Mở cửa 99,5%
Nội dung đầu tiên được Bộ Tài chính đưa ra là nguyên tắc chuyển đổi thuế suất danh mục hàng hóa cam kết của Việt Nam với Cuba từ AHTN2012 sang AHTN2017. Cam kết của Việt Nam trong Hiệp định này được xây dựng trên cơ sở AHTN2012. Việt Nam dành ưu đãi cho Cuba đối với 475 dòng hàng, trong đó có 431 mặt hàng xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Phạm vi tự do hóa chiếm gần 100% kim ngạch.
Nhằm triển khai thực hiện cam kết trong Hiệp định, tuân thủ Hiệp định hải quan ASEAN liên quan đến việc áp dụng Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) phiên bản 2017 của ASEAN và Danh mục hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa phiên bản 2017 của Tổ chức Hải quan thế giới, Bộ Tài chính đã tiến hành chuyển đổi biểu thuế của Hiệp định từ AHTN 2012 sang AHTN 2017 để làm cơ sở ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam cho giai đoạn 2019-2022.
Do thay đổi Danh mục từ AHTN 2012 sang AHTN 2017, biểu thuế có 34 dòng hàng AHTN2017 ở cấp độ 8 số bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Đây là những dòng hàng được gộp từ các dòng hàng theo AHTN2012 có mức thuế suất cam kết với Cuba theo danh mục EIF (xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực) và các dòng hàng thuộc diện không có trong danh mục cam kết với Cuba.
Đối với những dòng hàng này, do việc chuyển đổi mã HS trong Hiệp định không có hướng dẫn riêng nên Bộ Tài chính đã xây dựng thuế suất theo nguyên tắc lấy thuế suất của dòng ANTN2012 có mức thuế suất thấp nhất (xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 34 dòng hàng AHTN2017) nhằm mục đích không làm giảm ưu đãi thuế nêu tại Phụ lục 2-B về Cắt giảm và/hoặc xóa bỏ thuế thuộc Hiệp định, đảm bảo hướng dẫn chuyển đổi thuế theo thông lệ của WTO, đồng thời đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện. Nguyên tắc này được đặt ra dựa trên các cơ sở: Cuba là đối tác đặc biệt; kim ngạch XNK từ Cuba đối với các dòng hàng được gộp hầu như không đáng kể và đặc thù của Biểu ban hành thực hiện thuế suất cam kết của Việt Nam trong Hiệp định là Biểu từng phần (chỉ gồm 563 dòng thuế); đảm bảo đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế và áp dụng thống nhất mức thuế suất đối với hàng hóa có cùng bản chất, cấu tạo, công dụng, có tính năng kỹ thuật tương tự.
Về tổng thể, sau khi thực hiện chuyển đổi từ Danh mục AHTN 2012 sang AHTN 2017, Việt Nam dành cho Cuba mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm 99,5% số dòng thuế, tương đương kim ngạch nhập khẩu giá trị 5,66 triệu USD.
Số thu thuế nhập khẩu từ thị trường Cuba của Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 2,1 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên giảm xuống 50%, còn khoảng 1 tỷ đồng năm 2018. Tương tự, số thu thuế Giá trị gia tăng tăng từ khoảng 5,85 triệu đồng năm 2016 lên khoảng 10,3 triệu đồng trong năm 2017 (76%) và giảm xuống 7,23 tỷ đồng năm 2018 (khoảng 30%). Số thu thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng từ 0,6 tỷ đồng năm 2016 lên khoảng 1,54 tỷ đồng năm 2017 (khoảng 155%) và giảm xuống mức 1,46 tỷ đồng năm 2018 (giảm 5,5%).
Tổng giá trị nhập khẩu từ Cuba năm 2018 giảm khoảng 28% so với năm 2017 tập trung chủ yếu vào nhóm mặt hàng “Dược phẩm” (giảm 26%) dù thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2018 là 0%. Tuy nhiên số thu từ thuế nhập khẩu giảm mạnh chủ yếu từ "Chế phẩm thực phẩm khác" (mã hàng 2106.90.70, 2106.90.99) và "Nguyên phụ liệu thuốc lá" (mã hàng 2402.10.00) giảm 28% do kim ngạch nhập khẩu của hai nhóm hàng này giảm.
Tỷ lệ giảm thu 22%
Về thuế suất, thuế suất Việt Nam - Cuba được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Cuba. Về tổng thể, Biểu thuế theo AHTN 2017 giai đoạn 2018-2022 gồm 563 dòng thuế AHTN2017 theo cấp độ 8 số. Lộ trình cắt giảm thuế quan trong Biểu thuế ban hành được áp dụng cho 4 giai đoạn gồm: Từ ngày có hiệu lực đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2020; từ 1/1/2021 đến 31/12/2021; từ 1/1/2022 đến 31/12/2022.
Theo kết cấu mới của Biểu thuế đính kèm dự thảo Nghị định, số dòng thuế thuộc các danh mục cam kết theo AHTN 2017 là 563 dòng thuế với 514 dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 91,3%; 46 dòng thuế cắt giảm theo lộ trình, chiếm 8,2% và 3 dòng thuế duy trì thuế suất cơ sở, chiếm 0,5%.
Đánh giá về tác động tới số thu, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho hay, trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022, mức thuế suất trung bình tại Hiệp định thương mại Việt Nam-Cuba giảm dần đều từ 3,43% năm 2019 xuống 2,12% năm 2022. Giả định kim ngạch nhập khẩu năm 2019 và các năm giai đoạn 2020-2022 không đổi so với năm 2018 và tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam - Cuba giai đoạn 2019-2022 không đổi qua các năm, mức cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam trong Hiệp định thương mại Việt Nam-Cuba sẽ dẫn đến giảm số thu từ hoạt động nhập khẩu theo đối tác. Trên cơ sở đó, nếu mức tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu từ đối tác và tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ thống kê thực tế theo từng năm tăng đủ để bù đắp mức giảm số thu từ hoạt động nhập khẩu theo đối tác nêu trên thì dự kiến sẽ dẫn đến tăng thu từ hoạt động nhập khẩu và ngược lại sẽ dẫn đến giảm thu.
Giả định mức tận dụng ưu đãi xuất xứ hàng hóa Việt Nam – Cuba đạt tỷ lệ 35% là mức tận dụng ưu đãi cao so với mức tận dụng ưu đãi trung bình tại các Hiệp định thương mại tự do năm 2016 và 2017, lúc đó, ước tính thu thuế nhập khẩu năm 2019 sẽ đạt 754,95 triệu đồng và giảm dần trong các năm tiếp theo. Đến năm 2022, ước tính giảm thu thuế nhập khẩu là 234,8 triệu đồng. Và tỷ lệ giảm thu thuế nhập khẩu trung bình giai đoạn 2019-2022 là 22%.
Hiệp định thương mại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cuba đã được ký kết vào ngày 9/11/2018 sau hai năm đàm phán. Hiệp định này thay thế Hiệp định giữa hai Chính phủ về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác được ký vào 8/4/1996. Ngày 7/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về việc ký Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Cuba. Đến nay, Bộ Công Thương đang chủ trì triển khai các thủ tục phê duyệt Hiệp định này.
Nguồn: Baohaiquan.vn