menu search
Đóng menu
Đóng

Tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản

09:02 11/04/2016

Nhiều mặt hàng nông sản đang tăng giá mạnh, tuy nhiên, dự báo xuất khẩu thời gian tới có thể sẽ khó khăn bởi nhiều nước gia tăng hàng rào kỹ thuật.

Theo Ban Chỉ đạo Thị trường Nông nghiệp, Bộ NN-PTNT, trong những tháng đầu năm 2016, giá cả hàng hóa (lương thực, thực phẩm, đường…) không có biến động nhiều tuy nhiên dự báo trong thời gian tới, giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng trên thị trường sẽ có xu hướng tăng và chi phí sản xuất của một số hàng nông sản tăng do tác động của hạn hán và xâm mặn.

Cụ thể, tình hình xâm mặn đã khiến vụ đông xuân 2015-2016 toàn vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL bị giảm sản lượng khoảng 190 ngàn tấn. Theo đánh giá của đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn vào cuối tháng 3 vừa qua tại một số tỉnh ĐBSCL thì thiệt hại của vụ đông xuân năm nay khoảng 10%. Nhưng bù lại cũng trong tháng 3, Trung Quốc đẩy mạnh thu mua gạo từ Việt Nam nên giá lúa tăng mạnh, cao hơn so với cùng kì năm trước từ 300 – 600 đồng/kg.

Đối với mặt hàng thủy sản, mặc dù giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong những ngày đầu tháng 2/2016 ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm thì sang tháng 3 có dấu hiệu tăng trở lại do nhu cầu thu mua của các nhà máy tăng, trong khi nguồn cung ở các hộ không còn nhiều. Giá tôm nguyên liệu có xu hướng ổn định ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu khan hiếm do điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến việc thả nuôi của nông dân.

Giá lợn hơi biến động với mức tăng 1.000 đồng/kg; giá đường tăng từ 200-500 đồng/kg. Tương tự, một số nông sản xuất khẩu khác cũng rục rịch tăng giá: Sầu riêng bất ngờ tăng vọt trở lại mức 80-90 ngàn đồng/kg; dưa hấu được thu mua với mức 8.000 đồng/kg tại ruộng trong khi trước đó chưa đến 1 tháng mức giá chỉ từ 300-1.700 đồng/kg.

Đặc biệt, giá thanh long ở Tiền Giang đang tăng mạnh mà mùa màng lại hứa hẹn bội thu. Thương lái hiện thu mua thanh long ruột đỏ với giá 40 ngàn đồng/kg còn thanh long ruột trắng có giá 20 ngàn đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với tháng trước.

Tuy nhiên, giá các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như cà phê, chè, hạt tiêu… lại có xu hướng giảm. Giá cà phê xuất khẩu 2 tháng đầu năm chỉ đạt 1.711 USD/tấn, giảm tới 18,8% nên xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu năm 2016 đạt 479 ngàn tấn tăng 30,2% về khối lượng nhưng chỉ tăng 5,7% về giá trị, bằng 808 triệu USD. Giá chè xuất khẩu đầu năm ở mức 1.554 USD/tấn, giảm 8,3% so với năm 2015. Giá hạt tiêu khoảng 8.878 USD/tấn, giảm 3,8%...

Xuất khẩu sẽ khó khăn

Nhận định tình hình xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo thị trường nông sản cảnh báo sẽ gặp khó khăn bởi hầu hết các nước đều đang gấp rút xây dựng hàng rào kĩ thuật. Thời gian qua, hàng nông sản của Việt nam như chè, thanh long, nấm, tỏi, mộc nhĩ xuất khẩu sang Đài Loan gặp phải nhiều rào cản về kiểm nghiệm kiểm dịch, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chứng thực lãnh sự.

Thậm chí một số cơ quan truyền thông của Đài Loan còn tuyên truyền sai lệch làm xấu hình ảnh nông sản Việt Nam. Từ tháng 7/2015, phía Trung Quốc đã thông báo sẽ không chấp nhận Chứng thư xông hơi khử trùng do Công ty xông hơi khử trùng Việt Nam cấp cho các lô hàng gạo xuất khẩu sang TQ mà nước bạn sẽ chủ động thành lập cơ quan giám sát, chứng nhận việc xông hơi khử trùng. Động thái này của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu gạo của Việt Nam qua đường chính ngạch sang Trung Quốc.

Ở thị trường Hàn Quốc, vừa qua Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc yêu cầu cơ sở sản xuất cá bò khô tẩm gia vị xuất khẩu vào Hàn Quốc phải được Bộ này trực tiếp sang kiểm tra và công nhận đối với từng cơ sở. Hàn Quốc cũng vừa có thêm quy định mới về thuốc bảo vệ thực vật và chỉ chấp nhận 29 hoạt chất trong danh mục do nước này công bố có thể áp dụng theo tiêu chuẩn EU.

Với các sản phẩm nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục nếu phát hiện vượt ngưỡng 1/10 tỉ thì sẽ bị trả lại. Áp dụng tiêu chuẩn này, theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) thì chỉ có 2 hoạt chất đang sử dụng cho sản phẩm cà phê Việt Nam được chấp nhận, còn sản phẩm ca cao hoàn toàn không có hoạt chất nào đáp ứng thị trường Hàn Quốc. Các thị trường khác như Indonesia, Nhật Bản, cũng có những quy định về kiểm tra ATTP ngặt nghèo, theo đó từ 17/2/2016 Việt Nam muốn xuất khẩu thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật vào Indonesia sẽ phải thực hiện cung cấp thông tin theo yêu cầu của nước này.

Trước thực trạng các nước đang xây dựng hàng rào kĩ thuật và không dễ để đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường khác nhau, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, giải pháp lâu dài là phải tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ (Organic) để nâng cao chất lượng nông sản Việt. Theo ông, cần sớm tổ chức các hội thảo về sản xuất nông sản hữu cơ, kết nối doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm. “Tôi biết có người ở Cà Mau, sản xuất trên diện tích 1 ha mà làm ra cả chục tỉ nhưng vay vốn ngân hàng lại không được. Do vậy, cần phải bàn giải pháp để khuyến khích người nông dân sản xuất nông nghiệp Organic trong đó điểm nhấn là chính sách. Làm nông nghiệp Organic mà không có chính sách hỗ trợ thì người dân không làm được”, ông Nam nhấn mạnh.

Về giải pháp trước mắt, để phản bác hành vi bôi nhọ sản phẩm của VN tại nước ngoài, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) phối hợp với các cơ quan tham tán của Việt nam ở nước ngoài để tuyên truyền cho nông sản Việt, chống nói xấu, đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Đối với những hàng rào kĩ thuật cụ thể của từng thị trường, Vụ Hợp tác Quốc tế cùng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối phải nghiên cứu đối chiếu với thông lệ quốc tế và tiến hành đàm phái với từng nước, đồng thời phải thông báo kịp thời tới các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để có thời gian chuẩn bị. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cần chú trọng cải tạo giống cho đàn bò Việt...

Nguồn: nongnghiep.vn

 

Nguồn:nongnghiep.vn