menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu rau quả vẫn còn ‘nút thắt’

08:50 23/02/2017

Tuy kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2016 đã lên đến 2,4 tỷ USD và được cho là có thể trở thành một trong các mũi nhọn chủ lực của xuất khẩu cả nước, nhưng ngành xuất khẩu rau quả đang và sẽ phải đối mặt với nhiều gian nan phía trước.
Xét về kim ngạch thì xuất khẩu rau quả những năm gần đây được xem là có sự tăng trưởng ấn tượng khi hàng Việt Nam đã thâm nhập được 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng xét về độ rộng thị trường, điển hình như thị trường Mỹ, rau quả Việt cũng chỉ mới được bán tại một số nơi như California, New York. Nguyên nhân được cho là một phần do khâu xúc tiến thương mại và bảo quản chưa được như kỳ vọng.
Trong khi đó, trái cây Mỹ nhập về Việt Nam lại có mặt ở khắp các hệ thống phân phối, kể cả chợ truyền thống. Táo Gala Mỹ có thể xem là một điển hình thành công của xúc tiến thương mại khi thâm nhập Việt Nam. Không chỉ thắng thế nhờ khả năng bảo quản lâu hơn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ còn dành hẳn một phần chi phí (có sự đóng góp của chính doanh nghiệp nước này) để duy trì hoạt động liên tục của những người làm xúc tiến thương mại tại hầu khắp các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trên thế giới.
Hỗ trợ tín dụng cho khâu chế biến
Liệu Việt Nam có thể có hệ thống chế biến đủ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các cơ quan kiểm dịch khó tính của Mỹ, châu Âu, Nhật, Australia không, nhất là khi gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đang sắp rót cho nông nghiệp công nghệ cao khiến những người quan tâm đến nông nghiệp tràn trề hy vọng về sự thay da đổi thịt của công nghệ chế biến rau quả Việt Nam?
Theo TS. Nguyễn Hữu Đạt (Hiệp hội Rau quả Việt Nam), cho doanh nghiệp vay ưu đãi để có thể mua hệ thống chế biến hiện đại đủ đáp ứng tiêu chuẩn trái cây xuất khẩu là cần thiết nhưng phải có một hội đồng tư vấn để thống nhất đầu tư khâu nào chứ không thể đầu tư đại trà.
Ngoài ra, cũng nên dành phần cho vay ưu đãi cho hệ thống các trung tâm nghiên cứu, viện, trường để lo khâu cây giống, nghiên cứu sản xuất mẫu thuốc bảo vệ thực vật vi sinh hoặc nâng tầm công nghệ chế biến. Bên cạnh đó, những cơ sở nghiên cứu này cần có sự liên kết với doanh nghiệp, nhà sản xuất, dưới sự giám sát của các hiệp hội có liên quan để bảo đảm tính thực tiễn và hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty VINA T&T – nhà xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp – tin rằng có lẽ cần khoảng 500 tỷ đồng để tài trợ vốn cho những dự án nghiên cứu công nghệ bảo quản sản phẩm nông nghiệp hiện nay.
Tuy chưa dám mong mỏi có thể đạt thời gian bảo quản lên đến 6 tháng như táo Gala Mỹ, nhưng Công ty VINA T&T- nhà xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp - vẫn ao ước các loại trái cây chủ lực của Việt Nam sau chế biến như thanh long, nhãn có thể tiến dần đến thời gian bảo quản lâu hơn mức 1-2 tháng hiện nay.
Cảnh báo rủi ro an toàn thực phẩm
Dù chưa vấp phải cảnh báo chính thức nào từ cơ quan chức năng của các thị trường nhập khẩu trong suốt 8 năm qua nhưng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đã đến lúc cần chú trọng đến khâu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) khi hàng Việt xuất khẩu ngày càng nhiều, xác suất mắc lỗi kiểm dịch từ đó sẽ tăng lên.
Thực tế cho thấy, vào giai đoạn chính vụ, do giá quá rẻ, không ít nông dân đã cắt giảm quy trình tuân thủ về tiêu chuẩn VSATTP. Rủi ro ở chỗ khi có một lô hàng vi phạm VSATTP, thì tỉ lệ hàng nhập khẩu bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu kiểm tra sẽ tăng dần lên 50%, thậm chí 100%, thay vì mức kiểm tra 5% như bình thường.
Quá trình kiểm tra ngặt nghèo này sẽ khiến rau quả chậm đến tay người tiêu dùng hơn, chất lượng giảm đi, khả năng không bán được, thua lỗ và mất luôn thị trường là có thật. Một lô hàng vi phạm VSATTP, doanh nghiệp bị thiệt hại bằng lãi 15 lô hàng xuất đi thành công trước đó, chưa kể tiến độ xuất hàng sụt giảm. Khi lượng hàng xuất khẩu giảm sẽ khiến giá cả thị trường nội địa mất ổn định theo. Nông dân phải bán rẻ sản phẩm, bị doanh nghiệp nước ngoài khống chế, ép giá. Người thiệt hại sau cùng không chỉ doanh nghiệp mà là cả nông dân.
Loại bỏ tâm lý “ăn xổi, ở thì”
Có thể mở rộng thị trường nếu ngành rau quả cùng làm tốt các khâu trên đây không? Câu trả lời là chưa đủ! Một khi vẫn còn tình trạng chụp giật trong xuất khẩu là khi đó hàng rau quả Việt Nam vẫn còn bị ép giá và chiếm dụng vốn.
Tâm lý “ăn xổi ở thì” khiến một số nhà xuất khẩu Việt Nam không ngại phá giá để có được hợp đồng mà không nghĩ đến chuyện làm hỏng hình ảnh, thương hiệu của trái cây Việt Nam.
Vì vậy, cách thức mà một số doanh nghiệp đang cắt giảm sự phụ thuộc vào nhà nhập khẩu là tự mình xây dựng các trung tâm bán sỉ ngay chính nơi nhập hàng.
TS. Nguyễn Hữu Đạt cho rằng để trụ vững ở các thị trường lớn và khó tính, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động liên kết với nhau, không chỉ để có chiến dịch quảng bá phù hợp mà là tập hợp đủ sức mạnh, từng bước tiến vào khâu phân phối tại chính thị trường nhập khẩu, bảo vệ và tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại đây.
Nguồn: Phương Hiền/Chinhphu.vn