menu search
Đóng menu
Đóng

Khai xuất xứ, ghi nhãn thế nào cho đúng?

10:34 27/11/2019

CBCC Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: N.Linh

Vinanet - Hoạt động gia công đơn giản, DN không được khai hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan và ghi xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa xuất khẩu vì hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua đã ghi nhận được phản ánh vướng mắc của một số cục hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp liên quan đến ghi xuất xứ trên hàng hóa, bao bì hàng hóa và khai xuất xứ hàng hóa trên tờ khai hải quan xuất khẩu trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng xuất xứ Việt Nam khi áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi theo quy định tại Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Cụ thể, về trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng quy tắc xuất xứ Việt Nam căn cứ theo hoạt động sản xuất, gia công chế biến, Tổng cục Hải quan nêu ví dụ, DN nhập khẩu chân gà từ Braxin, Nhật Bản, Hàn Quốc… về để gia công, sản xuất xuất khẩu; các công đoạn sản xuất gồm: Làm sạch, cắt móng, tẩm ướp gia vị, đóng gói (hút chân không), sau đó xuất khẩu. 
Hay trường hợp DN nhập khẩu mặt hàng như cá hồi, cá basa nguyên con… có xuất xứ từ Nauy, Chile, Đan Mạch… và sản xuất sản phẩm là cá hồi, cá basa cắt lát, cắt miếng xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan…
DN nhập khẩu bán thành phẩm (ví dụ áo đã cắt sẵn) sau đó may thành áo thành phẩm xuất khẩu.
Theo quan điểm của Tổng cục Hải quan, các trường hợp nêu trên là gia công đơn giản theo quy định tại Khoản 6 Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, khi xuất khẩu DN không được khai hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trên tờ khai hải quan và ghi xuất xứ Việt Nam trên hàng hóa, bao bì hàng hóa xuất khẩu vì hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP, Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương. 
Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn trường hợp trên hàng hóa được xác định xuất xứ, sản xuất ở đâu cũng như thể hiện thông tin về xuất xứ trên nhãn hàng hóa như thế nào? 
Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cho ý kiến về việc DN ghi xuất xứ như thế nào trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, trên tờ khai hải quan xuất khẩu. 
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có văn bản hướng dẫn trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng quy tắc xuất xứ Việt Nam thì trên nhãn hàng hóa chỉ được thể hiện dòng chữ “lắp ráp tại Việt Nam”, không được thể hiện các cụm từ “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” bằng tiếng Việt hoặc các ngôn ngữ khác tương ứng.
Đối với trường hợp việc ghi xuất xứ trên hàng hóa là bán thành phẩm theo yêu cầu của đối tác gia công nước ngoài, Tổng cục Hải quan nêu trường hợp: DN Việt Nam ký hợp đồng gia công hoặc sản xuất xuất khẩu sản phẩm mũ giày với đối tác là công ty mẹ tại Nhật Bản. 
Theo yêu cầu của đối tác, DN Việt Nam gia công, sản xuất sản phẩm mũ giày và in dòng chữ “Made in Japan” để sản phẩm xuất khẩu san Nhật Bản để tiếp tục sản xuất giày. 
Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan việc in sẵn dòng chữ “Made in Japan” trên mũ giày xuất khẩu thì chưa có hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. 
Trường hợp này, nếu hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định thì doanh nghiệp sẽ khai xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu. 
Để có cơ sở hướng dẫn các đơn vị hải quan địa phương thực hiện thống nhất, Tổng cục Hải quan đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến về việc doanh nghiệp in dòng chữ “Made in Japan” trên sản phẩm xuất khẩu có phù hợp với quy định hiện hành về xuất xứ hàng hóa và ghi nhãn hay không?

Nguồn: N.Linh/Hải quan Online