menu search
Đóng menu
Đóng

Trách nhiệm bồi thường của Công ty cung cấp nước sạch Viwasupco

16:09 23/10/2019

Vinanet - Thời gian qua, người dân tại một số địa bàn Hà Nội đã phải chịu ảnh hưởng lớn từ các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sạch sông Đà.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Văn phòng luật sư Kết Nối), về bản chất, việc công ty Viwasupco (Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà) cung cấp và người dân thành phố Hà Nội mua nước sạch để dùng có thể xem là quan hệ mua bán hàng hóa được thể hiện thông qua hợp đồng cung cấp nước.
Lúc này, nếu hàng hóa của bên cung cấp hàng hóa gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng thì phải có trách nhiệm bồi thường (Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010).
Đồng thời, tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 41/2018/TT-BYT, đơn vị cấp nước có trách nhiệm chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp, công khai thông tin về chất lượng nước sạch…
Dẫn nguồn LuatVietnam, thông tin báo chí cho biết, công ty Viwasupco đã phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 08/10/2019 nhưng không báo cáo, cũng không có hành động gì để ngăn cản và vẫn cứ bán nước sạch bị nhiễm bẩn cho người dân.
Như vậy, việc cố tình bán nước sạch có mùi lạ, bị ô nhiễm thì rõ ràng công ty này đã vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện với người tiêu dùng. Do đó, công ty Viwasupco phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, những thiệt hại công ty này phải bồi thường cho người dân gồm:
- Thiệt hại về vật chất: Tổn thất vật chất thực tế xác định được gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại về tinh thần: Tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe.
Trong trường hợp này, thiệt hại phải kể đến là những chi phí mua nước sạch để sử dụng, chi phí phải bỏ ra để khám chữa bệnh do sử dụng nước ô nhiễm, chi phí tổn thất tinh thần do bị ảnh hưởng vì nước sạch bị ô nhiễm…
Tóm lại, việc làm này của công ty Viwasupco gây thiệt hại cho người dân là hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Do đó, công ty này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tuy vậy, việc xác định thiệt hại, mức bồi thường, người đứng ra khởi kiện lại không dễ dàng.
Theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, nếu tính thiệt hại theo từng hộ gia đình thì không đáng kể nhưng nếu tính tổng số thiệt hại chung của người dân thì lại rất nhiều.
Do đó, để khởi kiện, người dân phải thu thập hóa đơn, chứng từ … chứng minh thiệt hại thực tế của mình. Tuy nhiên, có thể vì tâm lý e ngại, sợ mất thời gian, tốn kém, việc thu thập chứng cứ gặp khá nhiều khó khăn… mà không có người dân nào đứng ra khởi kiện công ty Viwasupro.
Lúc này, cũng theo Luật sư Hùng, người dân có thể cử ra một người đại diện hoặc thông qua các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để làm việc với công ty.
Trong trường hợp không thể thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng (Điều 24 Nghị định 99/2011/NĐ-CP).
Như vậy, trong vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sạch sông Đà, công ty Viwasupco phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân căn cứ vào hợp đồng cung cấp nước dùng hoặc theo mức thiệt hại thực tế xảy ra.
Nguồn: VITIC