Sáng chớm thu, trong tiết se lạnh của Hà Nội, chúng tôi gặp lại và trò chuyện với Chủ tịch HÐQT kiêm CEO công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng, người vốn được báo giới không ngần ngại đặt tên “Ông trùm” chứng khoán Việt.
Câu chuyện ngẫu nhiên vào nhịp khi ông Hưng nhắc đến doanh nhân Phạm Nhật Vượng. Ông bảo hôm trước đi máy bay tình cờ ngồi cạnh cậu ấy. "Tôi rất thán phục cái cách cậu ấy làm đã mang đến một khái niệm mới, cung cấp cho người dân Việt biết thế nào là chu trình khép kín của một thành phố văn minh sử dụng dịch vụ từ A-Z (tức là từ lúc sinh ra, ăn ở, đến học hành và nghe nói sắp tới rất có thể, ông Vượng sẽ tính đến chuyện sẽ xây cả nghĩa trang). Ðó là sứ mệnh của Phạm Nhật Vượng, nó có giá trị to lớn và được nhiều người biết đến”, ông Hưng kết luận.
- Vậy còn ông, có sứ mệnh không? - “Có chứ. Sứ mệnh của tôi nhiều năm trước và cho đến nay là đi khắp thế giới thuyết phục để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu và tin rằng, ở Việt Nam có cửa cho làm ăn minh bạch và các vị hãy đem tiền vào mà không phải hối tiếc”, ông chủ công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam tự tin khẳng định.
Lần giở lại cuộc giao lưu trực tuyến “Nếu tôi là bạn hôm nay” với giới sinh viên cuối năm 2014, người đàn ông này hôm đó đã có những phút trải lòng về cuộc đời với cách phấn đấu rất đặc biệt. Quê gốc Thanh Hóa, sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo, ông Hưng tự nhận: “Sứ mệnh đầu tiên của cuộc đời tôi là làm sao để "xóa đói giảm nghèo" cho chính bản thân mình, để có thể có đủ tiền lo cho gia đình và tạo lập nền tảng tài chính cho bản thân” (rồi kể, bằng tuổi các bạn sinh viên bây giờ, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật, chàng trai Nguyễn Duy Hưng sang Ðức du học với duy nhất một đam mê làm sao kiếm được nhiều tiền để có thể mang về Việt Nam phục vụ gia đình và tạo lập cuộc sống của bản thân sau này).
“Thời điểm đó, tôi xác định học hành là một việc quan trọng nên cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất. Khi bắt đầu sự nghiệp, tôi nghĩ thành công lúc đó là kiếm được thật nhiều tiền. Nhưng sau này, tôi lại nghĩ cần phải làm được gì đó thực sự có ý nghĩa. Dường như mỗi con người sinh ra đều có một sứ mệnh nào đó, người thành công là người hoàn thành được sứ mệnh của mình, làm cho nó sống mãi kể cả khi người đó không còn tồn tại nữa”, ông Hưng chia sẻ.
Thị trường chứng khoán đã không còn xa lạ với người Việt
“Ðế chế” chứng khoán
“Khi người ta chỉ đong đếm thành công bằng số tiền mình kiếm được, tôi chưa bao giờ hình dung mình có thể xây dựng được một công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam như hiện tại. SSI ra đời với số vốn ban đầu 6 tỷ đồng và sau 15 năm vốn điều lệ lên tới 3.600 tỷ đồng”- Ông Nguyễn Duy Hưng bồi hồi khi nhớ về sự ra đời của “con đẻ” SSI và rồi lần theo ký ức thời gian:
“Năm 1997 tôi sang Thái Lan bị cuốn hút và mê hoặc khi được tiếp cận với chứng khoán giữa lúc khủng hoảng tiền tệ đang nhấn chìm Ðông Nam Á. Chứng kiến một Cty chứng khoán Thái Lan hoạt động, lúc đó tôi khát khao vô cùng là làm sao để mình có một công ty lớn mạnh như vậy, SSI đã lớn hơn họ rất nhiều, thậm chí với vốn chủ sở hữu 6.000 tỷ đồng, SSI hiện được xem là công ty chứng khoán lớn nhất Ðông Nam Á”- Ông Hưng hào hứng điểm lại.
“Mỗi con người sinh ra đều có một sứ mệnh, người thành công là người hoàn thành được sứ mệnh của mình, làm cho nó sống mãi kể cả khi người đó không còn tồn tại nữa”.
“Với những nhà đầu tư ngoại khi thuyết phục họ đem tiền vào Việt Nam đầu tư, tôi đều nói rằng SSI sẽ mua cho họ và bán cho họ những gì mà chúng tôi cùng mua- cùng bán. Sologan của SSI là chúng ta cùng hợp tác, cùng thành công”- Ông Hưng chia sẻ.
Nếu một ngày rút khỏi chứng trường không làm chứng khoán nữa, ông có nghĩ đến khi đó SSI sẽ ra sao?- “Ðến lúc này tôi không hình dung ra điều đó. Bởi tôi là linh hồn của SSI, những gì tinh tuý tâm huyết nhất tôi đều đưa vào đó. Nếu tôi đi rất có thể sẽ mang nó theo, nhưng chắc chắn chuyện đó không bao giờ xảy ra.”, người đàn ông đã qua tuổi ngũ tuần nhưng vẫn giữ được vẻ phong độ trẻ trung đáng kể, qua khói thuốc trầm ngâm khẳng định.
Cùng với đó, ông Hưng khẳng định điều ông muốn làm cho thị trường chứng khoán Việt không chỉ đơn giản là cơ hội đầu tư mà hơn thế phải trở thành nơi cất tiền và giữ tiền cho những người có của ăn của để. “Doanh nghiệp mình vẫn nặng về vay mượn ngân hàng nhiều quá. Còn với chứng khoán, mọi người chỉ coi là cơ hội đầu tư, lướt sóng chứ không xem như một kênh thu hút vốn cho doanh nghiệp và để giữ tiền. Như tôi, bây giờ tất cả tài sản đều cất hết vào chứng khoán và coi đó là của để dành”, ông Hưng tiết lộ.
Và ngã rẽ…
Ðầu năm 2013, giới niêm yết trên sàn được phen xôn xao khi hay tin “ông trùm” chứng khoán rẽ sang làm nông nghiệp. Theo đó, công ty CTCP Xuyên Thái Bình - Pan Pacific (PAN) được thành lập năm 1998 bởi chính ông Nguyễn Duy Hưng (trước cả khi có SSI) đã đưa ra quyết định bước ngoặt: biến đổi một công ty chuyên về dịch vụ quét dọn trở thành một công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng. Chỉ trong năm 2013-2014, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) được PAN thực hiện bùng nổ với việc PAN liên tục mua các doanh nghiệp nông nghiệp và làm thực phẩm nức tiếng một thời. Ðường hướng của PAN được ông Hưng công khai: muốn hướng đến mục tiêu tạo ra một hệ thống nền tảng trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, để từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị khép từ sản phẩm đầu vào đến đầu ra theo mô hình 3F, Farm Food Family (Trang trại – Thực phẩm – Gia đình).
“Tôi coi đây là một bước ngoặt trở lại. Ngày xưa người ta đã biết đến tôi với cái tên Hưng “PAN”; rồi sau đó là Hưng “SSI” và rất có thể sau này lại là Hưng "3F", ông Hưng dí dỏm.
Năm 2006 khi thị trường chứng khoán bắt đầu bùng nổ, Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) được xem là “lão đại”của làng chứng khoán khi đó gần như không có đối thủ và đại thắng trong việc chiếm lĩnh thị phần. Rồi thị trường chứng khoán Việt Nam sau những ồn ào và rơi vào ảm đạm. Thời kỳ khó khăn đó, ông Hưng là người tiên phong đi ra nước ngoài kêu gọi dòng vốn ngoại. Thế rồi mọi thứ quay trở lại theo thời gian. Kết thúc ngày 31/12/2014, thống kê của VnExpress về 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HÐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn, đứng vị trí thứ 9 với tài sản chứng khoán tương đương 1.799,4 tỷ đồng.
Theo Khánh Huyền
Tiền Phong