menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp chuyển hướng sang các nước lân cận để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu

15:44 24/10/2012
Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Do gặp trở ngại khi tiêu thụ hàng hóa trong nước cũng như khó khăn về xuất khẩu trước tình hình kinh tế thế giới suy giảm đã khiến một số lượng lớn doanh nghiệp chuyển hướng đưa hàng xuất khẩu của họ sang các nước lân cận trong khu vực ASEAN.
Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Do gặp trở ngại khi tiêu thụ hàng hóa trong nước cũng như khó khăn về xuất khẩu trước tình hình kinh tế thế giới suy giảm đã khiến một số lượng lớn doanh nghiệp chuyển hướng đưa hàng xuất khẩu của họ sang các nước lân cận trong khu vực ASEAN.

Theo Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, hiện nay chủng loại hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào Campuchia được mở rộng với đủ loại từ hàng tiêu dùng, thực phẩm công nghệ, hóa chất vật tư nông nghiệp đến vật liệu xây dựng, trang trí nội thất… Hơn 50% dân số ở đây có nhu cầu ở mức độ thấp; 35% ở mức độ khá và 15% ở mức độ cao nên doanh số bán hàng tại thị trường này khá tốt và đây là cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu và cũng là nền tảng để thúc đẩy thương mại giữa hai nước đạt 5 tỷ USD trong 5 năm tới.

Inđônêxia cũng nổi lên là một thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam . Tính đến hết tháng 8 tháng năm 2012, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Inđônêxia đạt 2,92 tỉ USD, tăng 5,04% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang đây 1,48 tỉ USD, tăng 10,45% so với cùng kỳ năm 2011 chủ yếu các mặt hàng như sắt thép, gạo, điện thoại và linh kiện, dầu thô, cà phê, sản phẩm từ chất dẻo. Đặc biệt trong tháng 9 vừa Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký với Bộ trưởng Bộ Thương mại Inđônêxia Gita Irawan Wirjawan Nghị định thư sửa đổi Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa Việt Nam và Inđônêxia. Với Nghị định thư này, Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa hai nước (2010- 2012) sẽ được tiếp tục gia hạn tới năm 2017 và trong khoảng thời gian này, hai bên nhất trí trao đổi thương mại gạo tới 1,5 triệu tấn gạo trắng mỗi năm, tùy theo tình hình sản xuất của mỗi nước và giá cả trên thị trường thế giới.

Thị trường Lào, Mianma cũng là nơi mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang hướng tới. Hiện nay cơ cấu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Lào, chiếm tỷ trọng lớn nhất là xăng dầu tái xuất (khoảng 24%), tiếp theo là sắt thép, phương tiện vận tải, hàng dệt may, than đá, máy móc thiết bị, dây điện và cáp điện… Ngoài ra, trong các chuyến khảo sát tìm hiểu thị trường Mianma gần đây cho thấy người dân Mianma rất ưa chuộng các sản phẩm Việt Nam vì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng, giá cả phù hợp./.
 

Nguồn:Thị trường