menu search
Đóng menu
Đóng

Xây dựng thương hiệu cho nhãn Hưng Yên: Cần làm ngay!

09:16 07/09/2016

Nói đến Hưng Yên, người tiêu dùng trong và ngoài nước sẽ nhớ ngay đến các sản phẩm gắn liền với địa danh như nhãn lồng Hưng Yên, gà Đông Tảo, hay tương Bần… Tuy nhiên, hiện nay, các nông sản này vẫn được tiêu thụ một cách tự phát, không thương hiệu, không truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhãn lồng Hưng Yên “nhái” tràn ngập thị trường Hà Nội thời gian vừa qua.
Ông Lê Đình Tư - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hàm Tử (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) - cho biết: Trước đây chúng tôi làm theo phương pháp truyền thống nên không được xác định là nhãn sạch an toàn. Từ năm 2014, chúng tôi đã tiến hành xây dựng thương hiệu và đang định hướng phát triển trái nhãn để có thể xuất khẩu sang được những thị trường khó tính nhất như Hoa Kỳ, Hàn Quốc. HTX cũng đã có kế hoạch mời gọi kết nối với các doanh nghiệp phân phối để tiêu thụ nhãn tại thị trường Hà Nội… Hiện HTX có 11ha vùng trồng VietGAP với 114 hộ nông dân tham gia.
Mặc dù vậy, theo ông Lê Đình Tư, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản nói chung và nhãn nói riêng cũng không hề dễ dàng. Người nông dân sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, kiến thức về sản xuất theo VietGap không có nhiều. “Chúng tôi phải hướng dẫn cho nông dân phun thuốc, ghi chép sổ sách đầy đủ, sản phẩm mình làm ra phải có nguồn gốc, từ đó mới có thể truy xuất được. Tuy nhiên, trong số 114 hộ sản xuất nếu chỉ có 1 hộ không tuân thủ theo tiêu chí Vietgap là chúng tôi thất bại” - ông Tư cho hay.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Đình Hưng - Giám đốc công ty TNHH thương mại AgriVietHung cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cho nhãn Hưng Yên còn nhiều vấn đề bất cập, do sản xuất mang tính tự phát, thu hái không theo đúng quy trình, có là hái và mang ra thị trường bán. Cùng với đó, việc nhãn các vùng khác nhái thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên trên thị trường đã và đang xảy ra từ nhiều năm nay làm mất đi thương hiệu của nhãn Hưng Yên.
Liên quan đến vấn đề này, bà Mai Khuê Anh - Giám đốc điều hành Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) - nhấn mạnh, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước trong công tác xúc tiến thương mại, về xây dựng nhãn hiệu vùng miền, về các chương trình xúc tiến, bản thân các chủ vườn, các hợp tác xã… phải xem lại quy trình sản xuất của mình, cân nhắc giữa bài toán về năng suất và chất lượng, để có được sản phẩm chuẩn đưa vào thị trường. Chính quyền các địa phương cần hướng dẫn bà con để tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, chứ không tiêu thụ theo kiểu tự túc, tự phát.
Cần gấp rút thực hiện
Trong việc xây dựng thương hiệu, bà Mai Khuê Anh cho rằng, cần phải nhấn mạnh đến nguồn gốc xuất xứ, như đối với nhãn Hưng Yên cần phải nhấn mạnh đến “Nhãn Hưng Yên - gốc Khoái Châu”, phân biệt rõ với nhãn Lạng Sơn, Sơn La, cần có hướng dẫn để người tiêu dùng biết được. “Hiện nay, nhãn lồng Hưng Yên có rất nhiều loại (được giới thiệu đến 6 loại), vậy làm thế nào để phân biệt được. Đây là việc làm rất quan trọng” - bà Mai Khuê Anh nói.
Chưa sản xuất được sản phẩm sạch, an toàn, chưa xây dựng được thương hiệu thì việc tiêu thụ nông sản nói chung và nhãn nói riêng sẽ vấp phải nhiều khó khăn. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, lãnh đạo và người dân Hưng Yên thay vì nêu những khó khăn thách thức trong việc xây dựng thương hiệu thì phải coi đây là nhiệm vụ cần gấp rút thực hiện để giới thiệu và trình làng các sản phẩm của mình cho người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Đây cũng là giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản, tránh tình trạng được mùa, mất giá.
Ông Vũ Đức Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên:

Trong thời gian tới, Hưng Yên sẽ đẩy nhanh công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với nhãn, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016. Đây sẽ là công cụ để khẳng định vị trí chất lượng của nhãn lồng Hưng Yên.

Nguồn: baocongthuong.com.vn