menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG tháng 8/2017: Giá kim loại cơ bản tăng mạnh

16:13 01/09/2017

Vinanet -  Tháng 8 thị trường hàng hóa thế giới biến động khá mạnh. Một số yếu tố chính chi phối thị trường là đồng USD giảm giá, nhu cầu mua kim loại mạnh ở Trung Quốc và căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên.
Năng lượng: Giá dầu thô sụt giảm
Tháng 8 giá dầu thô đồng loạt giảm trên cả 2 thị trường London và New York. Dầu thô ngọt nhẹ (WTI) kết thúc tháng ở mức giá 47,23 USD/thùng, so với 50,17 USD một tháng trước đó, trong khi dầu Brent giảm nhẹ từ 52,65 USD xuống 52,38 USD/thùng.
Những ngày cuối tháng, giá dầu thô Mỹ giảm mạnh do siêu bão Harvey gây ảnh hưởng lớn tới bang Texas khiến các nhà máy lọc dầu phải dừng hoạt động, làm giảm nhu cầu dầu thô nhưng lại đẩy tăng mạnh nhu cầu xăng.
Cơn bão nhiệt đới Harvey đã tàn phá thành phố Houston, thủ phủ của nhiều nhà máy lọc dầu lớn của Mỹ, và các khu vực khác của bang Texas. Hàng loạt nhà máy lọc dầu đã buộc phải đóng cửa ngừng hoạt động trong điều kiện thời tiết quá xấu.
Siêu bão Harvey đổ bộ vào bang Texas và sau đó là bang Louisiana đã cướp đi sinh mạng của 35 người. Cơn bão gây lũ lụt trên diện rộng đã làm ngưng trệ hoạt động lọc dầu, khiến công suất lọc dầu của các nhà máy tại Mỹ giảm 25%. Hiện công suất tại các nhà máy hóa dầu ở riêng Texas và Louisiana ước tính đạt khoảng 3,6 triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 20% tổng công suất của Mỹ.
Bão Harvey ở Mỹ đã khiến nhu cầu mua xăng của châu Âu tăng mạnh. Lượng xăng dự kiến đặt mua từ châu Âu đến New York, Mexico, Brazil,.... trong tuần qua khoảng 1,5 triệu tấn. Mức này gấp ba lần so với mức trung bình mỗi tuần từ châu Âu sang Mỹ và Mỹ Latinh.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) thông báo dự trữ dầu thô của nước này giảm 5,4 triệu thùng tính đến tuần kết thúc vào ngày 25/8 xuống 457,8 triệu thùng, thấp hơn 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Năng lượng Mỹ sẽ trích xuất 500.000 thùng dầu thô từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này nhằm ứng phó với tình hình biến động sản lượng khai thác dầu mỏ do cơn bão lịch sử Harvey gây ra. Đây là lần mở kho dầu dự trữ chiến lược đầu tiên kể từ năm 2012.
Goldman Sachs dự báo sẽ phải mất nhiều tháng để đưa hoạt động sản xuất xăng dầu có thể trở lại như trước. Thống kê cho thấy tuần trước, nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ đã chạm mức kỷ lục 9,846 triệu thùng/ngày.
Kim loại quý: Giá đồng loạt tăng
Đồng USD yếu đi và căng thẳng địa chính trị gia tăng đã đẩy giá vàng và các kim loại quý khác tăng mạnh trong tháng 8.
Kết thúc tháng 8, giá vàng tại New York tăng lên 1.324,90 USD/ounce, từ mức 1.274,80 USD một tháng trước đó, bạc tăng từ 16,81 USD lên 17,61 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng từ 940,06 USD lên 996,30 USD và palađi tăng từ 887,40 USD lên 937,74 USD/ounce.
Ngày 29/8, giá vàng đã lên mức cao nhất 9 tháng rưỡi là 1.325,94 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đã yếu đi sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng chậm nhất kể từ cuối năm 2015. Điều này làm giảm bớt các đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng tiếp lãi suất tiếp vào tháng 12 tới.
Bên cạnh đó, căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Không quân Hàn Quốc thông báo ngày 31/8, Mỹ đã triển khai nhiều máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu có khả năng tàng hình tới bán đảo Triều Tiên để tham gia tập trận cùng Hàn Quốc. Cuộc tập trận diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo bay qua vùng trời phía Bắc lãnh thổ Nhật Bản.
Kim loại cơ bản: Giá tăng mạnh
“Cơn sốt” đầu cơ xuất phát từ những lý do đồng USD giảm giá so với rổ tiền tệ, nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu mạnh từ nước tiêu thụ lớn nhất thế giới – Trung Quốc – đã đẩy giá các kim loại công nghiệp lên mức cao kỷ lục nhiều năm.
Giá đồng đã tăng liên tiếp 3 tháng qua, trong khi giá nhôm, nickel và kẽm tháng 8 tăng mạnh nhất trong vòng nhiều năm. Giá thép cây và quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc tăng kéo dài trong nhiều tháng góp phần đẩy tăng giá kim loại công nghiệp, nhất là những nguyên liệu sản xuất thép không gỉ như nickel và kẽm.
Đồng USD tháng 8 tăng nhẹ nhưng trước đó đã giảm giá liên tiếp 5 tháng khiến các kim loại trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ những tiền tệ khác.
Nông sản: Giá đường và cà phê đều giảm
Phiên giao dịch cuối tháng, giá đường tăng 3,8% lên mức cao kỷ lục 4 tuần do hoạt động mua mạnh bởi dự báo nhu cầu ethanol tăng có thể làm giảm lượng mía để sản xuất đường. Đường thô giao tháng 10 giá tăng lên 14,44 US cent, cao nhất kể từ 4/8. Tuy nhiên tính chung cả tháng giá đường thô giảm 3,4%, còn đường trắng giảm 3,8%.
Dự trữ đường chiến lược của Ai Cập đạt trên 1 triệu tấn, đủ để đáp ứng nhu cầu cho tới tháng 1 – mùa sản xuất mía trong nước.
Với cà phê, giá arabica giảm 9,4% trong tháng 8, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, trong khi đó robusta giảm 25%.
Với sản lượng 3,5 triệu bao cà phê (1 bao = 60kg) trong mùa vụ 2016-2017, Mexico đã trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ 11 trên thế giới, chiếm 1,6% tổng sản lượng toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi, Phát triển Nông thôn, Nghề cá và Lương thực Mexico (Sagarpa) cho biết diện tích trồng cà phê của Mexico đạt 718.000 hécta (ha).
Sản xuất và kinh doanh cà phê là một ngành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, với trên 500.000 nhà sản xuất.
Mexico xuất khẩu cà phê sang 42 thị trường trên thế giới, trong đó trên 50% tổng lượng cà phê xuất khẩu là sang Mỹ.
Nhờ thời tiết thuận lợi và kiểm soát về sâu bệnh, sản xuất càphê của Mexico đã phục hồi sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch nấm bệnh ở cây càphê, với sản lượng tăng trên 20% và đạt trung bình 1,4 tấn/ha.
Bang Chiapas là vựa cà phê lớn nhất Mexico, chiếm 39% tổng sản lượng càphê cả nước.
Tiếp theo là Veracruz (30%), Oaxaca (13%) và 17% còn lại được sản xuất tại các bang Puebla, Guerrero, Hidalgo, Nayarit và San Luis Potosí.
Trong khi đó, sản lượng cacao của Mexico trong niên vụ 2016-2017 đạt 28.000 tấn.
Mexico hiện đứng thứ 8 thế giới về sản xuất cacao và hơn 60% cacao xuất khẩu của Mexico là sang thị trường Mỹ.
Vụ cà phê tại Mexico và Trung Mỹ, tổng cộng chiếm khoảng 25% sản lượng cà phê arabica toàn cầu, diễn ra từ tháng Mười năm trước đến tháng Chín năm sau.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

Giá 1/8

Giá 31/8

Dầu thô WTI

USD/thùng

50,17

47,23

Dầu Brent

USD/thùng

52,65

52,38

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

35.770,00

35.250,00

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,82

3,04

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

168,13

177,35

Dầu đốt

US cent/gallon

167,26

174,40

Dầu khí

USD/tấn

493,25

510,00

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

50.010,00

49.260,00

Vàng New York

USD/ounce

1.274,80

1.324,90

Vàng TOCOM

JPY/g

4.486,00

4.653,00

Bạc New York

USD/ounce

16,81

17,61

Bạc TOCOM

JPY/g

59,40

61,70

Bạch kim giao ngay

USD/t oz.

940,06

996,30

Palladium giao ngay

USD/t oz.

887,40

937,74

Đồng New York

US cent/lb

289,80

310,25

Đồng LME 3 tháng

USD/tấn

6.369,00

6.791,50

Nhôm LME 3 tháng

USD/tấn

1.918,00

2.095,00

Kẽm LME 3 tháng

USD/tấn

2.795,00

3.110,00

Thiếc LME 3 tháng

USD/tấn

20.650,00

20.350,00

Ngô

US cent/bushel

384,50

345,25

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

475,75

430,50

Lúa mạch

US cent/bushel

287,25

245,75

Gạo thô

USD/cwt

12,30

12,71

Đậu tương

US cent/bushel

999,00

934,00

Khô đậu tương

USD/tấn

322,10

297,20

Dầu đậu tương

US cent/lb

35,10

34,76

Hạt cải WCE

CAD/tấn

506,00

497,50

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.060,00

1.924,00

Cà phê Mỹ

US cent/lb

139,25

128,20

Đường thô

US cent/lb

14,91

13,91

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

131,65

130,05

Bông

US cent/lb

69,07

70,76

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

378,30

366,30

Cao su TOCOM

JPY/kg

205,60

219,00

Ethanol CME

USD/gallon

1,55

1,43

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

 

Nguồn:Vinanet