menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin MXV ngày 3/4/2023: Yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong trung hạn

16:22 03/04/2023

Triển vọng nguồn cung của Mỹ khi bước vào giai đoạn gieo trồng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong trung hạn.
 
Mở cửa phiên giao dịch ngày 03/04, giá ngô đang ghi nhận mức bật tăng mạnh do ảnh hưởng gián tiếp từ diễn biến của giá dầu thô. Trong tuần này, thị trường sẽ tiếp nhận và phản ứng thêm với các thông tin xoay quanh mùa vụ ở Mỹ, bên cạnh tiến độ và tình hình vụ ngô thứ 2 của Brazil. Thông thường, thị trường nông sản sẽ nhận được nhiều tác động “bullish” hơn vào giai đoạn này trong năm do các rủi ro đối với năng suất và triển vọng nguồn cung.
Hai báo cáo quan trọng về tồn kho sẵn có và dự báo diện tích gieo trồng của Mỹ đã được USDA công bố vào tuần trước và là cơ sở để đánh giá về ảnh hưởng tới cơ cấu cung cầu thế giới. Tồn kho ngô tính đến ngày 1/3 thấp hơn dự kiến và thấp hơn so với cùng kì năm ngoái trong khi tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới do các đơn hàng Daily Export Sales liên tục xuất hiện trong 2 tuần vừa qua. Khối lượng mua hàng tiếp tục gia tăng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong vài phiên tới.
Đối với mùa vụ sắp tới, theo khảo sát mà USDA thực hiện, nông dân Mỹ chủ yếu đều muốn mở rộng diện tích gieo trồng. Mặc dù cao hơn mức dự đoán trung bình nhưng đây cũng không phải là yếu tố hoàn toàn bất ngờ vì chi phí sản xuất với ngô năm nay đã giảm đi đáng kể. Giá phân bón luôn chiếm tỉ trọng cao trong quyết định gieo trồng do năng suất ngô sẽ ảnh hưởng nhiều hơn so với đậu tương hay các loại nông sản có thể trồng thay thế khác. Chính vì vậy nên khi chi phí phân bón giảm 20 – 30% so với mức đỉnh thiết lập vào cùng kì năm ngoái do chiến tranh ở Biển Đen thì cũng dẫn tới lợi nhuận của ngô sẽ cạnh tranh hơn. Nhìn chung, diện tích sẽ không phải là yếu tố có thể khiến giá biến động mạnh trong thời gian tới mà thay vào đó, diễn biến thời tiết trong quá trình gieo trồng có thuận lợi và tiến độ mùa vụ sẽ là yếu tố có tác động mạnh nhất tới giá.

Áp lực trước triển vọng sản lượng nới lỏng trong niên vụ 2023/24 tại Brazil có thể tiếp tục kéo giá Arabica đi xuống trong tuần này
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, hai mặt hàng cà phê trở lại trạng thái trái chiều. Arabica quay đầu giảm gần 5% về mức thấp nhất trong 2 tháng do áp lực từ triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Brazil. Trong khi đó, Robusta mang sắc xanh trong tuần thứ 2 liên tiếp khi thị trường bị chi phối bởi cảnh báo nguồn cung khan hiếm tại 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu Châu Á.
Trong tuần này, triển vọng nguồn cung nới lỏng nhiều khả năng cao tiếp tục là yếu tố dẫn dắt thị trường. Các chuyên gia vẫn khá lạc quan về mùa vụ cà phê cho niên vụ 2023/24 khi sự cực đoan của thời tiết đã suy yếu, dẫn đến những dự báo sản lượng gia tăng cả từ cả phía cơ quan phân tích độc lập và thuộc chính phủ. Hơn nữa, một số nhà phân tích còn nhân định sự nới lỏng sẽ được mở rộng hơn nữa trong niên vụ 2024/25 khi năng suất được cải thiện do Brazil trở lại năm được mùa trong chu kỳ 2 năm sản mùa vụ tốt một lần. Những tín hiệu tích cực trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân để có kho chứa mới cho việc lưu trữ cà phê vụ mới.
Trong khi đó, kinh tế thế giới vẫn còn khá bấn loạn với những bất bênh trên thị trường tài chính cũng như lạm phát vẫn chưa về mức mục tiêu mà các ngân hàng trung ương lớn đề ra, điều này khiến chi tiêu dành cho các mặt hàng không thiết yếu như cà phê ở mức hạn hẹp, đặc biệt là Arabica với giá thành cao hơn . Đây khả năng cao sẽ tiếp tục là yếu tố góp phần tạo nên sự suy yếu của giá trong tuần này.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York dù không ghi nhận sự cải thiện nào trong tuần vừa qua, mức giảm cũng khá yếu khi chỉ mất 4,491 bao loại 60kg, duy trì ở mức cao so với mức thấp kỷ lục vào tháng 11/2022. Đặc biệt, trong bối cảnh nông dân Brazil có xu hướng đẩy mạnh bán hàng trở lại, sự giảm nhẹ của tồn kho đạt chuẩn có thể chưa đủ mạnh để hỗ trợ giá khởi sắc trong giai đoạn này.

Thông tin cơ bản trái chiều có thể khiến giá đồng tiếp tục giằng co đi ngang trong phiên giao dịch đầu tuần
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch đầu tuần 03/04 với xu hướng giảm sau khi dữ liệu mới nhất của Trung Quốc được công bố cho thấy hoạt động của các nhà máy Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu trong tháng 3. Tuy nhiên, với nguồn cung đang có dấu hiệu thắt chặt, nhiều khả năng giá đồng sẽ có nhịp điều chỉnh tăng trở lại và tiếp tục duy trì khoảng đi ngang 4.05 – 4.12 USD/pound trong phiên hôm nay.
Vào sáng nay, Trung Quốc đã công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Caixin đã giảm xuống mức 50 trong tháng 3, sau khi dữ liệu tháng 2 bất ngờ tăng vọt lên 51.6 đánh dấu hoạt động mở rộng đầu tiên sau 7 tháng. Dữ liệu PMI sản xuất tháng 3 cũng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng mở rộng ở mức 51.7 của các nhà kinh tế và thấp hơn so với dữ liệu PMI chính thức được Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào thứ Sáu tuần trước.
Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất, hoạt động chiếm 1/3 giá trị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã có dấu hiệu suy yếu trong tháng 3 do các đơn đặt hàng xuất khẩu yếu hơn và nhu cầu toàn cầu chậm lại, chỉ số phụ đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm xuống 49.0 sau khi tăng trưởng trong tháng 2. Do đó, triển vọng nhu cầu tiêu thụ suy yếu sẽ làm giảm sức mua trên thị trường đồng, khi đồng là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho hoạt động sản xuất của nước này và Trung Quốc là nhà tiêu thụ đồng lớn nhất trên thế giới.
Về yếu tố nguồn cung, rủi ro nguồn cung đồng thu hẹp gần đây có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá. Theo Codelco, công ty sản xuất đồng lớn nhất thế giới, dự kiến tổng sản lượng đồng tại các mỏ mà công ty này sở hữu sẽ giảm tới 7% xuống 1.35 – 1.42 triệu tấn đồng trong năm nay sau khi sụt giảm mạnh vào năm 2022. Trong năm 2022, sản lượng đồng của Codelco đã giảm 10.6% so với năm 2021. Về phía Chile, quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới, sản lượng đồng của nước này đã sụt giảm tới 11% vào năm ngoái do phải chịu những rủi ro bao gồm đá lở, hạn hán, đóng băng…
Bên cạnh yếu tố cung cầu, đồng USD mạnh lên trước lo ngại lạm phát tăng sau thông báo bất ngờ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) về việc cắt giảm sản lượng dầu, cũng có thể là yếu tố cản trở đà tăng của giá đồng trong phiên. Chỉ số Dollar Index sáng nay đã tăng 0.4% lên mức 102.92 điểm.

Giá dầu có thể sẽ có nhịp giảm điều chỉnh sau khi mở cửa gap-up, nhưng rủi ro còn tiềm ẩn
Tâm điểm của thị trường dầu trong ngày hôm nay chắc chắn là các thông tin xung quanh quyết định cắt giảm sản lượng của nhóm nước OPEC+. Cụ thể, bên cạnh Nga gia hạn việc cắt giảm sản lượng 500,000 thùng/ngày kể từ tháng 3 cho đến cuối năm nay, thì Saudi Arabia và một số quốc gia khác trong nhóm OPEC+ tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng thêm khoảng 1.15 triệu thùng/ngày nữa. Đây là động thái mang tính bất ngờ vì được công bố ngay trước thềm cuộc họp của OPEC+, và trước đó các nguồn tin đều đưa ra thông tin OPEC+ sẽ không thay đổi mức hạn ngạch, tức là tiếp tục chiến lược cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cam kết hồi tháng 10 năm ngoái.
Báo cáo của nhóm OPEC tháng 4 sẽ được phát hành vào tuần sau, nhưng nếu xem xét báo cáo tháng trước, có thể thấy góc nhìn ngắn hạn của tổ chức này vẫn thiên về việc nhu cầu có phần yếu hơn nguồn cung. Điều này thể hiện ở quan điểm cắt giảm ước tính về lượng dầu thô mà OPEC cần bơm vào năm 2023 để cân bằng thị trường thêm 200.000 thùng/ngày so với báo cáo trước đó. Hiện tại, mức sản lượng trong tháng 2 mà OPEC sản xuất đang là 28.9 triệu thùng/ngày, báo cáo nhận định OPEC cần bơm 28.77 triệu thùng/ngày trong quý 1 và 28.62 triệu thùng/ngày trong quý 2 để cân bằng thị trường. Như vậy, mục tiêu cắt giảm mới đây mặc dù cao hơn, nhưng phù hợp với quan điểm nhu cầu còn khá yếu.
Hiện tại, nhóm OPEC 10 vẫn đang cắt giảm ít hơn mục tiêu đặt ra hồi tháng 10 năm ngoái khi lượng cắt giảm thực tế ở khoảng 900,000 thùng/ngày, so với mục tiêu 1.2 triệu thùng/ngày. Phản ứng của thị trường đầu phiên khiến giá dầu gap-up phần lớn do tâm lý, và mức cắt giảm của OPEC trên thực tế có thể sẽ ít hơn mục tiêu đề ra, và mức cắt giảm sẽ cần thời gian. Do đó, giá dầu nhiều khả năng sẽ điều chỉnh giảm nhẹ trở lại trước khi có thêm những động thái mới từ thị trường.
Cuộc họp của OPEC vào tối nay vẫn sẽ là tâm điểm, các nhà lãnh đạo nhóm có thể bày tỏ thêm triển vọng cung cầu và điều đó sẽ tiếp tục khiến giá dầu rung lắc. Ngoài ra, việc làm này từ phía OPEC sẽ làm xấu đi mối quan hệ với Mỹ, khi chính quyền vẫn đang cần bằng chứng hạ nhiệt rõ ràng của giá dầu trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, và khó khăn trong việc huy động các công ty trong nước tăng sản lượng khai thác. Động thái từ Mỹ liệu có giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ SPR, có kêu gọi công ty trong nước gia tăng sản lượng, hạn chế xuất khẩu, hoặc quay trở lại với dự luật Non-OPEC sẽ còn khiến giá dầu biến động.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc