menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 18/5/2019: Giá gạo, cà phê, hạt tiêu giảm; nguy cơ giải cứu Mít Thái

22:21 18/05/2019

Vinanet - Ồ ạt trồng mít Thái – nguy cơ phải giải cứu; Giá gạo, cà phê, hạt tiêu giảm; Đồng NDT mất giá ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản…là những thông tin đáng chú ý trong ngày.
Ồ ạt trồng mít Thái – nguy cơ phải giải cứu
Tuoitre.vn đưa tin, mít Thái đang là cây siêu lợi nhuận vì có khả năng trồng dày, năng suất cao. Người dân đồng bằng sông Cửu Long đang trồng nhiều, nhưng nguy cơ phải giải cứu vẫn hiện hữu.
Tại Tiền Giang, bất chấp những cảnh báo, cây mít Thái vẫn đang được liên tục trồng mới. Đến nỗi không lãnh đạo cơ quan chức năng nào trả lời chính xác được diện tích cây mít Thái hiện có bao nhiêu.
Nếu như các xã phía nam quốc lộ 1 từ huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy đến Châu Thành... nông dân chủ yếu trồng xen hoặc trồng thay cây trồng đã già cỗi thì ở các xã phía bắc quốc lộ 1, nông dân đã ồ ạt trồng mít Thái trên nền đất lúa.
Nhiều tỉnh thành khác cũng ồ ạt trồng mít Thái tương tự Tiền Giang. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Vĩnh Long, tỉnh đã có hơn 523ha mít Thái và đang tăng nhanh. Theo thạc sĩ nông học Nguyễn Phước Tuyên - nguyên trưởng phòng nghiên cứu khoa học và thông tin Sở NN&PTNT Đồng Tháp, thị trường Trung Quốc đầy rủi ro khi nước này đang đòi hỏi tất cả nông sản qua Trung Quốc đều phải theo con đường chính ngạch, kiểm dịch chặt và truy xuất được nguồn gốc, trong khi phía nhà vườn và doanh nghiệp VN chưa chuẩn bị gì cả.
Đặc biệt, gần đây FAO ghi nhận Trung Quốc vừa mới phát triển diện tích mít lên 180.000ha. Trung Quốc cũng đang là thị trường chủ lực nhập khẩu mít của VN.
Giá cà phê giảm mạnh
Theo nongnghiep.vn, cà phê rời khỏi mốc 30.000 đ/kg, những ngày qua cà phê ở Tây Nguyên có nơi chỉ còn 29.000 – 29.500 đ/kg. Cả nông dân lẫn doanh nghiệp làm cà phê đang điêu đứng vì giá cà phê tụt dốc.
Tại Đăk Lăk, người làm cà phê đang đối mặt với bài toán nan giải về giá cả. Năm nay, mùa mưa đến muộn. Mãi đến cuối tháng tư mới có những trận mưa đầu tiên, mà đến lúc này, những trận mưa đó cũng không còn nhiều giá trị vì để bắt đầu mùa vụ mới, người trồng cà phê đã tiến hành tưới nước ngay từ sau Tết Nguyên đán, và họ đã phải tưới từ bốn đến năm đợt mới hoàn thành vụ hoa. Người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang đối mặt nhiều khó khăn khi giá giảm, chi phí cho vật tư sản xuất lại tăng.
Thị trường cà phê Gia Lai cũng ảm đạm không kém khi mà có nhiều hôm, giá cà phê nhân chỉ còn từ 28,5 - 29, 5 triệu đồng/tấn.
Hiện trên địa bàn Tây Nguyên đang tồn đọng một lượng lớn cà phê trong dân và ở các đại lý. Phần lớn người làm cà phê chọn hình thức "ký gửi" tại đại lý sau khi thu hoạch, đợi khi được giá mới chốt bán. Nhưng giá cà phê lại liên tục giảm nên cả nông dân lẫn các đại lý vẫn "ghim hàng chờ giá". Theo đó, thị trường cà phê ảm đạm hơn bao giờ hết...
Giá hạt tiêu giảm
Tuoitre.vn đưa tin, thời gian qua, tình trạng cây tiêu chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, cộng với giá cả giảm sâu đã khiến nhiều nông dân ở tỉnh Bình Phước lâm vào cảnh lao đao.
Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, có hàng trăm ha tiêu của người dân bị chết không rõ nguyên nhân.
Trước tình trạng tiêu chết không rõ nguyên nhân, cộng với giá cả giảm sâu (hiện từ 43 đến 46 ngàn đồng/kg) khiến nhiều hộ dân phá tiêu chuyển đổi sang trồng cây khác.
Ngoài việc đối diện với tình trạng sâu bệnh, mất giá, mất mùa thì người nông dân còn phải đối diện với tình trạng thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô, mùa mưa thì thiệt hại do lốc xoáy. Vì vậy, khiến người trồng tiêu ở tỉnh Bình Phước hiện nay phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vườn tiêu bị chết hàng loạt ngoài yếu tố do biến đổi khí hậu thì còn nhiều yếu tố khác tác động.
Đặc biệt là vào mùa vụ 2014-2016 giá tiêu tăng cao (thời cao điểm lên đến 220 ngàn đồng/kg) nên người dân ồ ạt chuyển đổi diện tích cao su, điều, cây ăn trái... sang trồng tiêu nhưng không nắm vững kỹ thuật... Đấy là chưa kể giá tiêu giảm sâu khiến nhiều nông dân bỏ vườn tiêu, không chăm sóc nên cây bị suy kiệt.
Trước tình trạng tiêu chết, Sở Khoa học và công nghệ Bình Phước đã mời các nhà khoa học về khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân, nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp hữu hiệu.
Bình Phước được coi là một trong những tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, với 17.178ha. Tuy nhiên, năng suất tiêu niên vụ 2017-2018 chỉ đạt 14 tạ/ha, sản lượng giảm hơn 40% so niên vụ 2016-2017.
Giá gạo xuất khẩu giảm
Thông tin từ vietnambiz.vn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm vì dự trữ tăng sau vụ thu hoạch mùa hè, giá gạo 5% tấm giảm còn 355 USD/tấn vào thứ Năm (16/5), so với 365 USD một tuần trước đó, với dự báo dự trữ gạo sẽ tăng khi đợt thu hoạch sớm của vụ Hè Thu sẽ bắt đầu vào cuối tháng này.
Xuất khẩu gạo từ Việt Nam trong năm nay được dự báo sẽ không thay đổi so với năm ngoái nhưng sẽ giảm dần khi diện tích trồng lúa bị thu hẹp để nhường chỗ cho việc trồng cây ăn quả.
Trung Quốc đã mở cửa trở lại đối với gạo Việt Nam, tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa dễ dàng tăng doanh số bán hàng sang Trung Quốc vì một số rào cản kỹ thuật còn tồn tại.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan không đổi ở mức 385 - 400 USD/tấn (FOB).
Mặc dù vậy, các thương nhân Thái Lan cho biết họ lo ngại gạo Thái Lan, hiện có giá cao hơn gạo Việt Nam và Ấn Độ, cũng đang mất khả năng cạnh tranh vì đồng baht Thái Lan là đồng tiền tệ mạnh nhất ở châu Á trong năm nay.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo quốc gia này sẽ xuất khẩu 9,5 triệu tấn trong năm nay, giảm so với mức 11 triệu tấn của năm ngoái vì đồng baht mạnh.
Đồng NDT mất giá ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam
Theo vasep.com.vn, Trung Quốc là một trong 4 thị trường có giá trị NK thủy sản Việt Nam trên 1 tỷ USD/năm và được đánh giá là một trong những thị trường quan trọng và có tiềm năng tiêu thụ thủy sản lớn. Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh gần 50% giá trị NK thủy sản Việt Nam năm 2017 với gần 1,3 tỷ USD, năm 2018, XK sang thị trường Trung Quốc đảo chiều, giảm 5%, đạt trên 1,2 tỷ USD. Quý I năm nay, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường này vẫn tiếp tục đà sụt giảm 5% đạt 239 triệu USD.
Bên cạnh những nguyên nhân như Trung Quốc siết chặt thương mại mậu biên, cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador trên thị trường tôm, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, thì đồng NDT mất giá cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến XK thủy sản sang thị trường này.
Đến giữa tháng 5/2019 đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang bị phá giá thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 12/2018 khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang.
Trong bối cảnh đồng NDT liên tục bị phá giá và mất giá nhiều hơn so với mức mất giá của đồng VND trước đồng USD, sẽ tạo ra chênh lệch mất giá giữa đồng NDT so với VND là rất lớn. Vì thế, giá trị của VND so với NDT tăng lên. Trong trường hợp này, giá hàng hóa XK từ Việt Nam trong đó có các mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc sẽ cao hơn, gây khó khăn cho việc XK của Việt Nam.
Trong khi đó, nước cạnh tranh XK lớn nhất của VN tại thị trường Trung Quốc (nhất là mặt hàng tôm) là Ấn Độ, đang có nguồn cung tôm giá rẻ hơn (nhờ lợi thế giá thành thấp hơn), trong khi đồng rupee cũng bị phá giá sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá với NDT ít hơn so với đồng VND. Do vậy, Ấn Độ sẽ đẩy mạnh XK sang Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị áp lực cạnh tranh mạnh hơn.
Nguồn: VITIC tổng hợp 

Nguồn:Vinanet