy trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu đối với nông sản của Việt Nam; lĩnh vực chế biến lâm sản, nuôi trồng rừng, bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học…
Bộ trưởng khẳng định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành ngay từ lúc các doanh nghiệp nước ngoài có ý tưởng đầu tư, có giải pháp, sáng kiến...
Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến vấn đề gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC), Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu đều nhấn mạnh các quy định về pháp luật của Việt Nam là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, bạn cho rằng việc thực thi ở các địa phương của Việt Nam còn chưa tốt, mong muốn ta làm tốt điều này.
Làm việc với đối tác châu Âu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đánh bắt thủy hải sản là sinh kế của nhiều người dân Việt Nam từ lâu đời. Từ một ngành khai thác tự phát, Việt Nam đang đưa vào ngành khai thác có tổ chức để bảo vệ nguồn thủy hải sản của Việt Nam; đã ban hành luật, nghị định, thông tư hướng dẫn nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động này.
“Các bạn cũng chia sẻ điều đó. Các bạn hiểu cái chúng ta đặt ra không phải là xóa bỏ IUU mà chúng ta muốn tuân thủ luật pháp quốc tế, chính là vì hình ảnh ngành ngư nghiệp của chúng ta - ngành ngư nghiệp minh bạch, có trách nhiệm và vì chúng ta," Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những địa phương có liên quan nằm trong danh sách IUU cần phải hành động quyết liệt hơn nữa bởi vì các nhà lãnh đạo EP, EC từng chia sẻ, hiểu rằng thể chế đã hoàn thiện rồi nhưng đâu đó trong thực thi ở cấp cơ sở còn chưa tốt.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Cuộc họp trực tuyến được kết nối tới 675 xã, phường, thị trấn, 136 huyện, quận, thị xã, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các cấp đều thể hiện sự quyết tâm, đồng hành thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU tại địa phương, nhằm sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC; góp phần xây dựng ngành thủy sản hội nhập, phát triển bền vững và có trách nhiệm.
Có thể thấy đây là sự khẳng định quyết tâm rất lớn của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng. Việc này không chỉ vừa đảm bảo lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân mà còn bảo vệ uy tín ngành thủy sản Việt Nam và hình ảnh của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.
Gỡ thẻ vàng được, hàng hóa được lưu thông, đời sống của nhân dân được cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay. Điều này cũng tốt cho Liên minh châu Âu bởi thẻ vàng IUU đã làm giảm 30% lượng thủy hải sản sang châu Âu. Như vậy, việc này không chỉ có lợi cho phía Việt Nam mà còn có lợi cho cả châu Âu./.
Nguồn:Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)