menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin MXV ngày 15/3/2023: Giá đậu tương có thể sẽ chỉ giằng co quanh mốc 1500

16:20 15/03/2023

Bối cảnh cơ bản và yếu tố kĩ thuật trái chiều, giá đậu tương có thể sẽ chỉ giằng co quanh mốc 1500 trong phiên hôm nay.
 
Mở cửa phiên giao dịch ngày 15/03, giá đậu tương tiếp nối đà hồi phục và diễn biến theo xu hướng chung của nhóm nông sản. Tuy nhiên, mức tăng vẫn đang bị hạn chế ở vùng kháng cự tâm lí 1500. Xét trong biểu đồ kĩ thuật, giá đậu tương vẫn đang duy trì xu hướng sideway từ đầu năm cho tới nay với khoảng biến động 1480 – 1540. Hiện tại, giá đậu tương đang ở trong nhịp giảm hướng xuống vùng chặn dưới nên việc thị trường phản ứng, giá đang hồi phục khi tiến gần với vùng đã từng đẩy giá bật lên 3 lần trong hơn 4 tháng qua là không phải là diễn biến bất ngờ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, với bối cảnh chuyển giao sự chú ý về nguồn cung từ Nam Mỹ sang mùa vụ ở Mỹ cùng với kỳ vọng về tình hình thời tiết tích cực hơn ở Argentina thì khả năng giá đang thiên về xu hướng giảm trong trung hạn.
Trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo nước này sẽ xuất khẩu 14.84 triệu tấn đậu tương trong tháng 03, cao hơn so với mức 14.66 triệu tấn ước tính tuần trước. Mặc dù kể từ cuối năm ngoái, xuất khẩu ngô từ Brazil sang Trung Quốc đã tăng mạnh nhưng kể từ tháng 2, việc vận chuyển đậu tương đang được nông dân ưu tiên hơn. Tháng trước, tổng xuất khẩu ngô của Brazil cũng giảm hơn 60% so với tháng 01 xuống còn 2.275 triệu tấn, do các nhà xuất khẩu tập trung vận chuyển đậu tương vụ mới của Brazil cho khách hàng nước ngoài. Điều này cho thấy rằng nguồn cung đậu tương tư Brazil đang được đẩy mạnh ra thị trường quốc tế và đây sẽ là yếu tố tạo áp lực cạnh tranh đối với đậu tương CBOT.
Về triển vọng mùa vụ sắp được gieo trồng của Mỹ, sau diễn đàn Ag Outlook do USDA tổ chức cuối tháng 2 vừa qua, dự báo diện tích đậu tương năm nay được cho là sẽ không thay đổi so với mức 87.5 triệu mẫu. Tuy nhiên, con số này được đưa ra dựa trên các mô hình định tính nên có thể sẽ không sát với thực tế mà đây chỉ là căn cứ cho báo cáo Prospective Plantings cuối tháng 3 này.

Nguồn cung ngày càng có tín hiệu nới lỏng khả năng cao sẽ tiếp tục gây sức ép khiến giá cà phê suy yếu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/03, hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm sâu trước áp lực tồn kho trên Sở ICE nới lỏng. Cụ thể, Arabica đảo chiều giảm hơn 2% sau 2 phiên tăng liên tiếp khi tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York tăng lên 785,577 bao, cao nhất trong 2 tuần, đồng thời Robusta cũng ghi nhận mức giảm gần 1.6% khi tồn kho trên Sở ICE London tăng 810 tấn lên mức 73,910 tấn trong phiên kết thúc ngày 13/03.
Giá cà phê giao ngay tại Brazil đang có sự điều chỉnh giảm gần đây. Theo báo cáo hàng tuần từ Cơ quan cung ứng mùa vụ của chính phủ Brazil (Conab), giá cà phê hàng thực tại quốc gia này ghi nhận mức cao nhất trong tuần kết thúc ngày 10/03 là 1,140 Real Brazil/bao, giảm so với mức 1,180 Real Brazil/bao trước đó. Sự suy yếu của giá giao ngay có thể sẽ tác động kéo giá Arabica trên Sở giao dịch ICE New York suy yếu.
Số liệu xuất khẩu cà phê tính đến ngày 14/03 tại Brazil tiếp tục cho thấy sự khởi sắc. Theo Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), quốc gia này đã đẩy được 1.24 triệu bao Arabica trong 14 ngày đầu tháng 03, tăng 35% so với cùng kỳ tháng trước. Sự gia tăng tích cực này được kỳ vọng sẽ giúp nguồn cung trên thị trường nới lỏng và góp phần giúp tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York nối dài đà tăng, từ đó gây sức ép khiến giá tiếp tục suy yếu.
Tuy vậy, việc lạm phát đang cho thấy những tín hiệu hạ nhiệt thông qua CPI tháng 2 của Mỹ, có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thả chậm quá trình tăng lãi suất, kéo theo Dollar Index tiếp tục suy yếu, phần nào hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân các nước xuất khẩu chính và hạn chế tác động giảm giá trước đó.

Trước thềm dữ liệu lạm phát tiếp theo của Mỹ được công bố, giá đồng có thể giằng co quanh mức 4 USD/pound
Đồng mở cửa phiên giao dịch sáng 15/03 với lực mua tích cực nhờ tín hiệu nhu cầu phục hồi từ nước tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, dự báo giá có thể tiếp tục giằng co trước thềm dữ liệu lạm phát tiếp theo của Mỹ.
Dữ liệu mới nhất của Trung Quốc về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ cho thấy sự phục hồi kinh tế tại nước này đang đi đúng hướng như dự báo của thị trường. Theo Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng công nghiệp 2 tháng đầu năm của Trung Quốc tăng trưởng vượt tháng 12 năm ngoái, từ mức 1.3% lên 2.4%, tuy nhiên vẫn thấp hơn dự báo ở mức 2.6%. Doanh số bán lẻ tăng 3.5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế và đảo ngược từ mức giảm 1.8% trong tháng 12.
Thêm vào đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) mới đây đã bổ sung thêm 281 tỷ nhân dân tệ thông qua các khoản cho vay trung hạn để cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng, do nhu cầu cho vay tăng cao khi nền kinh tế dần phục hồi. Động thái này là quyết định tiền tệ đầu tiên của Trung Quốc kể từ Đại hội diễn ra vào tuần trước và đây là khoản bổ sung tiền mặt lớn nhất kể từ tháng 12/2020.
Do đó, tín hiệu phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc kết hợp với quyết định kích thích tiền tệ tiếp theo của PBOC sẽ thúc đẩy triển vọng tiêu thụ nguyên liệu đầu vào quan trọng là đồng và là yếu tố hỗ trợ cho giá. Tuy nhiên, lực hỗ trợ sẽ không quá mạnh do sự tăng trưởng sản lượng công nghiệp vẫn chưa đạt như kỳ vọng của các nhà kinh tế và nhu cầu tiêu thụ vẫn cần thời gian để phục hồi. Hơn nữa, đầu tư bất động sản trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 lại tiếp tục giảm do người mua nhà vẫn thận trọng bất chấp hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Về mặt vĩ mô, hôm nay Mỹ sẽ công bố số liệu lạm phát tiếp theo đó là chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2. Bên cạnh đó, số liệu doanh số bán lẻ cũng sẽ được công bố. Hiện các nhà kinh tế đều đang kỳ vọng doanh số bán lẻ suy yếu trong tháng 2 và chỉ số PPI giảm trên cả cơ sở hàng tháng và hàng năm. Do đó, nếu dữ liệu được công bố tối nay tích cực như dự báo cho thấy lạm phát tại Mỹ tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồng USD suy yếu và thúc đẩy lực mua đồng trong phiên.

Giá dầu có thể phục hồi nếu báo cáo của IEA và EIA hỗ trợ bên cạnh dữ liệu tích cực từ phía Trung Quốc
Sau khi đón nhận lực bán mạnh trong phiên hôm qua đẩy giá dầu về vùng hỗ trợ 71 USD/thùng, giá dầu mở cửa phiên giao dịch ngày hôm nay với lực mua áp đảo. Các dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc được công bố vào sáng nay có thể sẽ là yếu tố thúc đẩy giá dầu phục hồi nhẹ, trước khi chờ đón thêm loạt thông tin quan trọng từ báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vào chiều nay, báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và dữ liệu lạm phát Mỹ vào tối nay.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đã tăng 3.5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm liên tiếp 3 tháng trước đó. Đầu tư tài sản cố đinh cũng tăng tích cực ở mức 5.5%, cho thấy những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Sản lượng công nghiệp mặc dù tăng chậm hơn dự báo, nhưng với mức 2.4% cao hơn mức 1.3% trong tháng trước đó, đây cũng sẽ là tín hiệu tích cực cho sự phục hồi.
Thị trường dầu cũng sẽ xem xét các dự báo của IEA công bố vào chiều nay. Báo cáo của OPEC ngày hôm qua mặc dù cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu tích cực từ Trung Quốc, nhưng nguồn cung cũng đang đảm bảo cho nhu cầu. Nếu IEA cùng chung quan điểm với OPEC, động lực tăng của giá dầu sẽ bị hạn chế.
Tuy nhiên, những dữ liệu về tồn kho trong báo cáo tuần của EIA có thể đem lại động lực tăng trở lại trong bối cạnh giá dầu đang ở vùng rất thấp. Dữ liệu sáng nay của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng nhẹ, nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm khá mạnh, có thể là dấu hiệu cho nhu cầu cải thiện, từ đó hỗ trợ giá dầu. Tồn kho xăng giảm 4.587 triệu thùng sau khi dữ liệu tuần trước cho thấy tồn kho nhiên liệu tăng 1.840 triệu thùng. Các sản phẩm chưng cất giảm 2.886 triệu thùng sau khi tăng 1.927 triệu thùng/ngày trong tuần trước đó. Tồn kho tại Cushing, Oklahoma, giảm nhiều hơn 946,000 thùng so với mức tăng 24,000 thùng được báo cáo vào tuần trước.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc