menu search
Đóng menu
Đóng

Tìm cơ chế mới cho xuất khẩu gạo

20:27 24/03/2016

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất gạo đặc sản, chất lượng cao nhưng không đủ số lượng theo yêu cầu xuất khẩu (XK) được quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về thương nhân XK gạo, Bộ Công Thương đang theo dõi tình hình triển khai thực hiện nghị định này nhằm sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh XK gạo được ban hành nhằm thiết lập hành lang pháp lý, khắc phục các bất cập, hạn chế trong hoạt động kinh doanh XK gạo; sàng lọc, định hướng thương nhân đầu tư lâu dài phục vụ kinh doanh XK gạo; gắn trách nhiệm của thương nhân với việc tiêu thụ lúa gạo cho người sản xuất, góp phần khắc phục tình trạng “được mùa, rớt giá”, hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất, XK gạo bền vững.

Quá trình thực hiện Nghị định 109 đã mang lại một số lợi ích nhất định cho ngành lúa gạo như đưa hoạt động XK dần đi vào bài bản, góp phần đưa nước ta lên vị trí XK gạo hàng đầu thế giới vài năm gần đây. Tuy nhiên, nghị định cũng bộc lộ một số hạn chế. Đơn cử như nhu cầu gạo trên thế giới đang dần đạt “ngưỡng”, trong khi ngày càng nhiều quốc gia tham gia XK gạo dẫn đến người tiêu dùng thế giới đang dần chuyển hướng sang các loại gạo cao cấp. Tuy nhiên, sản xuất các loại gạo này đòi hỏi mức đầu tư lớn và không phải cơ sở nào cũng đáp ứng được ngay lập tức yêu cầu về sản lượng được quy định tại Nghị định 109 (XK 10.000 tấn/năm). Bên cạnh đó, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện XK gạo, nhiều thương nhân tiếp tục đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay xát để được cấp giấy chứng nhận, xây dựng vùng nguyên liệu nhưng không chú trọng chất lượng mà chỉ chạy theo số lượng...

Tại văn bản trả lời các vấn đề báo chí quan tâm tháng 1/2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, có trường hợp DN sản xuất mặt hàng gạo hữu cơ, chất lượng cao đề nghị được XK sản phẩm do DN sản xuất, trong khi chưa đủ năng lực đầu tư cơ sở xay xát, kho chứa đáp ứng quy định như trường hợp Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau). Một số thương nhân hoạt động kinh doanh lúa gạo trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam (là những địa phương ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt) cũng có hồ sơ đề nghị được tham gia hoạt động kinh doanh XK gạo.

Để giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh, Bộ Công Thương đã trao đổi với các bộ, ngành, địa phương liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú được XK gạo theo cơ chế đặc thù trong các năm 2014, 2015. Đối với các trường hợp thương nhân ngoài vùng quy hoạch, Bộ Công Thương đã trao đổi với các bộ, ngành liên quan và có Công văn số 432/BCT-XNK ngày 15/1/ 2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép bổ sung các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An vào địa bàn quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo.

Trong cuộc họp giao ban Bộ Công Thương ngày 14/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Các cục, vụ liên quan cần tiếp tục theo dõi tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, ghi nhận những vấn đề phát sinh từ thực tiễn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu công tác điều hành hoạt động kinh doanh XK gạo thời gian tới”.

Bên cạnh các loại gạo truyền thống, DN nên tập trung đầu tư vào sản xuất, đẩy mạnh XK gạo chất lượng cao để thu được lợi nhuận cao hơn.

Nguồn: baocongthuong.com.vn

 

Nguồn:baocongthuong.com.vn