menu search
Đóng menu
Đóng

Cập nhật tin COVID-19 ngày 11/4 và công tác phòng, chống dịch của Bộ Công Thương

23:28 11/04/2020

Vinanet - Trang tin điện tử http://vinanet.vn/ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19 và các chỉ đạo ứng phó của Bộ Công Thương.
Cập nhật lúc 21h00 ngày 11/4/2020

Thế giới: 1.705.846 người mắc; 103.233 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 503.177 người mắc; 18.761 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 158.273 người mắc; 16.081 người tử vong.
Italy: 147.577 người mắc; 18.849 người tử vong.
-Việt Nam: 258 trường hợp mắc Covid-19
Nguồn: Baodauthau.vn

Tính đến 21h ngày 11/4, trên toàn cầu đã có hơn 1,7 triệu người nhiễm Covid-19 và hơn 103.000 người tử vong. Nước Ý đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc cho đến ngày 3/5. Trong khi đó, Trung Quốc xác nhận số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, chủ yếu là ca nhập khẩu.

Mỹ: Theo số liệu cho thấy Mỹ tiếp tục là quốc gia hứng chịu nhiều thiệt hại về người nhất do dịch Covid-19, với tổng số bệnh nhân là 503.177, tăng 32.706 ca so với ngày hôm qua và số ca tử vong là 18.666, gần vượt Italy là nước có số ca tử vong cao nhất với 18.849 trường hợp.
Bang New York, tâm dịch Covid-19 tại Mỹ, tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao, đồng thời trở thành địa phương có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới. Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/4, Thống đốc bang New York thông báo ghi nhận 777 ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ qua. Trước đó một ngày, bang nằm ở bờ Đông nước Mỹ này cũng ghi nhận 799 ca tử vong.
Tính đến nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại bang New York là 7.844 người. Tuy nhiên, Thống đốc bang này bày tỏ "lạc quan một cách thận trọng" rằng, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đang giảm.
Italy: Trong 24h qua, ghi nhận thêm 3.591 ca nhiễm mới Covid-19 và 570 ca tử vong mới nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 147.577, số ca tử vong lên 18.849. Bất chấp những tác động tới nền kinh tế, ngày 10/4, Chính phủ Italy đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại đến ngày 3/5 do lo ngại nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại nếu dỡ bỏ hạn chế mặc dù có dấu hiệu tích cực là đường cong dịch bệnh đang cho thấy xu hướng giảm.

 Ngày 9/4, Bộ Nội vụ Italy đã ban hành chỉ thị kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại của người dân, đặc biệt trong dịp Lễ Phục sinh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Chính phủ Italy đồng thời công bố sắc lệnh mới về giai đoạn 2 ứng phó với dịch bệnh dựa trên 2 trụ cột: một nhóm chuyên gia làm việc và các biện pháp đảm bảo an toàn tại nơi làm việc. Theo sắc lệnh mới, các cửa hàng văn phòng phẩm, quần áo trẻ em, giặt là và một số hoạt động sản xuất có thể mở cửa trở lại sau ngày 14/4.
Anh: Tại Anh, ngày 11/4 ghi nhận 73.758 ca nhiễm Covid-19 với 8.958 ca tử vong, tăng 980 ca trong vòng 24h qua, ngoài ra, có 1.559 bệnh nhân đang nguy kịch.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Boris Johnson đã có thể đi lại sau khi rời phòng hồi sức tích cực, trong bối cảnh nước này ghi nhận ngày nguy hiểm nhất của đất nước này trong đại dịch, với hơn 980 người chết, nâng tổng số người chết tại quốc gia này lên gần 9.000.
Pháp: Cơ quan y tế Pháp tối 10/4 xác nhận, trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 987 ca tử vong vì bệnh Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 13.197 trường hợp. Trong số đó bao gồm 8.598 ca tử vong tại bệnh viện (tăng 554 ca trong 24 giờ) và 4.599 ca trong các nhà dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội (tăng 433 ca).
Lần đầu tiên tại Pháp, một bệnh nhi dưới 10 tuổi dương tính với SARS-CoV-2 đã tử vong. Giới chức y tế cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong, song chưa nói rõ chi tiết.
Hiện ở Pháp ghi nhận 124.869 ca nhiễm Covid-19, trong đó 31.267 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện (tăng 3.161 trường hợp trong 24 giờ), bao gồm 7.004 trường hợp được chăm sóc đặc biệt (tăng 431 ca). Hơn 25.000 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Tây Ban Nha: Cùng ngày, Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 605 trường hợp tử vong do mắc Covid-19, đưa tổng số người tử vong tại nước này lên 15.843, giảm so với mức 15.238 của ngày 9/4. Đây là số ca tử vong theo ngày thấp nhất của nước này trong vòng 17 ngày. Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày tăng thêm 4.576 lên 157.022.
Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố đang dần kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết những số liệu mới nhất "rất đáng khích lệ" và tình hình dịch bệnh tại nước này chuẩn bị bước vào giai đoạn thuyên giảm.
Nguồn; Tuổi trẻ
Singapore: Tại Singapore hết ngày 10/4 ghi nhận thêm 198 ca nhiễm SARS-CoV-2 , nâng tổng số ca mắc lên 2.108 người, với 7 ca tử vong.
Toàn bộ 198 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ghi nhận là những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Cho tới nay, Singapore có tổng cộng 492 bệnh nhân đã hồi phục và ra viện. Phần lớn trong số 875 ca đang điều trị trong bệnh viện đều ở trong tình trạng ổn định và sức khỏe có cải thiện, trong khi 32 trường hợp đang nguy kịch cần điều trị đặc biệt. Ngoài ra, có 734 trường hợp khỏe mạnh, song xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hiện đang được cách ly và chăm sóc tại các cơ sở cộng đồng.
Thái Lan: Ngày 11/4 cho biết đã ghi nhận thêm 45 ca nhiễm và 2 ca tử vong do Covid-19. Hai ca tử vong này đều là người Thái Lan. Hiện Thái Lan ghi nhận tổng cộng 2.518 ca nhiễm và 35 ca tử vong.
Diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Theo bản tin lúc 18h00 ngày 11/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch  Covid-19, trong ngày chỉ ghi nhận 01 ca mắc mới

Covid-19. Bệnh nhân này là mẹ của bệnh nhân 257.

Bệnh nhân 258 (BN258): Bệnh nhân nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.
Bệnh nhân là mẹ BN257 đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội)
Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết luận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 11/4.
Như vậy, tính đến thời điểm này Việt Nam ghi nhận tổng số ca mắc là 258 trường hợp. Trong đó, có 159 người từ nước ngoài (chiếm 61,6%); 99 người lây nhiễm thứ phát.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 72.508, trong đó:
Số người cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.198 người
Số người cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.519 người
Số người cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 53.791 người
Về tình hình điều trị các bệnh nhân, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca.
3 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong số 113 bệnh nhân đang được điều trị tại 15 cơ sở khám, chữa bệnh, đa số có sức khoẻ ổn định; có 3 bệnh nhân diễn biến rất nặng đang được điều trị tích cực; 21 trường hợp đang điều trị đã có kết quả âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2, trong đó 8 trường hợp âm tính lần 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi thư tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kêu gọi đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước trong công tác phòng chống dịch đại dịch Covid-19.
Nguồn: TTXVN
Theo Thủ tướng, Covid-19 là đại dịch nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh trên toàn cầu và diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.
Đảng, Nhà nước ta đã có những chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, kiên quyết nhiều giải pháp phòng chống dịch ngay từ sớm và áp dụng mức độ cao hơn so với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Việt Nam đang kiểm soát được tình hình, đạt những kết quả tích cực bước đầu với 50% số lượng người nhiễm được chữa khỏi bệnh và đặc biệt là chưa có trường hợp nào tử vong, được WHO và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Đạt được những kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, các đoàn thể… cũng như sự đoàn kết, đồng lòng chung tay hành động của toàn dân tộc, trong đó có những đóng góp, ủng hộ hết sức quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ, chia sẻ quý báu, thiết thực cả về vật chất, tinh thần của bà con đối với công tác phòng chống dịch ở trong nước thời gian qua.
Thủ tướng cũng đề nghị các Cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, hợp tác với các cơ quan hữu quan nước sở tại, bảo đảm quyền lợi, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh cho cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, đồng thời, khẳng định tinh thần tích cực và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, tiếp tục nỗ lực phối hợp hành động và chia sẻ khó khăn với tất cả các nước để sớm giành thắng lợi trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn nhiều vất vả, khó khăn phía trước, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của tất cả chúng ta, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch đến nay, cùng với sự đồng lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Bộ Công Thương và công tác phòng, chống dịch Covid-19
Triển khai hàng loạt giải pháp, Bộ Công Thương quyết tâm gỡ khó cho thương mại Việt - Trung
Đại dịch Covid-19 bùng phát và tác động không nhỏ đến giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc. Gỡ khó cho xuất khẩu, ngay từ đầu tháng 2/2020, Bộ Công Thương đã nỗ lực, triển khai các nhóm giải pháp để thúc đẩy giao thương, hạn chế những tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Một loạt giải pháp đã thực hiện
Bộ Công Thương cho biết, từ đầu tháng 2/2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng thành công quy trình và cơ chế phối hợp giám sát y tế, phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi cư dân biên giới tại các cửa khẩu, cặp chợ biên giới giữa hai nước.
Cùng với đó, Bộ Công Thương liên tục có các thông tin cập nhật về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại biên giới, cảnh báo các địa phương, doanh nghiệp về tình trạng ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu.
Ngoài ra, xác Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng liên tục báo cáo, cập nhật thông tin diễn biến thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản và nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế phục vụ nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, để gỡ khó cho hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc, Vụ thị trường châu Á - châu Phi đã gửi hàng loạt Công thư của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tới Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn; Tổng cục trưởng Tổng Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong; Bí thư Khu ủy Khu tự trị Choang Quảng Tây về việc tiếp tục thực hiện ý kiến thống nhất tại Điện đàm ngày 13/3/2020 và tích cực phối hợp để đảm bảo thương mại thông suốt.
Quyết tâm gỡ khó
Hiện nay, để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn trong giao thương trên cửa khẩu biên giới Việt - Trung, Bộ Công Thương đã chuẩn bị một loạt nhóm giải pháp, quyết tâm gỡ khó cho xuất khẩu, cho người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, Bộ đang chuẩn bị nội dung và thu xếp Điện đàm giữa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn. Đồng thời, cũng chuẩn bị và thu xếp điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn.
Mặt khác, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn tiếp tục cập nhật, đưa thông tin thường xuyên về diễn biến giao nhận hàng hóa và các vấn đề liên quan khác tại khu vực cửa khẩu.
Đặc biệt là khi Chính quyền phía bạn có chính sách phát sinh đột xuất tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của ta; kịp thời trao đổi với Bộ Công Thương để cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, “trong mọi trường hợp, không vì mục tiêu giải tỏa ùn tắc hàng hóa mà coi nhẹ các yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh”.

Nguồn:VITIC Tổng hợp