Giá đậu tương mở cửa phiên giao dịch sáng nay với mức thay đổi không đáng kể. Sau phiên lao dốc và mất đi hỗ trợ tâm lí 1500 trong phiên hôm qua, thị trường đậu tương đang xác nhận lực bán đang dần chiếm ưu thế hơn sau giai đoạn rung lắc không rõ xu hướng trước đó. Triển vọng thời tiết ở Argentina được dự báo sẽ cải thiện đáng kể trong nửa cuối tháng 3 nhờ lượng mưa đáng kể xuất hiện ở các khu vực gieo trồng chính là nguyên nhân khiến cho thị trường đang chuyển sang hướng “bearish”. Chúng tôi cho rằng giá nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục suy yếu trong phiên hôm nay khi các thông tin về mùa vụ ở Nam Mỹ vẫn đang là mối quan tâm lớn nhất trong giai đoạn này khi mà các số liệu về diện tích gieo trồng dự kiến của Mỹ vẫn chưa được công bố.
Dự báo thời tiết trong 10 – 15 ngày tới vẫn đang là tín hiệu tích cực cho mùa vụ đậu tương của Argentina. Yếu tố “bullish” mạnh nhất đối với giá trong suốt giai đoạn vừa qua đang dần mất đi tác động. Trong khi đó, theo hãng tư vấn AgRural, nông dân Brazil đã thu hoạch 53% diện tích đậu tương niên vụ 22/23, tăng 10% so với tuần trước, so với mức 64% cùng thời điểm năm ngoái. Tại bang cực nam Rio Grande do Sul, những khu vực thu hoạch đầu tiên xác nhận mất mùa do hạn hán nghiêm trọng, với năng suất thấp hơn tới 60% so với dự kiến ban đầu, công ty tư vấn cho biết. Công việc thu hoạch bị trì hoãn trong đầu niên vụ 22/23 ở các bang sản xuất lớn đã làm giảm số lượng đậu tương sẵn có để xuất khẩu. Theo dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil, trong 2 tuần đầu tháng 03 Brazil xuất khẩu được trung bình 502,900 tấn đậu tương mỗi ngày, giảm 9.2% so với mức 554,131 tấn trung bình hàng hàng được ghi nhận trong cả tháng 02 năm ngoái. Tuy nhiên, đây không phải là giai đoạn xuất khẩu đậu tương cao điểm của Brazil và khoảng cách giữa 2 năm không quá lớn nên đây vẫn chưa phải là mối lo ngại quá nghiêm trọng để khiến giá có thể quay trở lại đà tăng.
Thông tin cơ bản tiếp tục diễn biến trái chiều, giá Arabica khả năng cao còn nhiều biến động trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/03, hai mặt hàng cà phê trở lại với xu hướng diễn biến trái chiều. Arabica tăng nhẹ gần 0.8% nhờ hỗ trợ từ sự sụt giảm phiên thứ 3 liên tiếp của Dollar Index và việc chậm trễ trong bán hàng cà phê niên vụ 2023/24 tại Brazil. Trong khi đó, Robusta ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm 1.26%.
Những biến động trên thị trường tài chính gần đây đang thể hiện tầm quan trọng của nó đối với diễn biến của giá cà phê. Sự sụt đổ đột ngột của ngân hàng Sillicon Valley Bank (SVB) đã khiến các nhà đầu tư rơi vào tâm lý hoang mang và kỳ vọng Fed sẽ cđiểm chỉnh tiến trình tăng lãi suất chậm lại với tỷ lệ đặt cược mức tăng 50 điểm cơ bản trong lần họp vào tháng 3 này về mức 0% thay vì gần 70% trước đó. Điều này kéo theo sự suy yếu của Dollar Index từ đó hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân các nước xuất khẩu chính. Đăc biệt trong bối cảnh tỷ lệ bán hàng cho niên vụ mới đang thấp hơn rất nhiều khi chỉ đạt 17% so với mức 27% của cùng kỳ niên vụ 2022/23, càng gây ra tâm lý lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trên thị trường và hỗ trợ giá.
Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào các số liệu sẽ thấy dù tỷ lệ hàng được bán trên sản lượng đang thấp hơn 10% so với cùng kỳ niên vụ hiện tại nhưng sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 được giới phân tích dự đoán sẽ có sự nới lỏng đáng kể so với 2 năm dụt giảm mạnh trước đó. Nên dù tỷ lệ hàng bán ra cho niên vụ tiếp theo đang ở mức thấp nhưng về mặt số liệu cũng không quá đáng lo và có thể không gây nên sự thiếu hụt trầm trọng trên thị trường và đà tăng cũng sẽ dịu lại.
Cùng với đó, số liệu xuất khẩu đang dần hồi phục trong tháng 3 với theo thống kê của Cecafe với mức tăng 35% trong 10 ngày đầu tháng 03 so với cùng kỳ tháng trước, kết hợp với việc thu hoạch sắp bắt đầu sẽ cung cấp nguồn cung dồi dào cho thị trường vẫn là yếu tố có thể kìm hãm những tín hiệu giá khởi sắc gần đây.
Giá đồng có thể giằng co trước thềm công bố báo cáo lạm phát tháng Hai của Mỹ
Phiên giao dịch sáng nay ngày 14/03, giá đồng suy yếu nhẹ một phần do đồng USD phục hồi trở lại, chỉ số Dollar Index neo tại mức 103.87 điểm, tăng nhẹ 0.26% sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tháng trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, giá đồng cũng suy yếu trong bối cảnh bất ổn trong hệ thống tài chính Mỹ sau vụ sụp đổ liên tiếp của Sillicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
Đồng thời, thị trường cũng sẽ thận trọng chờ đợi báo cáo lạm phát tháng 2 của Mỹ được công bố tối nay, dữ liệu quan trọng cung cấp manh mối về lộ trình tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hiện phần lớn thị trường đang kỳ vọng lạm phát tại Mỹ sẽ chậm lại, chỉ số giá tiêu dùng CPI được dự báo tăng 5.5% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn so với mức tăng 5.6% trong tháng 1.
Bên cạnh đó, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tạm ngưng tăng lãi suất sau khi sự kiện SVB làm dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng tài chính gây ra bởi Fed tăng lãi suất mạnh tay trong năm qua. Do đó, nếu dữ liệu lạm phát công bố tối nay bằng hoặc thấp hơn dự báo, điều này có thể làm tăng thêm triển vọng Fed sẽ thắt chặt tiền tệ nhẹ tay hơn. Đồng USD có thể quay đầu suy yếu và hỗ trợ cho giá đồng trong phiên.
Về phía Trung Quốc, tiêu thụ đồng được đang có những dấu hiệu cải thiện đáng kể và là yếu tố thúc đẩy giá đồng. Theo Shanghai Metals Market, tuần qua, các công ty dây và cáp điện đã hoạt động sản xuất bình thường. Bước sang tháng 3, các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng cũng đã được khởi công, đồng thời các đơn đặt hàng về quang điện và năng lượng gió tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh đó, vấn đề nguồn cung đang bớt gặp sức ép khi tình trạng biểu tình ở Peru, nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, đang có những dấu hiệu lắng xuống và là yếu tố hạn chế đà tăng của giá đồng. Oscar Vera, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ mới được bổ nhiệm, cho biết hành lang khai thác đã được mở và trong vài ngày tới hoạt động khai thác đồng sẽ được nối lại.
Thị trường dầu có thể tiếp tục giằng co do tác động từ kép từ số liệu lạm phát Mỹ và báo cáo tháng của OPEC
Giá dầu WTI nối dài đà giảm trong sáng nay khi đã có lúc đánh mất mốc 74 USD/thùng. Sự hồi phục nhẹ của đồng USD trong phiên sáng đã gây sức ép lên các thị trường hàng hóa nói chung, trong đó có thị trường dầu.
Sức bán trên thị trường gia tăng, khi các nhà đầu tư vẫn lo ngại về các rủi ro liên đới từ vụ phá sản của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Thị trường tỏ ra đặc biệt lo ngại về rủi ro thanh khoản trên thị trường tài chính dưới áp lực lãi suất. Tuy nhiên sự kiện này cũng đã làm dấy lên kỳ vọng rằng áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ giảm bớt. Hiện tại, mức đỉnh lãi suất được dự báo đã giảm về 5.15%, thấp hơn so với mức 5.75% sau cuộc điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Trong phiên hôm nay, thị trường dầu sẽ đón nhận hai tin tức quan trọng và sẽ là yếu tố dẫn dắt giá. Về phía cung cầu, báo cáo tháng 3 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể về tình hình cung cầu dầu thô trên thế giới hiện nay. Trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ dầu xấu đi vì các yếu tố vĩ mô, báo cáo tháng của OPEC sẽ chỉ hỗ trợ giá dầu khi cho thấy mức độ mất cân bằng đáng báo động, có thể xuất phát từ việc sản lượng của OPEC sụt giảm hoặc nhu cầu tiêu thụ gia tăng mạnh mẽ trong cuối năm nay.
Tuy nhiên, tác động từ các báo cáo này có thẻ bị lu mờ trước một số liệu kinh tế quan trọng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nếu lạm phát Mỹ tăng mạnh hơn dự báo đây sẽ là tin tức tiêu cực đối với thị trường dầu thô. Trái lại, nếu lạm phát cho thấy sự hạ nhiệt, đồng USD sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh mẽ khi tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư được cởi bỏ, nhất là sau các sự kiện tiêu cực trong tuần vừa qua.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)