menu search
Đóng menu
Đóng

Cập nhật tin COVID-19 ngày 10/4 và công tác phòng, chống dịch của Bộ Công Thương

12:01 10/04/2020

Vinanet - Trang tin điện tử http://vinanet.vn/ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus COVID-19 và các chỉ đạo ứng phó của Bộ Công Thương.
Cập nhật lúc 9h30 ngày 10/4/2020
Trong 24h qua, thế giới có thêm 80.203 người mắc COVID-19 và 6.946 người tử vong. Lệnh phong tỏa tiếp tục được kéo dài và tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất phòng dịch vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia
Nguồn: Tuổi trẻ
Mỹ: Số người nhiễm ở Mỹ vẫn đứng đầu thế giới, với 465.568 ca nhiễm, tăng 30.659 ca trong ngày. Với tốc độ tăng số ca nhiễm nhanh chóng như hiện nay, chỉ trong vòng 2 ngày nữa, số ca nhiễm ở Mỹ sẽ vượt nửa triệu người. Đại dịch Covid-19 cũng đã cướp đi sinh mạng của 16.545 người ở Mỹ, với 1.757 ca tử vong mới được ghi nhận trong 24h.
Riêng tại New York, số ca tử vong tăng thêm 799 người so với ngày 8/4, mức tăng cao nhất trong ba ngày qua, nâng tổng số ca tử vong tại bang này lên 7.067 ca. Tuy nhiên, số người phải nhập viện vì Covid-19 trong ngày ở bang này giảm mạnh ở mức dưới 10%, một tín hiệu cho thấy các biện pháp giãn cách đã phát huy hiệu quả.
Italy: Theo số liệu được Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, trong ngày 9/4, nước này đã ghi nhận thêm 4.204 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 lên 143.626 trường hợp - cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha. Đây là ngày thứ 2 Italy ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày tăng so với hôm trước (3.836 ca), sau khi con số này xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch bệnh đạt đỉnh với 3.039 ca vào ngày 7/4.
Có thêm 610 bệnh nhân tử vong do SARS-CoV-2 được xác nhận, nâng tổng số người thiệt mạng lên 18.279 trường hợp. Trong khi đó, số ca hồi phục tăng thêm 1.979 trường hợp, lên 28.470 người.
Đáng chú ý, số lượng các bệnh nhân phải điều trị đặc biệt ở Italy tiếp tục giảm xuống trong ngày thứ 5 liên tiếp với 3.605 ca, giảm 88 ca so với 3.693 ca ghi nhận trong ngày 8/4. Ngoài ra, Italy hiện có 28.399 ca nhập viện và 64.873 ca cách ly tại nơi ở.
Trong khi đó, vùng tâm dịch Lombardy đã chứng kiến số ca tử vong vượt 10 nghìn người, với 300 bệnh nhân thiệt mạng được ghi nhận trong ngày 9/4, nâng tổng số ca tử vong ở vùng này lên 10.022 trường hợp. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm bệnh tại Lombary là 54.802 trường hợp, tăng 1.388 ca.
Nguồn: Baoquocte
Tây Ban Nha: Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 446 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên 15.238 (con số tính đến 20h30 ngày 9/4 giờ Việt Nam).
Số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 4.226 ca, lên 152.446 ca.
Anh: Tính đến hết ngày 9/4, Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết, Anh ghi nhận thêm 881 trường hợp tử vong do SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 thiệt mạng lên 7.978 người. Cũng theo ông Raab, đã có tổng cộng 243.421 người ở Anh được xét nghiệm, trong đó có 65.077 ca được khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoại trưởng Raab nhấn mạnh, Anh vẫn chưa đạt tới đỉnh dịch và còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Theo ông, các chuyên gia vẫn đang thu thập số liệu về tình trạng phong tỏa và còn quá sớm để khẳng định liệu biện pháp này có hiệu quả hay không.
Pháp: Tính đến 6h sáng 10/4 đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 12.210 người ở Pháp. Trong đó, có 8.044 trường hợp tử vong trong các bệnh viện, với 82% là những người trên 70 tuổi; 4.166 ca ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.
Có 117.749 ca nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận trên toàn quốc, tăng 4.799 ca so với ngày hôm qua. Trong số 30.767 người phải nhập viện, có 7.066 bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch phải hồi sức tích cực với tỷ lệ 33% dưới 60 tuổi và 61% từ 60 đến 80 tuổi.
Lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Pháp, số bệnh nhân trong ngày được đưa vào diện chăm sóc đặc biệt dừng lại ở mức 369 ca, giảm 82 trường hợp trong vòng 24 giờ. Mức giảm này, được quan tâm vì phản ánh áp lực đối với hệ thống y tế, cho thấy Pháp đang dần kiềm chế được dịch bệnh. Bên cạnh đó, 31.874 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Theo giới chức y tế Pháp, các biện pháp chặt chẽ chống dịch ở nước này đang bắt đầu mang lại kết quả. Điều cần thiết đối với người dân hiện nay là tiếp tục tuân thủ nghiêm túc lệnh hạn chế đi lại, dự kiến sẽ kéo dài qua thời hạn 15/4 của lần gia hạn thứ nhất.
Nga: Bộ Y tế Nga cho biết, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao kỷ lục với 1.459 ca, nâng tổng số ca bệnh toàn quốc lên 10.131 người. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid-19 chết ở Nga cũng tăng thêm 13, nâng tổng số người chết tới nay là 76 trường hợp.
Singapore: Bộ Y tế Singapore cùng ngày ghi nhận 287 ca nhiễm mới, đây là lượt tăng trong ngày cao nhất của Singapore cho tới nay. Đến nay nước này đã có 1.910 ca nhiễm và 6 ca tử vong.
Indonesia: Theo hãng tin Reuters, Indonesia ghi nhận số ca nhiễm corona theo ngày tăng cao nhất, 337 ca, kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tháng trước. Như vậy tới nay nước này có tổng cộng 3.293 người bệnh. Cùng với đó, nước này có thêm 40 người chết vì Covid-19, nâng tổng số người chết cả nước lên 280 người.
Malaysia: Tại Malaysia thêm 109 ca nhiễm và 2 người chết được ghi nhận trong 24 giờ qua. Theo hãng tin Reuters, đến nay nước này có 4.228 ca nhiễm, cũng là nước có số ca nhiễm lớn nhất trong khu vực. Ngoài ra Bộ Y tế Malaysia xác nhận có thêm 2 người chết, tổng số người bệnh Covid-19 chết của nước này tới nay là 67 người.
Nhật Bản: Tổng số người nhiễm virus corona chủng mới ở Nhật ngày 9/4 đã là 5.002 ca, chưa có dấu hiệu chậm lại bất kể việc Nhật đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 6 khu vực khác. Hãng tin Reuters dẫn số liệu về tình hình dịch bệnh tại Nhật do Đài NHK công bố hôm nay 9/4. Theo đó, các ca bệnh mới được ghi nhận tại gần như mọi khu vực ở Nhật. Trong số đó, theo hãng tin Kyodo (Nhật) có ít nhất 5 cảnh sát tại Fujisawa, một thành phố ở ngay phía nam thủ đô Tokyo.
Philippines: Tính đến hết ngày 9/4 Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đã có thêm 206 ca bệnh mới và 21 người chết vì Covid-19. Theo hãng tin Reuters, như vậy tới nay quốc gia Đông Nam Á này đã có 4.076 ca nhiễm, với 203 người tử vong và 124 người đã khỏi bệnh (tăng thêm 28 người).
Hàn Quốc: Theo hãng tin Yonhap, trong cuộc họp báo chung của Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp hôm nay 9/4, chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ dừng các chương trình miễn visa (thị thực)với 90 quốc gia đang áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với công dân Hàn Quốc từ thứ hai tuần tới (13/4) để ngăn làn sóng lây lan dịch Covid-19 từ nước ngoài.
Bên cạnh việc dừng chương trình miễn thị thực, tất cả các visa có thời hạn 90 ngày đã được cấp trước ngày 5/4 năm nay cũng sẽ không còn hiệu lực. Tính tới hôm nay 9/4, Hàn Quốc có tổng số 10.423 ca bệnh, trong đó có 861 ca nhập khẩu.
Trung Quốc: Ngày 9/4 giới chuyên gia cảnh báo Trung Quốc nên từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn ngừa nguy cơ bùng phát “làn sóng thứ hai” của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sau khi hàng nghìn người dân ở tâm dịch Vũ Hán cuối cùng cũng được phép di chuyển khỏi thành phố này từ ngày 8/4.
Theo các số liệu báo cáo chính thức, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 12/2019, Vũ Hán đã ghi nhận hơn 50.000 ca mắc và tổng số ca tử vong cao nhất Trung Quốc (chiếm 80% trong số 3.333 ca tử vong ở Trung Quốc tính đến ngày 8/4).
Diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Nguồn: Baoquocte
Tính đến 9h ngày 10/4, Bộ Y tế đã thông báo không có thêm ca mắc Covid-19 mới tính từ 18h hôm qua, 14 sẽ người được công bố khỏi bệnh trong hôm nay.
Số ca mắc mới tính đến 6h00 ngày 10/4: 0 ca. Tổng số người mắc Covid-19 tạm dừng ở con số 255.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 74.941, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 720; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.329; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 49.892.
Về tình hình điều trị theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 17 ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 18 ca.
- Dự kiến trong ngày 10/4, 14 bệnh nhân sẽ được công bố điều trị khỏi Covid-19, cụ thể như sau: 10 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; 01 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh; 01 bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng; 02 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Bộ Công Thương và công tác phòng, chống dịch Covid-19
Bộ Công Thương đề xuất có thêm cơ chế hỗ trợ đặc thù cho từng nhóm ngành sản xuất
Nhằm vực dậy ngành sản xuất đang chao đảo vì dịch Covid-19, ngày 19 /3/2020, Bộ Công Thương đã có Công văn số 202/BCT-KH trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp trước tác động của dịch Covid-19, theo đó đề xuất một số hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp trong các ngành: sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất sắt thép; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; dệt; sản xuất bông, xơ, sợi; dệt nhuộm hoàn tất vải; sản xuất trang phục; sản xuất sản phẩm từ da; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục trình Thủ tướng Công văn số 2282/BCT-CN về rà soát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm ngành Công Thương.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn, hỗ trợ thông quan cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ đẩy mạnh thêm các giải pháp hỗ trợ đặc thù về tín dụng, tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp.
Về tín dụng, Bộ Công Thương cho rằng để cân bằng lợi ích của 2 nhóm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất sử dụng công cụ tái cấp vốn với tỷ lệ chiết khấu phù hợp cho các ngân hàng thương mại, để trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp công nghiệp, đơn giản hóa và minh bạch hoá các thủ tục để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với các hỗ trợ tín dụng của nhà nước.
Nguồn: Tapchicongthuong.vn
Mức giảm lãi suất bằng 30% so với mức lãi suất hiện nay trong thời hạn 12 – 24 tháng.
Đồng thời, điều điều chỉnh thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 18 tháng hoặc 24 tháng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi hoạt động sản xuất, thay vì thời gian cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng như quy định hiện nay.
Trong đó, hướng đến đơn giản hóa hồ sơ chứng minh của các doanh nghiệp về mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như nguồn trả nợ và điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ trực tiếp ban hành các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong thời kỳ khó khăn, như cho vay lãi suất thấp, giãn thời gian trả nợ lãi cho khách hàng,…
Riêng với ngành dệt may, Bộ Công Thương đề xuất chỉ đạo hệ thống ngân hàng có giải pháp hỗ trợ giảm tỷ lệ ký quỹ, giảm phí thanh toán quốc tế đối với doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu để doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất; hỗ trợ kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng chậm trả, giãn tiến độ giao hàng.
Với ngành ô tô, đề xuất sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam.
Để cân đối nguồn thu ngân sách bảo đảm thực hiện các giải pháp hỗ trợ này, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước để tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Trong dài hạn, Bộ Công Thương đề xuất ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo định hướng của Đảng và Chính phủ, với cơ chế sử dụng nguồn vốn thương mại lãi suất thấp do ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất (khoảng 3%/năm) trong một thời hạn nhất định để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận với nguồn vốn tín dụng hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Nguồn:VITIC Tổng hợp