Ấn Độ
Ngày 18/3, các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ có nhiều khả năng sẽ trở thành một “ổ dịch” bệnh COVID-19 mới bởi những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh dù đã được thực hiện thành công tại nhiều nơi khác ở châu Á, nhưng có thể không hiệu quả tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Thực tế là khi đó số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ tăng rất nhanh. Chỉ vài ngày sau đó, ngày 23/3, Chính phủ Ấn Độ quyết định phong tỏa toàn quốc bắt đầu từ 0h ngày 25/3, kéo dài trong 21 ngày. “Để cứu Ấn Độ, để cứu lấy mọi công dân, bạn, gia đình bạn..., mọi con đường, mọi khu phố sẽ được đặt dưới lệnh phong tỏa" - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói, đồng t hời cảnh báo rằng nếu Ấn Độ “không xử lý tốt trong 21 ngày phong tỏa thì đất nước của chúng ta sẽ thụt lùi 21 năm". Và chính sách này đã có hiệu quả đáng kể. Đến hết ngày 12/4/2020, Ấn Độ đứng thứ 22 thế giới về số ca nhiễm với 9.240 ca, trong đó 331 ca tử vong.
Song song với đó, Chính phủ Ấn Độ cũng thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngày 16/3, Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) đã thực hiện một số biện pháp tăng tính thanh khoản và không loại trừ việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Tư tới. Các biện pháp bao gồm các hợp đồng hoán đổi đồng đô la - rupee và tăng cường bơm 1 nghìn tỷ rupee tiền mặt (13,5 tỷ USD) thông qua các hoạt động repo dài hạn, Thống đốc Shaktikanta Das nói với các phóng viên ở Mumbai.
Ngày 26/3, Ấn Độ công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 1.700 tỷ rupee (22,6 tỷ USD) nhằm giải quyết những lo ngại về phúc lợi của người nghèo và những người lao động gặp khó khăn, cũng như những người cần hỗ trợ khẩn cấp. Cụ thể, gói kích thích bao gồm các khoản trợ cấp tiền mặt trực tiếp và các biện pháp an ninh lương thực, nhằm hỗ trợ hàng triệu người nghèo đang bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19.
Chính phủ đặt mục tiêu phát miễn phí cho mỗi người 5 kg bột mỳ hoặc gạo, và 1 kg đậu cho mỗi gia đình thu nhập thấp, qua đó giúp cung cấp lương thực cho khoảng 800 triệu người nghèo trong ba tháng tới. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ cung cấp các bình gas nấu ăn miễn phí cho 83 triệu hộ gia đình nghèo, bên cạnh các khoản trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho 200 triệu phụ nữ và người cao tuổi.
Chính phủ Ấn Độ đã lên kế hoạch chi trả bảo hiểm y tế trị giá 5 triệu rupee (66.000 USD) cho mỗi nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, từ bác sỹ, y tá và các nhân viên phụ tá cho đến những người làm công tác vệ sinh. Đồng thời, Chính phủ dự định cấp vốn cho Quỹ dự phòng cho nhân viên ở nhiều doanh nghiệp nhỏ, qua đó hỗ trợ cho khoảng 48 triệu người lao động.
Ngày 27/3, RBI cắt giảm lãi suất cho vay tiêu chuẩn 75 điểm cơ bản, từ 5,15% xuống 4,4%. Trong khi đó, lãi suất huy động cũng giảm 90 điểm cơ bản xuống còn 4%. Ông Das khẳng định các biện pháp này nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tới chừng nào còn cần thiết và để giảm thiểu tác động từ dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 27/3, Chính phủ Ấn Độ công bố gói cứu trợ trị giá gần 23 tỷ USD để đảm bảo cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, đồng thời mua bảo hiểm cho các nhân viên y tế tuyến đầu. Khoảng 800 triệu người sẽ nhận được ngũ cốc và bình gas nấu ăn miễn phí cùng với tiền mặt trực tiếp trong 3 tháng.
Ngày 9/4, Chính phủ Ấn Độ thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 150 tỷ rupee (khoảng 2 tỷ USD), nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước này. Theo đó, khoảng một nửa số tiền (777 tỷ rupee) sẽ được sử dụng cho chương trình Phản ứng khẩn cấp COVID-19, phần còn lại được dành để hỗ trợ về trung hạn (1-4 năm). Những lĩnh vực trọng tâm sẽ là phát triển các cơ sở chẩn đoán và điều trị COVID-19 chuyên dụng, mua sắm tập trung các thiết bị y tế thiết yếu và thuốc men cần thiết cho việc điều trị bệnh nhân, củng cố và xây dựng các hệ thống y tế cấp bang và quốc gia để hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh trong tương lai, thiết lập các phòng thí nghiệm và đẩy mạnh hoạt động giám sát.
Đến nay, đã có tổng cộng 223 phòng thí nghiệm tại Ấn Độ tham gia vào cuộc chiến chống COVID-19 bao gồm 157 phòng thí nghiệm của chính phủ và 66 phòng thí nghiệm tư nhân.
Bộ Y tế Ấn Độ đã giải ngân 41 tỷ rupee cho tất cả các bang để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh.
Goldman Sachs nhận định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ sẽ giảm xuống còn 1,6% trong tài khóa 2020-2021 (kết thúc vào tháng 3/2021). Đây là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, phần lớn đến từ những tác động xấu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Nga
Tình hình dịch COVID-19 ở Nga đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm gần đây tăng nhanh. Đến hết ngày 12/4/2020 có 18.328 ca nhiễm, trong đó có 148 ca tử vong.
Ngày 16/3, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, nước này sẽ thành lập quỹ chống khủng hoảng trị giá 300 tỷ ruble (4 tỷ USD) nhằm bảo vệ nền kinh tế trước tác động từ COVID-19. Nga có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay giữa lúc các thị trường toàn cầu đang biến động trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Nga đã cam kết hỗ trợ mọi lĩnh vực, từ ngân hàng tới đồng ruble và thị trường trái phiếu chính phủ, và sự chú ý đang được hướng đến cuộc họp về lãi suất vào ngày 20/3. Ông Mishustin cho biết các biện pháp hỗ trợ mới sẽ bao gồm việc miễn giảm thuế cho các công ty du lịch và các hãng hàng không, và Nga sẽ mở rộng chương trình cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp.
Ngày 27/3, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này 150 tỷ ruble tương đương 1,92 tỷ USD để trả lương cho nhân viên. Ngân hàng Trung ương Nga cũng sẽ cung cấp các khoản tín dụng với lãi suất ưu đãi 4%/năm cho các ngân hàng để đảm bảo việc thanh toán lương cho nhân viên trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nước này sắp phải đóng cửa trong kỳ nghỉ kéo dài một tuần. Ngoài ra, để hỗ trợ khả năng thanh khoản của thị trường, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo sẽ cấp 500 tỷ ruble cho các hoạt động mua và bán lại các loại chứng khoán có kỳ hạn được sử dụng trên thị trường sau khi tính tới các ngày không làm việc, từ ngày 30/3 - 3/4.
Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 20/3, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 10% xuống còn 8% đối với các ngân hàng có tăng trưởng cho vay thực tế tuân thủ các thay đổi được công bố vào tháng 8 năm ngoái. Lãi suất sẽ bằng 0 đối với những ngân hàng có tín dụng thực tế không phù hợp với các biện pháp được công bố trước đây về dự trữ bắt buộc.
Sri Lanka. Ngày 16/3, Ngân hàng trung ương Sri Lanka đã cắt giảm lãi suất cho vay 25 điểm cơ bản, xuống còn 7,25%. Cơ quan này cho biết rằng hỗ trợ nền kinh tế là một nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Séc. Kể từ khi ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 12/3 để ứng phó với COVID-19, Chính phủ Séc đã triển khai các biện pháp nhằm giảm tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Để đảm bảo tăng chi cho công tác khống chế dịch bệnh COVID-19 song vẫn đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính trong nước, Chính phủ Séc điều tiết nền kinh tế vĩ mô theo hướng tăng thâm hụt ngân sách nhà nước và giảm lãi suất ngân hàng.
Ngày 17/3, Ngân hàng quốc gia Séc (CNB) giảm tỷ lệ lãi suất 50 điểm cơ bản xuống 1.75 %. Ngày 25/3, lãi suất tiếp tục được hạ 75 điểm cơ bản xuống còn 1% để đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính. Bên cạnh đó, Chính phủ Séc cũng đã cho phép CNB mở rộng phạm vi giao dịch, tạo điều kiện để CNB có thể giao dịch với các công ty bảo hiểm hoặc các nhà đầu tư khi trước đây, CNB chỉ được giao dịch với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Ngày 26/3, Tổng thống Séc Milos Zeman ký ban hành luật ngân sách quốc gia sửa đổi, cho phép tăng mức thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2020 từ 40 tỷ Korun (1,57 tỷ USD) lên 200 tỷ Korun (7,89 tỷ USD) do thất thu thuế và tăng chi tiêu ứng phó với dịch COVID-19.
Chính phủ Séc chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thương bởi các biện pháp khẩn cấp ứng phó với dịch COVID-19 như đóng cửa các cửa hàng, đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại với mục tiêu giảm nguy cơ các doanh nghiệp này sa thải người lao động. Song song đó, Chính phủ Séc cũng quan tâm tới việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp cá thể bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19 thông qua việc miễn nộp tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội trong 6 tháng, từ tháng 3-8/2020. Người có con dưới 13 tuổi phải nghỉ học trong thời gian dịch bệnh, bố mẹ sẽ được trợ cấp mỗi ngày 424 Korun tiền ở nhà trông con.
Để đảm bảo tự chủ về an ninh lương thực, Chính phủ Séc cũng thông qua Chương trình phát triển nông thôn, với tổng số vốn 3,3 tỷ Korun để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, lâm nghiệp.
Saudi Arabia ngày 20/3 đã công bố các biện pháp kích thích kinh tế khẩn cấp lên tới 32 tỷ USD trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang phải ứng phó với virus SARS-CoV-2. Theo Bộ Tài chính Saudi Arabia, gói kích thích này sẽ được phân bổ để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh, bên cạnh các biện pháp khác như miễn trừ và hoãn thời hạn nộp các loại thuế và loại phí trong thời gian 3 tháng.
Saudi Arabia đang phải chịu tác động kép của dịch COVID-19 khi giá dầu giảm mạnh và các hoạt động của nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab này bị đình trệ do lệnh đóng cửa các khu mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng, hàng loạt chuyến bay bị hủy và lễ hành hương truyền thống hằng năm phải ngừng để kiềm chế sự lây lan của virus. Saudi Arabia cũng đã ngừng hoạt động cầu nguyện tại mọi ngôi đền, trừ 2 đền linh thiêng nhất của người Hồi giáo ở thánh địa Mecca và Medina.
Trong thời vừa qua, các doanh nghiệp của Saudi Arabia đã phải hứng chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình đốn, việc đi lại giao thương giữa các nước cũng bị hạn chế đáng kể đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp.
UAE. Ngày 16/3, Thái tử Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan thông báo UAE sẽ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc nới lỏng các quy định và luật đầu tư. UAE cũng lên kế hoạch kích thích đầu tư chiến lược và một ủy ban mới do Bộ Tài chính đứng đầu sẽ rà soát các hình thức cho vay nhằm hỗ trợ các công ty địa phương. Trước đó, ngày 14/3, Ngân hàng Trung ương UAE đã công bố gói cứu trợ trị giá 27 tỷ USD để giúp nền kinh tế đối phó với tác động của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, UAE cũng quyết định ngừng cấp thị thực, trừ các nhân viên ngoại giao, kể từ ngày 17/3.
Qatar ngày 16/3 thông báo gói kích thích kinh tế trị giá 23 tỷ USD nhằm đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bên cạnh đó, Qatar cũng dành khoản tiền 2,7 tỷ USD để hỗ trợ thị trường chứng khoán. Qatar là nước bị tác động tồi tệ nhất trong các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), với 401 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 15/3/2020.
Israel. Ngân hàng Israel ngày 15/3 cho biết họ đã mua trái phiếu chính phủ lần đầu tiên kể từ năm 2009 để làm dịu đi tâm lý hoảng loạn và tăng tính thanh khoản cho thị trường - bước đi khẩn cấp mới nhất của ngân hàng này nhằm đối phó với sự bùng phát của coronavirus. Từ 16/3, ngân hàng bắt đầu sử dụng các giao dịch hoán đổi đô la - shekel với kỳ hạn một tuần, một công cụ mới để cung cấp thanh khoản đô la cho các ngân hàng địa phương. Trước đó, ngày 11/3, Chính phủ nước này công bố một gói cứu trợ khẩn cấp trị giá hơn 10 tỉ Shekel (2,8 tỉ USD), nhằm ổn định nền kinh tế và bù đắp các tổn thất do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Gói cứu trợ này chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp, số còn lại phân bổ cho hệ thống y tế và các nỗ lực ngăn ngừa sự lây lan của virus corona chủng mới và ngành hàng không.
Kuwait. Ngân hàng trung ương Kuwait ngày 16/3 đã giảm lãi suất 100 điểm cơ bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã hạ lãi suất xuống 75 điểm cơ bản hôm 16/3 ngay sau khi Fed hạ lãi suất khẩn cấp lần thứ 2 trong tháng này. Nhiều nước ở vùng vịnh có đồng nội tệ được neo giá theo đồng USD và có xu hướng theo dõi chặt chẽ các động thái của Fed.
Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28/3 thông báo chính phủ nước này đã phân bổ ngân sách 23,9 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng tại quốc gia này. Trong đó, khoảng 3 tỷ USD sẽ được rót cho lĩnh vực y tế, và 1,2 tỷ USD được sử dụng để thiết lập quỹ trang trải chi phí thất nghiệp. Khoảng 17,8 tỷ USD sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp dưới dạng các khoản vay lãi suất thấp. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp với tổng số tiền 1,9 tỷ USD.
Nguồn:VITIC tổng hợp