Nguyên nhân xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh
Theo
vietnambiz.vn, lượng gạo xuất khẩu qua Trung Quốc của Lộc Trời giảm mạnh tới 30% từ đầu năm đến nay. Cùng lúc đó, chi phí xuất khẩu cũng tăng 30%, và vấn đề nợ ngân hàng cũng trở nên khó khăn hơn.
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, việc thay đổi chính sách của Trung Quốc là bất thường nhưng chúng ta phải xem đây là điều hoàn toàn bình thường. Dù Lộc Trời đã chuẩn bị tâm thế từ lâu nhưng cũng không thể tránh bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực khác đến với ngành gạo Việt Nam và một số quốc gia xuất khẩu gạo sang Philippines khác đó là mới đây, chính phủ nước này ban hành Đạo luật số 11203 chuyển đổi cơ chế hạn ngạch sang cơ chế thuế hóa đối với việc nhập khẩu mặt hàng gạo.
Giải thích nguyên nhân hoạt động xuất khẩu gạo ảm đạm trong đầu năm, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, cho biết quý I trải qua Tết Nguyên Đán do vậy các đơn hàng chưa được triển khai.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau Tết, các doanh nghiệp chưa chủ động, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường lớn nhất xuất khẩu gạo của Việt Nam là Trung Quốc xuất hiện thách thức mới. Các doanh nghiệp đối tác xuất khẩu gạo của Trung Quốc cũng đang lo ngại về việc siết chặt hoạt động nhập khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng
Theo thông tin từ
tienphong.vn, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm sau nhiều năm liên tục tăng trưởng. Nguyên nhân được cho là do nước này mạnh tay kiểm soát nhập khẩu tiểu ngạch.
Những tháng đầu năm 2019, XK của ngành hàng này sang thị trường đông dân nhất thế giới đã bất ngờ sụt giảm, kéo kim ngạch XK chung toàn ngành giảm. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, đến hết quý I/2019, XK rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 680 triệu USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái).
Theo Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, việc Trung Quốc tiến tới loại bỏ nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang chính ngạch là xu hướng tất yếu nhằm quản lý tốt hơn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dịch hại, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách nhập khẩu này của Trung Quốc trên thực tế đã có tác động rất lớn đến XK rau quả Việt Nam sang thị trường tỷ dân này. Ông Lương Ngọc Trung Lập - nguyên Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho rằng để tháo gỡ khó khăn, không còn cách nào khác là phải đàm phán để mở cửa XK chính ngạch sang Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường mang lại kim ngạch XK rau quả lớn nhất của Việt Nam và chiếm thị phần ngày càng tăng trong cơ cấu XK của ngành hàng này, từ chỗ chiếm 28% năm 2013 vươn lên chiếm gần 76% thị phần XK của rau quả Việt Nam năm 2017. Được biết, hiện có 9 loại trái cây của Việt Nam được XK chính ngạch sang Trung Quốc gồm xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít, dưa hấu và măng cụt.
Ngành chăn nuôi tổn thương nhất sau Hội nhập
Theo
bnews.vn, mặc dù giữ vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp, nhưng chăn nuôi lại là lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương nhất khi hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Hiệp định CPTPP được thực thi từ đầu năm 2019 và hàng loạt các Hiệp định thương mại khác Việt Nam tham gia ký kết, bên cạnh việc các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có cơ hội vươn ra "biển lớn" thì cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức và áp lực.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ lo ngại khi Hiệp định CPTPP đi vào thực tiễn, ngành chăn nuôi sẽ phải chịu nhiều “tổn thương” nhất. Khi đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm của các nước như Canada, Nhật Bản, Australia… với thuế suất bằng 0% có giá cạnh tranh hơn sẽ "ồ ạt" tràn vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Long, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không ngừng cải tiến về giống, giảm giá thành sản phẩm, nhưng rất khó có thể cạnh tranh khi giá thành chăn nuôi lợn của các nước chỉ dưới 30.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lợn Việt Nam khoảng 38.000 đồng/kg.
Với giá thành như thế, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập có giá rẻ hơn, quy trình giết mổ lại bài bản, an toàn hơn.
Nguy cơ thiếu hụt thịt lợn vào cuối năm
Theo nongnghiep.vn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo: Người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nên quá lo sợ và bán lợn “chạy dịch” ồ ạt, khiến nguồn cung tăng đột biến và giá lợn giảm sâu. Điều này cũng có nguy cơ khiến nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt vào các tháng cuối năm 2019.
Ngành thú y đã có khuyến cáo, các cơ sở chăn nuôi lợn muốn tái đàn khi hết dịch cũng phải hết sức thận trọng, đủ tiềm lực và khả năng áp dụng chăn nuôi đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thì mới tái đàn.
Trước mắt, khuyến cáo đối với những vùng chăn nuôi lợn chưa có dịch, cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng chống DTLCP, đồng thời cũng không nên quá lo lắng, bán tháo lợn để “chạy dịch”. Điều này vừa dẫn tới thiệt hại cho người chăn nuôi, vừa khiến tư thương ép giá, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ làm mất cân đối cung cầu thịt lợn trong các tháng cuối năm 2019.
- Giá thịt lợn rẻ cũng đang kéo theo giá các sản phẩm gia cầm, nhất là thịt gà, trứng xuống mức thấp và kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay. Điều này cũng có thể sẽ kéo theo một đợt “thiếu hụt kép” nguồn cung thịt đối với 2 sản phẩm chủ lực là thịt lợn và thịt gà vào cuối năm 2019. Nên chăng, cần đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới để bù đắp cho nguy cơ thiếu hụt thịt lợn?
Mặc dù con số thống kê tổng đàn lợn cả nước chỉ xoay quanh hơn 20 triệu con, mỗi năm xuất chuồng 50 triệu con, nhưng thực tế tổng đàn lớn hơn so với thống kê khá nhiều.
Triệt phá dứt điểm các cơ sở đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu
Vietnamplus.vn đưa tin, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn điều tra, triệt phá dứt điểm các đối tượng, cơ sở đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Bộ Công an khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất và hướng dẫn xử lý theo Bộ Luật hình sự. Trường hợp không xác định được tội danh, cần chủ động đề xuất giải pháp với cơ quan có thẩm quyền...
Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, lưu thông và phân phối sản phẩm tôm có chứa tạp chất; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm tạp chất trong quá trình vận chuyển, lưu thông, phân phối sản phẩm trên thị trường.
Đối với các tỉnh trọng điểm như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cần tập trung chỉ đạo hoàn thành ký cam kết đối với 100% các cơ sở này, kể cả các cơ sở thuộc đối tượng quản lý của cấp huyện, xã.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet