menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG tuần tới 21/4: Giá đồng loạt giảm

14:00 23/04/2023

Giá năng lượng, kim loại và nông sản đều giảm trong tuần qua sau những phiên giao dịch nhiều biến động.
 
Năng lượng: Giá dầu giảm hơn 5% trong tuần
Giá dầu tăng trong phiên cuối tuần nhờ dữ liệu kinh tế khả quan ở khu vực đồng euro và Anh, nhưng tính chung cả tuần giảm khá mạnh do không chắc chắn về lãi suất của Mỹ và về nhu cầu.
Giá dầu Brent kết thúc phiên 21/4 tăng 56 cent lên 81,66 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 50 cent lên 77,87 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent và dầu WTI lần lượt mất 5,5% và 5,7%.
Trước đó, cả hai loại dầu chủ chốt này đều giảm hơn 2% phiên 20/4, xuống mức thấp nhất kể từ thông báo bất ngờ hồi đầu tháng 4/2023 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về cắt giảm sản lượng, do lo ngại suy thoái kinh tế và dự trữ xăng tại Mỹ tăng mạnh.
Dữ liệu khảo sát từ khu vực đồng euro và Anh đã nâng giá dầu vào thứ Sáu. Các cuộc khảo sát cho thấy sự phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro đã bất ngờ tăng tốc trong tháng này khi ngành dịch vụ - chiếm ưu thế của khối - chứng kiến nhu cầu, vốn đã tăng cao, nay càng tăng mạnh, bù đắp cho sự suy giảm sâu sắc trong lĩnh vực sản xuất.
"Có vẻ như nền kinh tế đang phục hồi sau một mùa đông ấm áp, nhưng sự yếu kém trong sản xuất vẫn là một mối lo ngại và làm giảm đà tăng trưởng," báo cáo từ ING cho biết.
Trong khi đó một cuộc khảo sát của ngành cũng cho thấy các doanh nghiệp Anh cũng báo cáo hoạt động phục hồi và lạm phát chi phí đầu vào thấp nhất trong hơn 2 năm.
Tại Ấn Độ, hoạt động xử lý dầu thô của các nhà máy lọc dầu đã đạt gần mức cao kỷ lục trong tháng 3/2023, đáp ứng nhu cầu theo mùa ổn định tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới.
Triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn cũng góp phần hỗ trợ thêm, với các nhà phân tích kỳ vọng dầu tồn kho sẽ giảm từ tháng tới, do các mục tiêu sản lượng giảm của OPEC và nhu cầu của Trung Quốc tăng.
Commerzbank cho biết trong một thông báo: “Việc thắt chặt nguồn cung dự kiến có khả năng đẩy giá lên cao trong trung hạn”.
Công ty dịch vụ mỏ dầu khổng lồ SLB đã báo cáo lợi nhuận vượt dự kiến trong quý I do giá dầu thô tăng cao và nguồn cung khan hiếm làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ của họ.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn về kinh tế và triển vọng tăng lãi suất tiếp tục đeo bám thị trường dầu mỏ.
Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết sự không chắc chắn về nhu cầu, đặc biệt là trong mùa lái xe mùa hè sắp tới, tiếp tục đè nặng lên tâm trí của các thương nhân.“Thị trường vẫn chịu áp lực với những lo ngại về nhu cầu,” ông Lipow nói.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương Châu Âu đều được dự đoán là sẽ tăng lãi suất khi họ gặp nhau vào tuần đầu tiên của tháng Năm.
Về nguồn cung của Mỹ, các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm số giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lần đầu tiên sau 4 tuần, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết.
Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) cho biết các nhà quản lý tiền đã tăng các vị thế quyền chọn và hợp đồng tương lai dầu thô dài hạn của Mỹ thêm 11.736 hợp đồng lên 199.622 trong tuần tính đến ngày 18 tháng 4.
Kim loại quý: Giá vàng giảm mạnh nhất 2 tháng
Giá vàng giảm mạnh trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần giảm mạnh nhất trong 8 tuần do những phát ngôn từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua vẫn ủng hộ việc tăng lãi suất để chống lạm phát, giúp củng cố khả năng sẽ có ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa và hỗ trợ đồng USD.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên thứ Sáu giảm 1,2% xuống 1.979,63 USD/ounce; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 giảm 1,4% xuống còn 1.990,50 USD.
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng thỏi đã giảm khoảng 1,2% do áp lực tăng giá của đồng USD nói chung khiến vàng thỏi trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở các nước khác ngoài Mỹ.
Các quan chức Fed hôm thứ Năm cho biết lạm phát vẫn "vượt xa" mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Thống đốc Fed Michelle Bowman nhắc lại rằng cần phải hành động nhiều hơn nữa để chế ngự lạm phát.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, cho biết: Mặc dù ban đầu việc tăng lãi suất sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng, nhưng khi lãi suất tạm dừng tăng sẽ đẩy giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại như gần đây. Ông thêm rằng dù Fed tiếp tục tăng lãi suất nhưng họ đang tiến đến điểm dừng bởi tăng mạnh hơn nữa sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Giá vàng cũng chịu áp lực sau khi kết quả khảo sát của S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ tháng 4 đã tăng tốc lên mức cao nhất trong 11 tháng, điều này mâu thuẫn với các dấu hiệu ngày càng nhiều về việc lãi suất cao hơn đang làm giảm nhu cầu.
Các thị trường hiện thấy 85,4% cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 2-3 tháng 5. Lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng – vốn không sinh lãi.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 1,1% xuống 25,02 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong 6 tuần; bạch kim và palladium, được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác để hạn chế lượng khí thải trong ô tô, đã đi ngược xu hướng. Bạch kim tăng 2,7% lên mức cao nhất trong hơn một năm là 1.122,80 USD, trong khi palladium tăng 1,1% lên 1.604,74 USD, hướng tới tuần tốt nhất kể từ tháng 11.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa thuộc TD Securities, cho biết những lo ngại về nguồn cung do các vấn đề về điện tràn lan ở nhà sản xuất chính Nam Phi có thể thúc đẩy giá bạch kim, trong khi palladium cũng được hưởng lợi trong ngắn hạn.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng giảm 2,7% trong tuần
Giá đồng tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần giảm 2,7% do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) đã giảm 1,0% xuống còn 8.789 USD/tấn.
Nhà phân tích Ewa Manthey của ING cho biết: “Đồng đang chịu áp lực sau số liệu đáng thất vọng của Mỹ, với tâm lý sợ rủi ro gây áp lực lên thị trường vào cuối tuần”. "Mặc dù Trung Quốc chi phối hầu hết giá kim loại, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại có thể cản trở đà tăng giá trong thời gian tới."
Đồng USD hướng tới tuần tăng đầu tiên sau gần hai tháng, khiến các kim loại được định giá bằng đồng USD trở nên đắt hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Đồng, được sử dụng trong năng lượng và xây dựng, đã đạt mức cao nhất trong 7 tháng vào tháng 1 sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19, nhưng giá kim loại này đã giảm kể từ đó do nhu cầu của Trung Quốc không tăng nhiều như dự kiến.
“Sự không chắc chắn xung quanh mức độ phục hồi ở Trung Quốc, thị trường quan trọng nhất đối với kim loại này, sẽ vẫn là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến giá đồng… trong ngắn hạn,” Commerzbank cho biết trong một báo cáo.
Sản lượng đồng tinh luyện tháng 3 của Trung Quốc tăng 9% lên mức cao kỷ lục 1,05 triệu tấn.
Giá kẽm trên sàn LME phiên cuối tuần giảm 1,6% xuống còn 2.725 USD, sau khi chạm 2.713 USD, mức thấp mới kể từ ngày 4 tháng 11, do hàng tồn kho của sàn LME tăng và hàng tồn kho của sàn Thượng Hải giảm trong tuần này.
Về các kim loại khác, giá nhôm trên sàn LME giảm 1,0% xuống 2.398 USD/tấn, niken giảm 2,4% xuống 24.450 USD, thiếc giảm 2,0% xuống 26.400 USD và chì tăng 0,3% lên 2.160 USD.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á giảm liên tiếp 3 phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất gần 4 tháng do sức mua từ các nhà máy thép giảm và hàng tồn kho tại cảng biển Trung Quốc tăng làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên phiên cuối tuần giảm 4,04% xuống mức thấp gần 4 tháng, là 736,5 nhân dân tệ (106,96 USD)/tấn. Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 5 giảm 4,52% xuống 110,15 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2022.
Yu Chen, một nhà phân tích của Mysteel ở Thượng Hải, cho biết: "Sự quan tâm mua của các nhà máy (đối với hàng quặng sắt giao ngay) trước kỳ nghỉ lễ sắp tới (1-3/5) thấp hơn dự kiến, gây áp lực lên giá giao ngay và cũng gây áp lực lên thị trường kỳ hạn".
Dự trữ quặng sắt tại 45 cảng lớn của Trung Quốc được khảo sát tăng 1,23 triệu tấn, tương đương 1% trong tuần đến 21 tháng 4 lên 130,35 triệu tấn, dữ liệu của Mysteel cho thấy.
"Sự sụt giảm mạnh (giá quặng sắt) vào thứ Sáu là kết quả của tác động chung của một số dấu hiệu tiêu cực. Mức giảm 19,2% so với dự kiến so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng nhà ở mới khởi công trong quý vừa qua cho thấy nhu cầu nguyên liệu thô yếu ", Pei Hao, một nhà phân tích thuộc công ty môi giới quốc tế FIS có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết. “Ngoài ra, nguồn cung sẽ đủ trong thời gian tới dựa trên kết quả hàng quý mới nhất từ ba nhà cung cấp hàng đầu,” ông nói thêm.
Giá thép cũng theo xu hướng giảm của giá quặng sắt. Thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 1,46% xuống mức thấp gần 5 tháng, là 3.842 nhân dân tệ/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 1,64%, dây thép cuộn giảm 0,27% và thép không gỉ giảm 0,55%.
Dữ liệu của Hiệp hội Thép Thế giới cho thấy sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 3 tăng 1,7% so với một năm trước đó lên 165,1 triệu tấn. Trong đó, sản lượng thép thô từ Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, đã tăng 6,9% lên 95,7 triệu tấn trong tháng 3.
Tuy nhiên, thông tin từ Nhật Bản cho biết sản lượng thép thô của nước sản xuất thép số 3 thế giới này đã giảm 8,1% trong năm tài khóa 2022/23 do sản lượng ô tô chậm lại bởi tình trạng thiếu hụt chip gây áp lực lên nhu cầu trong khi xuất khẩu suy yếu phản ánh nền kinh tế nước ngoài trì trệ.
Sản lượng thép (chưa điều chỉnh theo mùa) của Nhật Bản đã giảm xuống 87,85 triệu tấn trong năm kết thúc vào ngày 31 tháng 3, đánh dấu mức giảm hàng năm đầu tiên trong hai năm, Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản cho biết hôm thứ Sáu.
Sản lượng thép trong quý từ tháng 1 đến tháng 3 giảm 6,0% xuống 21,62 triệu tấn.
Sản lượng riêng trong tháng 3 giảm 5,9% so với một năm trước đó xuống 7,49 triệu tấn, đánh dấu tháng giảm thứ 13 liên tiếp, mặc dù đã tăng 8,2% so với tháng Hai.
Nông sản: Giá giảm
Giá đậu tương Mỹ giảm trong phiên cuối tuần, kéo dài chuỗi ngày giảm do đậu tương giá rẻ của Brazil đang cạnh tranh với đậu tương Mỹ, quốc gia sản xuất đậu tương lớn thứ hai trên thế giới.
Giá giảm do nguồn cung địa phương dồi dào và nhu cầu hạ nhiệt khiến Brazil trở thành nguồn cung đậu nành hấp dẫn, với ít nhất hai tàu chở tổng cộng 79.150 tấn sản phẩm của Brazil sẽ đến Mỹ trong vài ngày tới, theo dữ liệu của ngành vận tải.
Arlan Suderman, nhà kinh tế hàng hóa trưởng của StoneX, cho biết trong một lưu ý gửi tới khách hàng: “Đậu nành cũng đang là tâm điểm giao dịch do đậu tương Brazil di chuyển về phía bắc đến Đông Nam Mỹ. "Điều đó thường có nhiều tác động tâm lý đến thị trường hơn là tác động cơ bản, nhưng nhận thức là thực tế trên thị trường."
Giá ngô trong phiên cuối tuần cũng giảm do nhà đầu tư thanh lý hợp đồng dài hạn và triển vọng tích cực đối với thời tiết trồng trọt của Mỹ. Tương tự, giá lúa mì giảm khi các thị trường theo dõi diễn biến trong các cuộc đàm phán về xuất khẩu của Ukraine và theo dõi các dự báo về lượng mưa giảm ở các vùng bị hạn hán ở Đồng bằng Mỹ.
Hợp đồng đậu tương giao tháng 7 – giao dịch mạnh nhất - trên Sàn giao dịch thương mại Chicago kết thúc phiên giảm 19,5 US cent xuống 14,49 USD/bushel. Hợp đồng ngô giao cùng kỳ hạn giảm 10-3/4 cent xuống 6,15-1/4 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 7 cent xuống 6,73 USD/bushel.
Giá đường thô giảm trong phiên thứ Sáu, nhưng tính chung cả tuần tăng 3% do tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng nguồn cung toàn cầu thắt chặt.
Đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,42 cent, tương đương 1,7%, xuống 24,83 cent/lb sau khi thiết lập mức cao nhất trong 11 năm là 25,62 cent vào đầu phiên giao dịch. Hợp đồng này đã tăng 3% trong tuần. Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 19,30 USD, tương đương 2,8%, xuống 676,40 USD/tấn, tiinhs chung cả tuần giảm 3%.
Các đại lý cho biết đợt tăng giá gần đây được tiếp thêm động lực bởi thông tin diện tích mía đường của Brazil đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm. Tuy nhiên, thị trường xuất hiện tình trạng mua quá mức về mặt kỹ thuật và có thể giảm sâu hơn nữa trong ngắn hạn.
Giá cà phê robusta giao tháng 7 tăng 8 USD, tương đương 0,3%, lên 2.382 USD/tấn khi thị trường tiếp tục đà tăng khi giá đang ở gần mức cao nhất trong 11 năm rưỡi của tuần trước là 2.401 USD. Tính chung cả tuần giá tăng 2%.
Cà phê arabica giao tháng 7 giảm 2,45 cent, tương đương 1,3%, xuống 1,9145 USD/lb, tính chung cả tuần không có sự thay đổi. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 54 USD trong tuần qua, ổn định ở mức 2.386 đô la vào cuối ngày thứ Tư.
Trên thị trường châu Á, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống thấp hơn so với giá tham chiếu quốc tế, do giá cà phê robusta tại London nhích lên trong tuần này bởi kho dự trữ gần như trống rỗng.
Nông dân ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, bán hạt cà phê ở mức 50.300 đồng đến 52.000 đồng (2,14-2,21 USD) một kg, tăng từ mức 49.400 đồng - 51.500 đồng một tuần trước.
Các thương nhân tại Việt Nam chào giá cà phê robusta đen loại 2 (5% vỡ) với mức chiết khấu 30-50 USD/tấn so với hợp đồng robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn London. Tuần trước, giá cà phê Việt Nam cao hơn 40-50 USD/tấn.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuần, kết thúc chuỗi 5 ngày liên tiếp tăng trong bối cảnh giá dầu giảm và lo ngại suy thoái kinh tế, mặc dù giá vẫn tăng trong tuần.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 2,7 yên, tương đương 1,4%, xuống 210,1 yên (1,57 USD)/kg nhưng tăng 0,1% trong tuần, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp. Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 80 NDT xuống 11.860 NDT (1.720,11 USD)/tấn. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore được giao dịch lần cuối ở mức 136,9 US cent/kg, giảm 1,2% so với phiên liền trước.
Tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản chậm lại trong tháng 3, kéo theo sự sụt giảm trong các chuyến hàng ô tô và thép đến Trung Quốc, cho thấy mối lo ngại về nhu cầu toàn cầu giảm trong bối cảnh lãi suất tăng và sự lo lắng của khu vực ngân hàng phương Tây.
Giá hàng hóa thế giới: