menu search
Đóng menu
Đóng

Các nước trên thế giới cùng nỗ lực kích thích kinh tế (phần 4)

21:34 29/04/2020

Vinanet - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế quốc gia nói chung cũng như các doanh nghiệp và đời sống của mỗi người dân nói riêng trên toàn thế giới. Để hỗ trợ nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, Chính phủ các nước Châu Á đã rất nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp.
 
Singapore
Ngày 11/3, Singapore tuyên bố đang soạn thảo gói kích thích kinh tế thứ hai trị giá 4 tỉ SGD, sau gói hỗ trợ 6,4 tỉ USD tháng trước. Các gói hỗ trợ của Singapore dành ra ba khoản: hỗ trợ y tế, dành cho doanh nghiệp và gia đình, dành cho những người có thu nhập thấp. Công dân Singapore từ tuổi 21 trở lên sẽ nhận được 100-300 SGD mỗi người tùy theo thu nhập. Các hộ nghèo được nhận các phiếu mua thực phẩm và vé sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Doanh nghiệp được miễn giảm nhiều loại thuế khi duy trì việc làm cho công nhân không sa thải.
Ngày 30/3, Ngân hàng Trung ương Singapore cũng đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh nước này có nguy cơ đối mặt với một đợt suy thoái sâu do đại dịch Covid-19. Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore cho biết đã tiến hành hạ tỷ giá tham chiếu, qua đó cho phép đồng nội tệ dollar Singapore (SGD) yếu hơn so với các đồng ngoại tệ của các đối tác thương mại chính nhằm hỗ trợ tăng trưởng theo hướng xuất khẩu. Ngân hàng này nhận định bất ổn lớn vẫn còn tồn tại và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh cũng như mức độ hiệu quả của các biện pháp chính sách. Thay vì sử dụng tỷ lệ lãi suất, Singapore quản lý chính sách tiền tệ bằng cách cho đồng SGD tăng hoặc giảm so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại.
Ngày 3/4, Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu trước toàn dân và tuyên bố áp dụng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn Singapore từ ngày 7/4 - 4/5, trong đó có việc đóng cửa hầu hết các công ty và nơi làm việc, trừ những lĩnh vực và dịch vụ thiết yếu, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Ngày 6/4, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat đã công bố gói hỗ trợ tài chính thứ ba (có tên gọi Ngân sách Đoàn kết) trị giá 5,1 tỷ SGD (hơn 3,5 tỷ USD), nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong thời gian thực hiện biện pháp cách ly xã hội kéo dài bốn tuần tại nước này. Trong gói ngân sách hỗ trợ này, khoảng 4 tỷ SGD được dành để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động và khoảng 1,1 tỷ SGD cho các khoản hỗ trợ chi phí khác. Gói ngân sách bổ sung này được công bố chỉ 11 ngày sau khi gói ngân sách bổ sung đầu tiên (gói ngân sách Phục hồi) được công bố ngày 26/3.
Để cấp vốn cho gói ngân sách bổ sung lần này, Chính phủ Singapore đã kiến nghị và được Tổng thống Halimah Yaacob đồng ý chủ trương trích từ nguồn dự trữ ngân sách quốc gia khoảng 4 tỷ SGD.
Tính đến nay, Singapore đã công bố các gói hỗ trợ tài chính lên tới 59,9 tỷ SGD (khoảng 12% GDP) nhằm đối phó với tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, khiến thâm hụt ngân sách tài khóa 2020 của nước này có thể lên tới 44,3 tỷ SGD, chiếm khoảng 8,9% GDP.
Malaysia
Ngày 3/3, Ngân hàng trung ương Malaysia đã phải hạ lãi suất chủ chốt lần thứ 2 trong năm, xuống mức 2,5% nhằm đối phó với những tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Điều kiện kinh tế toàn cầu đã suy yếu trong giai đoạn gần đây và Sự bùng phát của Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất và du lịch, dẫn đến những nguy cơ cao hơn. Ngân hàng đồng thời cảnh báo tăng trưởng kinh tế trong Quý I/2020 sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, chủ yếu là trong các lĩnh vực chế tạo và du lịch. Sự suy yếu của ngành nông nghiệp cũng có khả năng kéo dài trong quý đầu tiên của năm nay. Tháng trước, Malaysia đã công bố gói cứu trợ, trị giá 4,7 tỷ USD, bao gồm việc giảm thuế và tái bố trí kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp.
Năm 2019, nền kinh tế Malaysia tăng trưởng với tốc độ vừa phải 4,3%. Năm 2020, tăng trưởng trong quý đầu tiên sẽ bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát Covid-19, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất và liên quan đến du lịch. Sự yếu kém trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có khả năng diễn ra trong quý I.
Ngày 27/3, Malaysia công bố “gói kích cầu kinh tế lấy con người làm trung tâm", trị giá 250 tỷ ringgit (58,28 tỷ USD). Đây là gói cứu trợ thứ hai được chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đưa ra trong vòng 1 tháng nhằm hạn chế tác động về kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Gói kích cầu này đảm bảo bao phủ toàn bộ các thành phần trong xã hội. Theo đó, trong số 250 tỷ ringgit, chính phủ sẽ dành 128 tỷ ringgit cho các khoản phúc lợi xã hội, 100 tỷ ringgit để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa vào nhỏ, cùng 2 tỷ ringgit để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Nhóm thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu được hỗ trợ tổng cộng 10 tỷ ringgit.
Này 6/4, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin công bố gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỷ ringgit (khoảng 2,3 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước này, nhằm giảm nhẹ tác động của Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Indonesia
Ngày 13/3, Indonesia đã công bố gói kích thích trị giá 120 nghìn tỷ rupiah (8,1 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế Đông Nam Á này trước sự lây lan của virus corona làm gián đoạn hoạt động toàn cầu. Gói kích thích, chiếm 0,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bao gồm miễn thuế thu nhập cho công nhân ngành sản xuất và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty.
Chính sách giảm thuế cho công nhân sản xuất được cho những người có thu nhập đên 200 triệu rupiah hoặc ít hơn trong một năm. Chính phủ Indonesia cũng miễn cho các công ty trong 19 lĩnh vực sản xuất phải nộp thuế nhập khẩu, trong khi giảm thuế thu nhập 30% cho doanh nghiệp. Hoàn thuế giá trị gia tăng cũng sẽ được thuận lợi hóa cho các công ty, đặc biệt là các nhà xuất khẩu, để giúp quản lý dòng tiền. Việc giảm thuế, kéo dài sáu tháng bắt đầu từ tháng 4, ước tính sẽ tiêu tốn của chính phủ 22,9 nghìn tỷ rupiah.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, Sri Mulyani Indrawati, trước đây đã cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế của Indonesia có thể chậm lại 4,7% trong năm nay nếu sự bùng phát virus làm chậm lại tăng trưởng của Trung Quốc và toàn cầu. Nền kinh tế Indonesia vào năm ngoái đạt tăng trưởng 5,02%. Dự báo tăng trưởng năm 2020 do Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đưa ra cao hơn một chút, ở mức 5,1%. Gói kích thích dự kiến sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách trong năm nay lên 2,5% GDP, từ kế hoạch ban đầu ở mức khoảng 1,8% GDP, Indrawati cho biết.
Tháng 2/2020, bà Indrawati đã công bố gói kích thích 10,3 nghìn tỷ rupiah để hỗ trợ chi tiêu và du lịch của người tiêu dùng, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng nó quá nhỏ để có tác động đáng kể. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cũng công bố các biện pháp phi tài chính để hạn chế tác động đến nền kinh tế, bao gồm cả các quy định xuất khẩu được nới lỏng cho thủy sản và lâm sản và quy định nhập khẩu thép. Việc nới lỏng các quy định về nhập khẩu cũng sẽ được mở rộng hơn tới các mặt hàng thực phẩm chiến lược, như đường, bột và muối, ông nói. Các quy định về tái cơ cấu khoản vay đối với các công ty vừa và nhỏ cũng sẽ được điều chỉnh thông thoáng hơn để các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản vay bất kể quy mô, Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ tài chính Wimboh Santoso cho biết.
Philippines
Ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez đã công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 27,1 tỷ peso (khoảng 526 triệu USD) nhằm đối phó với sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, gói hỗ trợ tài chính này sẽ dành khoản bổ sung 3,1 tỷ peso hỗ trợ trực tiếp cho những biện pháp ngăn chặn lây lan của COVID-19; hỗ trợ khoảng 2 tỷ peso cho các biện pháp bảo vệ xã hội đối với những người lao động dễ bị tổn thương; huy động khoảng 1,2 tỷ peso sẵn có trong Hệ thống An sinh Xã hội dành cho người lao động bị mất việc làm; triển khai các chương trình hỗ trợ tới 14 tỷ peso cho lĩnh vực du lịch; dành 2,8 tỷ peso cho các khoản vay không lãi suất dành cho nông dân, ngư dân và 1 tỷ peso cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ liên tục của Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) trong việc tìm kiếm nguồn cung mới và thị trường phi truyền thống cho các ngành bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, chính quyền Philippines cũng công bố bổ sung các cơ chế mới gồm Chương trình cho vay của Hệ thống Bảo hiểm Dịch vụ Chính phủ dành cho nhân viên chính phủ và người về hưu bị ảnh hưởng; huy động các nguồn vốn từ các tập đoàn thuộc sở hữu của chính phủ để hỗ trợ các hãng hàng không và ngành du lịch; và phê chuẩn các biện pháp cứu trợ tạm thời, tái chiết khấu cho các tổ chức tài chính đã được Ủy ban Tiền tệ (MB) phê duyệt.
Ngày 19/3, Ngân hàng trung ương nước này đã cắt giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến để đối phó với sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo đó, ngân hàng này đã cắt giảm lãi suất mua ngược lại qua đêm 50 điểm cơ bản, mạnh hơn mức dự kiến của các nhà phân tích là 25 điểm.Đây là lần thứ 5 ngân hàng giảm lãi suất kể từ năm 2018 khi ngân hàng này bắt đầu đảo ngược xu hướng tăng lãi suất. Lần cắt giảm lãi suất gần đó nhất là vào 10/2. Ngân hàng trung ương nước này cho biết triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu hơn nữa trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Chưa kể, virus Corona có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế và tâm lý thị trường trong các tháng tới.
Campuchia
ngày 17/3, Ngân hàng Phát triển Nông thôn (RDB) thuộc sở hữu quốc doanh của Campuchia tung ra gói tín dụng, trị giá 50 triệu USD, nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong lĩnh vực nông nghiệp của nước này tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Theo đó, hơn 500.000 SME địa phương có thể vay vốn của RDB để tăng năng suất và cải thiện khả năng cạnh tranh. Các SME có thể vay lên tới 300.000 USD với lãi suất 6%/năm để tăng vốn và lãi suất 5% để đầu tư, từ đó giúp chủ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Nguồn:VITIC tổng hợp