menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 19/5/2019: Brazil muốn XK thịt bò sang VN; cấm bán tôm càng đỏ

19:40 19/05/2019

Vinanet - Brazil muốn XK thịt bò và dưa vàng sang VN; Tôm càng đỏ là loài có hại, bị cấm bán ở VN; Malaysia sẽ tăng cường tiêu thụ thuỷ sản, gạo, nông sản của VN; Khuyến khích cấp đông thịt lợn cho những tháng cuối năm… là những tin đáng chú ý trong ngày.
Brazil muốn xuất khẩu thịt bò và dưa vàng sang Việt Nam
Theo vietnambiz.vn, Brazil mong muốn thúc đẩy nhanh các thủ tục để xuất khẩu hai mặt hàng là thịt bò và dưa vàng sang Việt Nam. Phía Brazil sẽ hoàn thiện các thủ tục để Việt Nam có thể xuất khẩu tôm sang và gỡ bỏ một số rào cản đối với cá tra đang xuất khẩu sang thị trường này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định Brazil là đối tác chiến lược về hợp tác nông nghiệp của Việt Nam. Brazil có những sản phẩm giữa ngôi vị nhất thế giới như đậu tương, đàn bò, bông.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm có thể trao đổi, bổ trợ với Brazil, trong đó có sản phẩm tôm, cá tra. Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu tôm, sản phẩm tôm Việt Nam đã có mặt ở các thị trường khó tính như Mỹ, EU... Vì thế, Bộ trưởng đề nghị phía Brazil tạo điều kiện thông thoáng nhất để Việt Nam xuất khẩu cá tra cũng như tôm sang thị trường này.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Brazil chênh lệch nhau không lớn, nhưng nếu tính riêng về giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm và thủy sản thì chênh lệnh nhau tới 13 lần.
Theo đó, kim ngạch Việt Nam nhập khẩu từ Brazil là 1,5 tỷ USD trong khi xuất khẩu sang Brazil được 110 triệu USD. Chính vì thế, việc đẩy mạnh hợp tác trao đổi, mở cửa thị trường những mặt hàng mới sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Tôm càng đỏ là loài có hại, bị cấm bán ở Việt Nam
Theo thông tin từ tuoitre.vn, Bộ NN&PTNT vừa có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố, tổng cục hải quan, quản lý thị trường yêu cầu tăng cường kiểm soát tăng cường tôm càng đỏ (tôm hùm đất) tại Việt Nam. Thời gian gần đây tôm càng đỏ được đưa vào sử dụng ở Việt Nam dưới dạng thực phẩm ở khá nhiều địa phương. Mặt hàng này hiện được rao bán rộng rãi trên mạng xã hội, giá 220.000 - 350.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN&PTNT, đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai có hại, ăn tạp sống bò dưới đất, ưa đào hang, hoạt động về đêm có sức chống chịu và thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.
Bộ NN&PTNT khẳng định loài tôm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Để tránh tác động đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các trường hợp vi phạm.
Bộ NN&PTNT đồng thời yêu cầu tuyên truyền phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát triển của loài này ra môi trường tự nhiên.
Malaysia sẽ tăng cường tiêu thụ thuỷ sản, gạo, nông sản của Việt Nam
Theo vietnambiz.vn, trước mục tiêu kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỉ USD hoặc cao hơn nữa vào năm 2020, Việt Nam đề nghị Malaysia tăng cường tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản, gạo, nông sản của Việt Nam; tăng cường hợp tác nghề cá...
Chiều 16/5, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hai nước cần đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỉ USD hoặc cao hơn nữa vào năm 2020.
Thời gian tới, hai nước cần đẩy mạnh kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỉ USD hoặc cao hơn nữa vào năm 2020, đề nghị Malaysia tăng cường tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản, gạo, nông sản của Việt Nam; tăng cường hợp tác nghề cá.
Cao su xuất sang Trung Quốc tăng vọt về lượng nhưng giảm về giá
Theo vietnambiz.vn, xuất khẩu cao su tháng 4/2019 tiếp tục tăng cả lượng và giá trị. Đặc biệt, sự tăng nhanh tại thị trường Trung Quốc đang mang lại kì vọng khởi sắc cho những tháng tiếp theo.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su đạt trên 415 nghìn tấn, trị giá 556,88 triệu USD, tăng gần 25% về lượng và 14% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Giá xuất khẩu cao su tháng 4/2019 đạt bình quân 1.437 USD/tấn, tăng 3% so với tháng 3/2019 và tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước. Giá cao su xuất sang Trung Quốc giảm gần 8% trong 4 tháng
Thị trường cao su nguyên liệu nội địa trong khoảng nửa đầu tháng 5, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh có xu hướng tăng so với cuối tháng 4/2019.
Cụ thể ngày 13/5, tại Bình Phước giá thu mua mủ nước tại vườn và nhà máy đạt lần lượt 280 đồng/độ TSC và 285 đồng/độ TSC, tăng 40 đồng/độ TSC so với cuối tháng 4.
Tháng 4, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 50,82 nghìn tấn, trị giá gần 72 triệu USD, tăng gần 7% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kì năm 2018; Trung Quốc chiếm 67,4% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 269,22 nghìn tấn, trị giá 358 triệu USD, tăng hơn 37% về lượng và tăng 27% về trị giá so với cùng kì năm trước.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt bình quân 1.330 USD/tấn, giảm gần 8%.
Giá cao su trong nước tháng tới có thể khởi sắc khi Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới tiến hành các biện pháp kích thích nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su để sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Khuyến khích cấp đông thịt lợn cho những tháng cuối năm
Theo nongnghiep.vn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang lây lan rộng, các DN nên chủ động giết mổ lợn sạch để cấp đông dự trữ cho những tháng cuối năm. Giải pháp này sẽ giúp cho áp lực chống dịch giảm đi, thiệt hại cũng giảm đi rất nhiều. Đây chính là giải pháp sẽ có hiệu quả trong thời gian phòng chống dịch, cũng là để đảm bảo nguồn cung cho những tháng cuối năm, đặc biệt là Quý III và Quý IV.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các DN và hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong nuôi heo. “Đến giờ này, những DN và cơ sở chăn nuôi áp dụng tốt an toàn sinh học đều không bị dịch. Kinh nghiệm cũng cho thấy, những địa phương và đơn vị nào làm tốt theo tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, phát hiện heo bệnh sớm và xử lý ngay thì ít bị thiệt hại…”:
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet